Nhớ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Nhạc sĩ Dân Huyền đã có những chia sẻ đầy cảm xúc về kỷ niệm với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý lúc sinh thời.

Tôi biết và ngưỡng mộ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý từ thuở Văn Nghệ Khu 4. Thời đó tôi là diễn viên của Đoàn Văn công nhân dân liên khu 4, các anh Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý… hay đến đoàn nói chuyện văn nghệ, dạy hát, dạy ngâm thơ… Trưởng đoàn Đào Mộng Long cứ nhắc tôi nên “bám” anh Tý, anh Thương mà học sáng tác nhạc.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Những năm 60 của thế kỷ trước, mỗi lần từ Hưng Yên về Hà Nội, anh đến Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) thả giọng Nghệ ra trò chuyện với tôi. Anh nhiều tuổi hơn tôi nhưng không bao giờ xưng anh mà chỉ xưng tên. Khi thì “Huyền giúp chuyển cho Tý bài hát này đến anh Tuân, anh Tuyên nhé”, khi thì “Tý mới về Vinh ra, tặng Huyền cặp kẹo Cu Đơ”…Ở anh luôn đậm đà chất Nghệ Tĩnh nơi mình sinh ra và cũng không quên cho tôi vài “nốt nhạc” dân ca các miền để làm vốn và góp phần giúp tôi trưởng thành trong nghề nghiệp. Mãi mãi tôi không bao giờ quên.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5/3/1924 tại thành phố Vinh – Nghệ An, quê gốc ở Phú Cường, Sóc Sơn, Hà Nội. Bố ông là một nghệ sĩ đồng quê biết nhiều điệu hát và thạo chơi đàn dân tộc. Năm 1922 bố mẹ ông vào làm thợ ở nhà máy xe lửa Trường Thi Vinh.

Thuở nhỏ Nguyễn Văn Tý học ở trường Quốc học Vinh, ông được một giáo viên người Pháp dạy nhạc lý và thực hành trên đàn Piano. Khi tham gia “hướng đạo sinh”, một cố đạo người Tây Ban Nha cho vào giàn nhạc nhà thờ, vừa hát thánh ca, vừa học chơi đàn, học hòa thanh, hát bè... Ông còn được một nhạc sĩ người Hoa tên là Mạnh Hinh dạy chơi đàn Guitar Hawaii.

Năm 1944 ông đi hát trong các phòng trà ở Vinh kiếm sống. Năm 1945 Nguyễn Văn Tý tham gia phong trào Việt Minh, là một trong những người sáng lập đoàn kịch thơ, kịch nói của Đoàn Thanh niên cứu quốc Nghệ An. Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1947 khi đang làm Trưởng phòng Thông tin Tuyên truyền huyện Thanh Chương (Nghệ An) với 2 bài hát “Ai xây chiến lũy” và “Phụ nữ bầy tui”. Năm 1948 ông về công tác ở đoàn Văn hóa tiền tuyến của của cục quân huấn. Năm 1950 ông nhận nhiệm vụ đi xây dựng đoàn Văn công Sư đoàn 304 sau đó làm Trưởng đoàn. Cuối năm ấy, ông viết bài hát “Dư âm”. Tác phẩm này nổi tiếng ngay sau đó.

Nhạc sĩ Dân Huyền

Năm 1951 ông xuất ngũ về công tác ở Hội Văn nghệ Khu 4. Sau đó ông ra Hà Nội và đã cùng các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao được chỉ định thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957). Năm 1961, ông được biệt phái về Hưng Yên. Năm 1967 ông trở về công tác ở Hội Nhạc sĩ Việt nam. Sau ngày đất nước thống nhất, ông vào thành phố Hồ Chí Minh công tác ở Viện nghiên cứu âm nhạc của Bộ Văn Hóa Thông tin (cơ sở 2).

Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn sáng tác nhiều bài hát đậm đà chất liệu dân gian, trong đó có một số bài hát viết cho Thiếu nhi như: Tôi là gà trống, Gà mái mơ, Út cưng… Ngoài ra ông còn viết nhạc cho phim hoạt hình, múa rối và một số vở Chèo. Ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

Nhiều người nhận xét rằng phần lớn các tác phẩm của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đều thiên về vẻ đẹp của người phụ nữ. Đúng vậy, nếu như nghe “Dư âm” ta nhớ mãi hình tượng người thiếu nữ dịu dàng, duyên dáng đầy lãng mạn thì "Mẹ yêu con” đã làm thổn thức bao thế hệ, nhắc nhở công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.

"À á ru hời ơ hời ru... Mẹ thương con có hay chăng. Thương từ khi thai nghén trong lòng. Mấy nắng sớm rồi mưa chiều, chín tháng so chín năm… Mừng con sẽ góp phần, tương lai con đẹp lắm".

Bài hát đậm đà chất dân ca đã khái quát hóa, nghe như nỗi niềm của mẹ hằng mong mỏi cho con lớn lên từng phút, từng giờ. Tâm trạng của mỗi người mẹ trên mỗi bước đường con lớn lên cũng là sự gửi gắm, niềm hy vọng của những người mẹ với thế hệ trẻ của đất nước. Dù thời gian có qua đi, dù vật đổi sao dời nhưng tấm lòng của người mẹ vẫn luôn luôn hướng về những đứa con yêu.

Người mẹ trong "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa" cũng làm rung động hàng triệu trái tim chiến sĩ và các thế hệ thanh niên. Bởi hình bóng mẹ ta, bà mẹ Tổ quốc. Ở đâu mẹ cũng cùng ta chia sẻ, nâng giấc cho ta, chăm sóc cho từng đứa con từ nắm cơm đến mảnh áo mẹ vá đêm đêm với cả tình yêu thương không bờ bến của mẹ... "Các con ra đi đã mấy chiến trường, mang theo cả tình thương của mẹ...". Với tấm áo ấy, con đã đi khắp mọi miền Tổ quốc, đã sưởi ấm lòng con trên mọi nẻo đường hành quân bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc.

Nếu trong "Dư âm" là người thiếu nữ nhẹ nhàng, lãng mạn thì "Dáng đứng Bến Tre" lại là người con gái anh hùng của quê hương Ðồng Khởi. Nó mang âm hưởng của ru con dân ca Nam Bộ nhưng mang hơi thở thời đại. Vô cùng nữ tính nhưng rất gan dạ, kiên cường mới là con gái Bến Tre: "Năm xưa đi trong đạn lửa, đi như nước lũ tràn về... Nhớ tóc ai dài, còn mang dáng đứng Bến Tre..." chừng ấy thôi cũng đủ làm cho ta rung động trước hình ảnh cô gái thoắt ẩn, thoắt hiện giữa quá khứ và tương lai, giữa thực tại và liên tưởng đã làm nên "Dáng đứng Bến Tre".

Bài hát "Dáng đứng Bến Tre"

Lắng theo thời gian, theo nhịp bước của cách mạng và đời sống, hình tượng người phụ nữ luôn xuất hiện với những vẻ đẹp khác nhau, phong phú và đa dạng (kể cả ngành nghề địa phương và quốc tế) trong ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Từ "Người chăn nuôi giỏi" đến "Em đi làm tín dụng", rồi "Cô nuôi dạy trẻ", "Tiễn anh lên đường" và "Tiếng hát Dôi-a", nữ du kích anh hùng của Liên Xô cũ... tất cả đều toát lên được sự dung dị, một lòng chung thủy, sẵn sàng hy sinh hết thảy cho Tổ quốc.

Sẽ rất thiếu sót khi nói đến những ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết về phụ nữ mà không nhắc đến “Bài ca phụ nữ Việt Nam” của ông. Một ca khúc đậm chất dân ca, dễ hát dễ thuộc lại khái quát được nhiều mặt của người phụ nữ Việt Nam “vốn hay lam hay làm” qua mọi thời đại: "Dòng dõi bà Trưng vốn xưa nay anh hùng. Giáp mặt kẻ thù chẳng một dây nao núng. Như cánh lúa hiến cho đời muôn sức sống. Xứng danh người Trung hậu đảm đang. Yêu biết mấy những đôi bàn tay khéo léo. Đã thêu gấm hoa vào non nước Việt Nam…".

Năm 1980 trong chuyến công tác vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi được các nhạc sĩ Phan Nhân, Lưu Cầu, Thanh Bình mời về thăm Bến Tre (quê hương của nữ tướng Nguyễn Thị Định), chúng tôi mời thêm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cùng đi. Trước đó một ngày tôi đã đến căn nhà nhỏ ở 94/19 đường Trần Khát Chân, quận 1 thăm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Ông rất vui và ngạc nhiên khi tôi trao ông hộp kẹo “Cu Đơ”. Mắt ông ngấn lệ mà thốt lên: Huyền tâm lý thật, Tý rất nhớ và khoái ăn thứ này. Đúng là nhà Đài, đây cũng là “theo yêu cầu thính giả” đấy nhé.

Sau chuyến đi thực tế về xứ dừa của chị Ba Định, chỉ một tuần, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã gửi ra Hà Nội cho tôi bài hát “Dáng đứng Bến Tre” cả bản nhạc và cả băng tiếng. Trước đó tôi còn nhận ở ông nhiều bài hát khác với giọng xứ Nghệ đầy khiêm tốn, như các bài “Vượt trùng dương”, “Chim hót trên đồng đay”,“Trúng rồi các cụ ta ơi”,”Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Múa hát mừng chiến công”…

Từ Hà Nội, hay tin nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã về với Tổ tiên, về với thế giới người hiền, tôi lặng người nhớ đến hình ảnh và giọng nói đầy chất Nghệ của ông mỗi lần chúng tôi gặp nhau. Anh Tý ơi, vì sức khỏe, em không vô đưa tiễn anh được, xin vĩnh biệt anh bằng bài viết này, là nén nhang của một người em xứ Nghệ viếng anh. Anh vẫn còn sống mãi cùng những bài ca đi cùng năm tháng mà thính giả của Đài TNVN quý trọng, ngưỡng mộ và thương nhớ một người nhạc sĩ tài hoa./.

Nhạc sĩ Dân Huyền

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/nho-nhac-si-nguyen-van-ty-994687.vov