Nhớ Ngô Mai Phong, một người 'chữ đẹp'

'… Hà Nội chiều nay thanh bình thế/ Triệu Vi hát trên truyền hình/ 'Thu thủy vô ngân/ Nước mùa thu không vết dấu'. Facebook hôm nay ôn kỷ niệm bằng dấu vết 'Bầy diệc ở Hoàng Sa' của nhà thơ Ngô Mai Phong mà tôi chia sẻ trên trang cá nhân của mình từ nhiều năm trước. Nhắc lại nhớ tôi còn nợ Ngô Mai Phong một món nợ thơ chẳng giống ai …

Nhà báo Ngô Mai Phong. Ảnh: P.V

Những thèm muốn khác người

Ngô Mai Phong làm thơ nhiều nhưng lại không… in thành sách, cũng không quan tâm đến việc ai đó đăng thơ mình trên mạng bởi ông ấy không hề biết trên đời này có tồn tại cái gọi là mạng xã hội gì đó hay Facebook. Trái lại, ông có một thèm muốn rất khác người. Chả là một đêm ngoài Huế tơi bời mưa gió - tầm 5 năm trước. “Tao nhờ mày một việc rất quan trọng”.

Trong điện thoại là giọng Ngô Mai Phong ngắt quãng giữa những cơn ho. Ông bảo: “Ước mơ cháy bỏng nhất của đời tao là được nghe một cô gái Huế ngâm thơ của mình. Nên nếu được, mày về Huế tìm cho tao một nghệ sĩ ngâm thơ chuyên nghiệp rồi nhờ họ ngâm khoảng 10 bài, sau đó thu vào CD để đêm buồn tao mở nghe chơi, tiền bạc không thành vấn đề…”.

Tôi không tin vào tai mình bởi quen biết nhà thơ và người làm thơ đếm không xuể, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe đến ao ước được ai đó ngâm thơ mình rồi thu vào CD để đêm buồn nghe chơi. “Nhưng vì sao lại phải là giọng Huế mà không phải là giọng Bắc?”. Ông bảo “Ngày trẻ tình cờ nghe được một cô bé người Huế ngâm thơ trên truyền hình quốc gia, hay, lạ và ám ảnh đến mức đến giờ vẫn nghĩ rằng nếu ngâm thơ, muốn nghe hay thì chắc chắn phải là giọng Huế”.

Tôi nhờ bạn mình, nữ sĩ Đông Hà sống ở Huế và cuối cùng cũng đặt vấn đề được với một nữ nghệ sĩ ngâm thơ người Huế chính gốc, có uy tín nghề nghiệp trong giới. Nhưng đáng tiếc là sau đó chuyện không thành. Ông buồn lắm, còn tôi thì xấu hổ không biết chui đầu vào đâu.

Có dạo, trước cả vụ ngâm thơ, bất ngờ ông gọi cho tôi, lần này lịch sự giữ kẽ lắm. Nói “anh vừa in cuốn phóng sự “Yên Tử dưới ngàn mây trắng”, nhờ em đọc và viết giúp anh bài giới thiệu trên báo mình”. Tôi hơi sốc bởi thời điểm đó chúng tôi thậm chí còn chưa chạm mặt nhau, với lại để giới thiệu sách cho Ngô Mai Phong thì các cây bút của bản báo đang xếp hàng, loại chíp hôi như tôi tuổi gì mà đến phiên? Chắc có lý do gì đó đặc biệt nhưng tôi không dám hỏi, chỉ “dạ” rồi hồi hộp chờ nhận sách, đọc cẩn thận từng chữ trong áp lực đúng nghĩa để cuối cùng cũng ra đời được bài viết “Những người “văn minh” sắp mất” in trên Lao Động. Sau đận giới thiệu sách, tôi được ông đổi đại từ trong xưng hô, từ anh - em sang đại ca - tiểu đề và thi thoảng hứng lên thì mày - tao. Vì sao? Đến giờ, chuyện này vẫn là một dấu hỏi.

Chữ lay động lòng người…

Cùng với những Tô Hoàng, Bùi Việt Phong, Lưu Trọng Văn, Đỗ Quang Hạnh, Vĩnh Quyền, Huỳnh Dũng Nhân, Hân Hương, Trịnh Tú… Ngô Mai Phong thuộc thế hệ làm Báo Lao Động thời kỳ đầu với sự tài hoa khi biết cách dẫn dắt câu chuyện đi giữa làn ranh của văn chương và báo chí. Bút ký, phóng sự đến tản mạn, chuyện dọc đường, bài phản ánh… thể loại nào Ngô Mai Phong viết cũng hay, cũng đẹp, cầu kỳ từ cách dựng nhân vật đầy hồn vía cho đến tít, chapeau, thoại… Câu chữ không chỉ đẹp mà còn có chiều sâu văn hóa, đôi khi đọc xong cứ nghĩ, làm thơ, chắc ông ấy cũng chỉ kỳ công đến thế. Vậy nên nhiều bút ký, tản mạn của Ngô Mai Phong đạt đến tầm “văn mẫu” trong giáo trình báo chí.

Có lần một đồng nghiệp hỏi Ngô Mai Phong: “Giữa báo và thơ có gì giống nhau?” Ông ấy trả lời: “Đó là sự chắt lọc của ngôn từ. Một bài báo khô khan, vô hồn thì cho dù có nêu đúng và trúng vấn đề đang được xã hội quan tâm thì sức lay động lòng người đọc vẫn bị hạn chế, chưa nói là có khi còn khiến người ta hoài nghi…”. Và có lẽ sự “lay động” chính là một trong những yếu tố để Ngô Mai Phong hai lần chạm tay đến Giải Báo chí quốc gia cao nhất với thể loại phóng sự điều tra - hàng hiếm nếu xem lại hệ thống giải trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Không chỉ kỹ lưỡng với câu chữ của mình, Ngô Mai Phong còn rất kỹ lưỡng với anh em đồng nghiệp. Lại nhớ sự bất công của đời khi hồi còn cầm chuyên mục Phóng sự của Lao Động, tôi gần như không có cơ hội biên tập cái gì của Ngô Mai Phong vì… chẳng có gì để biên tập. Nhưng sau này khi ông ấy cầm chuyên mục Tản mạn và Chuyện dọc đường, tôi suốt ngày bị trả bài, bắt sửa và ăn mắng vì sự cẩu thả trong ngôn từ, diễn đạt... Lần nào mắng xong ông ấy xoa dịu bằng cách ân cần nhắc mỗi chuyện không được dễ dãi với chữ của mình… Trong gần 20 năm làm báo Lao Động của mình, sau “Đại sư phụ” Vĩnh Quyền, có lẽ Ngô Mai Phong là người mắng tôi nhiều nhất, có khi còn chửi ngu một cách “nhiệt tình” và không thương tiếc xuất phát từ tình yêu thương của một đàn anh - người thợ cả có trách nhiệm đối với đàn em của mình trong tờ báo.

Lại nhớ lần đầu tiên chúng tôi gặp mặt nhau ở miệt Đông Bắc sau vụ tôi điểm sách. Ấn tượng đầu tiên của tôi với Ngô Mai Phong là hàng lông mày tướng rậm xếch, có gì đó hơi trái ngược với đôi mắt động đậy biết nói, cùng nụ cười lúc nào cũng ấm áp như thể thân thương từ trăm năm trước mới gặp lại. Nhưng cũng đôi mắt ấy, bất chợt long lên giận dữ, từ chỗ vừa toát lên nụ cười ấm áp ấy là liên tù tì những lời trách mắng, là khi hai ông Trần Ngọc Duy và Nguyễn Hùng, hai phóng viên dưới trướng Ngô Mai Phong và kể cả tôi đang là khách, làm điều gì đấy trong công việc khiến ông không vừa ý. Ngô Mai Phong là thế, yêu thương ai cũng hết lòng nhưng giận lên, trách mắng cũng hết lòng.

Chả thế mà tôi rất thích những nhận xét của nhà báo Trần Đăng Tuấn về người bạn thân thiết của mình rằng: “Có hai Ngô Mai Phong trong thơ, trong văn. Một Ngô Mai Phong da diết, trìu mến, dễ bị tổn thương... Và một Ngô Mai Phong khác dữ dội, quyết liệt...”. Và ngay cả trong những tác phẩm báo chí vẫn có hai Ngô Mai Phong cùng song hành. “Một Ngô Mai Phong ngạc nhiên như trẻ con trước bức tranh tinh khiết của cuộc sống bất ngờ gặp được trong một chuyến đi. Và có một Ngô Mai Phong khác giận giữ, sống mái với những cái xấu xa tàn phá mảnh đất yêu thương như máu thịt mình… Không phải lúc nào người làm báo cũng thắng trong cuộc chiến với cái xấu, cái vô lý, cái thiển cận, lạc hậu… Nhưng Ngô Mai Phong luôn là mình. Một trái tim yêu ghét đến tận cùng…”.

Lại nhớ năm nào đó chương trình “Người Đương thời” của VTV phỏng vấn Ngô Mai Phong sau đận ông đoạt Giải A Báo chí Quốc gia. Tôi ngỡ ngàng khi nghe ông trả lời “Thực ra tôi không định thành nhà báo. Tôi từng ước thành người lái xe. Cứ ngửi thấy mùi xăng là nghe ám ảnh kinh khủng. Cứ hực lên cái gì đó trong lòng. Sau này mới hiểu đó là khao khát giang hồ. Cứ muốn đi đến những miền nào đó…”.

Bây giờ, dù đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng Ngô Mai Phong hằng ngày vẫn cứ “lái xe” cho hai chuyên mục Tản mạn và “Chuyện dọc đường” của Lao Động. Ngô Mai Phong còn đó nhưng tôi vẫn nghe nhớ nhung bởi chữ “đẹp” và sự “cứ hực lên cái gì đó trong lòng ấy”, thời buổi này thật khó tìm.

Hoàng Văn Minh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/nho-ngo-mai-phong-mot-nguoi-chu-dep-624649.ldo