Nhớ một Trường Sơn huyền thoại

60 năm đã trôi qua, thời gian có thể xóa mờ dấu chân người lính trên các nẻo đường thuở ấy, nhưng đường Trường Sơn sẽ mãi là trang sử hào hùng ghi lại câu chuyện huyền thoại về một con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Trong cuộc kháng chiến chống lại sự can thiệp của đế quốc Mỹ để cứu nước, đường Hồ Chí Minh có vai trò nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam, là một trong những nhân tố chiến lược có vai trò quyết định đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Những người lính năm xưa thuộc Binh trạm 12 Hải Phòng thắp hương cho các đồng đội và chụp ảnh lưu niệm tạo Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh

Những người lính năm xưa thuộc Binh trạm 12 Hải Phòng thắp hương cho các đồng đội và chụp ảnh lưu niệm tạo Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Đoàn 559 được thành lập ngày 19/5/1959, làm nhiệm vụ xây dựng tuyến chi viện chiến lược đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh cho cách mạng miền Nam và hai nước bạn Lào, Campuchia.

16 năm (từ năm 1959 đến 1975) chiến đấu gian khổ, kiên cường bám trụ, bộ đội Trường Sơn đã cùng quân và dân các chiến trường ta và bạn từng bước xây dựng con đường thành một mạng lưới giao thông liên hoàn, vững chắc, xuyên qua 21 tỉnh trên lãnh thổ ba nước với tổng chiều dài 20.000km đường ôtô, 600km đường sông, 1.400km đường ống dẫn xăng dầu, 1.500km đường dây thông tin tải ba; tổ chức vận chuyển hơn 2 triệu quân vào, ra chiến trường; hơn một triệu tấn vũ khí, đạn dược, hàng hóa… hoàn thành sứ mệnh lịch sử xuất sắc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Để làm nên huyền thoại đó, hàng vạn người lính Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc… đã cùng hòa chung một nhịp đập trái tim, mỗi binh chủng, mỗi một chiến sĩ trở thành một mạch máu nhỏ tạo nên sức sống mãnh liệt, kỳ diệu cho những con đường…

Những người cựu chiến binh xem lại tài liệu, hiện vật gắn với quá trình mở con đường huyền thoại Trường Sơn cứu nước

Ông Vũ Khắc Hiển (Binh trạm 12, Đoàn 559 tại Hải Phòng) cho biết, những năm tháng tuổi trẻ gắn bó với đường Trường Sơn, giờ đây khi ở tuổi xế chiều trong ông vẫn vẹn nguyên bao ký ức của thời lửa đạn. Bởi nơi ấy, biết bao đồng đội của ông đã hi sinh, biết bao chàng trai, cô gái đã gửi lại tuổi xuân nơi chiến trường.

Và rồi theo dòng ký ức ấy, ông kể lại cho chúng tôi nghe những năm tháng mà ông và các đồng đội gắn bó trên con đường Trường Sơn. Theo ông Hiển, đầu năm 1964, Binh trạm 12 được thành lập với 4 phân trạm phụ trách từ phía Nam tỉnh Nghệ An vào khu vực Vĩnh Linh, gồm phân trạm sông Lam, ở cuối thành phố Vinh, Nam Nghệ An, có nhiệm vụ tổ chức vận chuyển hàng theo Quốc lộ 1 vào Phân trạm Xuân Bồ - hướng Tây Nam, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; tuyến 2 Đoàn 559 ở khu vực Làng Ho…

Con đường bị bom Mỹ "cày phá" trút bao mưa bom, đạn lửa, song những chuyến xe vẫn chở hàng, quân khí vào chiến trường góp phần cho ngày Đại thắng 30/4/1975 (ảnh tư liệu)

Đến những năm 1966, trước yêu cầu nhiệm vụ vận chuyển hàng với quy mô lớn trên tuyến đường 12 Tây Trường Sơn, binh trạm của ông được điều động từ Bộ tư lệnh 500 Tiền Phương về Bộ tư lệnh 559, từ đây Binh trạm được biên chế các lực lượng, quân số tương đương một sư đoàn, gồm 4 tiểu đoàn xe ô tô vận tải; 3 tiểu đoàn công binh; 2 đội thanh niên xung phong; 2 công trường… với nhiệm vụ phục vụ chiến đấu trên chiến trường Tây Trường Sơn.

Từ năm 1964 đến năm 1975, 11 năm trên mặt trận Trường Sơn, ông và các cán bộ chiến sĩ quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông đã anh dũng kiên cường sát cánh bên nhau, chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn với quân thù trong mọi tình huống, trên mọi địa hình trên con đường 12, trên các chiến trường, các trọng điểm, dù hy sinh, dù gian khổ vẫn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao phó.

Những hiện vật gắn liền với người lính Trường Sơn

Năm tháng ấy, những người lính dù nhận những nhiệm vụ khác nhau nhưng họ vẫn đồng lòng sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Đảm nhận nhiệm vụ khác người lính ở Binh trạm 12, cũng là một trong những cựu chiến binh Trường Sơn, ông Lê An Khánh cho biết, ông vào chiến trường từ năm 1971- 1976, trong đơn vị pháo cao xạ. Khi ông thực hiện 2 nhiệm vụ bảo vệ đường vận chuyển và giúp nước bạn Lào mở rộng vùng giải phóng và bảo vệ vùng giải phóng Nam Lào. Những năm gắn bó với tuyến đường huyền thoại, ông quên sao được những giây phút sinh tử đối mặt với quân thù, hay những ngày mùa mưa ẩm ướt, sốt rét liên miên… nhưng họ vẫn đồng lòng cùng nhau làm nên những chiến thắng vang dội.

Ngày nay chúng ta đang sống trong hòa bình, song giữa lòng của Thủ đô yêu dấu những ngày tháng 5 lịch sử được lắng nghe những câu chuyện, ký ức của người lính năm xưa khi tuổi đôi mươi lên đường ra chiến trận giúp thế hệ trẻ càng thấy trân trọng biết bao những con người đã hi sinh, đã góp sức để làm nên huyền thoại một con đường: "Đường Hồ Chí Minh" lịch sử!

N. Hoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nho-mot-truong-son-huyen-thoai-91436.html