Nhớ một thời dạy học

Nghề giáo thời nào cũng được trọng dụng. Với những thầy cô giáo có tâm, hết lòng vì sự nghiệp trồng người thì luôn cố gắng bám lớp, bám trường để truyền đạt kiến thức cho những học trò thân yêu của mình, dù phải chịu nhiều gian khó.

Vượt hiểm nguy để đến với học trò

Hơn 40 năm gắn bó với nghề giáo, đến bây giờ, thầy giáo Phan Đầy, ở thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) vẫn vẹn nguyên tình cảm dành cho nghề gõ đầu trẻ. Trong quãng thời gian dạy học của mình, thầy Đầy nhớ nhất những năm tháng sau ngày đất nước thống nhất. Lúc đó, thầy Đầy được chuyển về dạy tại điểm trường thôn Phổ An (lúc ấy xã Nghĩa An và Nghĩa Phú là một xã).

Hơn 40 năm gắn bó với nghề, thầy Đầy vẫn vẹn nguyên tình cảm với nghề “gõ đầu trẻ”.

Từ nhà đến trường, thầy Đầy phải đi đò qua sông Phổ An mới đến điểm dạy. Mùa nắng, con đò qua sông dễ dàng hơn. Còn mùa mưa, con đò tròng trành vượt sông sâu, sóng lớn để đưa người thầy đến với học trò. “Những ngày thời tiết mưa gió, ngồi trên con đò nếu bất cẩn một chút là rớt xuống sông ngay. Hay có những hôm phải chờ đò, nên mãi đến tận 8 giờ mới đến được lớp học. Những hôm đó phải dạy bù cho học sinh đến tận 12 giờ trưa, nhưng lòng vẫn vui, vì học sinh vẫn ngồi chăm chú học bài. Hồi ấy, cả học sinh thôn Tân Mỹ cũng về học ở điểm trường Phổ An, nên lớp học đông lắm”, thầy Đầy nhớ lại.
Trải qua giai đoạn khó khăn, nên khi nhớ về những ngày tháng đó, thầy Đầy luôn tự nhủ với mình là phải hết lòng vì học trò thân yêu, tận tâm với nghề. Thầy Đầy chia sẻ: Dù nay đã nghỉ hưu, nhưng mỗi dịp được gặp các đồng nghiệp trẻ, tôi luôn khuyên các thầy cô phải giữ cho cái tâm của nghề giáo thật sự trong sáng. Có như vậy học trò, phụ huynh mới tin yêu.

Thiêng liêng tình thầy trò

Giai đoạn những năm 1990, vì khó khăn, lương thấp, cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn, nhiều thầy cô giáo phải bỏ nghề để tìm kế mưu sinh khác, nhưng cũng có những người thầy, cô giáo quyết tâm bám trụ với nghề giáo. “Ngày đó, nghề nào cũng khó khăn chứ đâu riêng nghề giáo. Nhưng rồi, chúng tôi động viên nhau, tuổi trẻ là phải tiến lên phía trước, nên gắn bó với nghề giáo từ đó”. Đó là những chia sẻ của vợ chồng thầy giáo Bùi Phước và cô Nguyễn Thị Kim Loan, nay đã nghỉ hưu ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi).

Đến giờ, cô Loan vẫn nhớ những ngày mới ra trường được phân về dạy cấp II tại xã Trà Bình (Trà Bồng). So với các xã vùng cao của huyện Trà Bồng, xã Trà Bình vẫn còn thuận lợi hơn. Tuy nhiên, so với các xã vùng đồng bằng, thì Trà Bình còn nhiều thiếu thốn. Cô Loan chia sẻ: “Dạy học ở miền núi trong giai đoạn đó gặp vô ngần khó khăn, phần lớn học sinh trong lớp đều lớn tuổi hơn, hoặc bằng tuổi giáo viên mới ra trường. Nhiều trường hợp đã lập gia đình. Dù bữa ăn lúc đói, lúc no nhưng học sinh rất chăm học, buổi tối còn cầm đèn dầu đến nhà nhờ cô giáo phụ đạo thêm những bài chưa hiểu”.

Sau khi dạy học ở Trà Bình, thầy Phước và cô Loan được chuyển về dạy ở đồng bằng. Có giai đoạn thầy làm hiệu trưởng ở Nghĩa An, những lần đến điểm trường thôn trở về thì trời đã tối không còn đò, nên phụ huynh phải lắc thúng đưa thầy qua sông. Sau này, dù đã chuyển về đồng bằng dạy học đã lâu, nhưng nhiều thế hệ học sinh ở Trà Bình vẫn nhớ về người thầy, người cô từng dạy học mình, làm thầy Phước, cô Loan vô cùng cảm động.

Bài, ảnh: HUỲNH THẢO

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2027/201811/nho-mot-thoi-day-hoc-2919501/