Nhớ một dải Lam Hồng...

Mùa xuân đang trở về trong những lời yêu thương trao gửi, trong những cựa mình của nụ mầm biếc xanh… Mùa xuân cũng về với những hồi ức đẹp đẽ, trong niềm tự hào về quê hương xứ sở của con người. Và, trong không khí ấm áp của mùa xuân, niềm tự hào về 'một dải Lam Hồng núi sông trùng điệp' lại như muôn lớp sóng dào dạt vỗ vào lòng tôi không dứt…

Dải Lam Hồng núi sông trùng điệp. Ảnh: MH

Hà Tĩnh có lịch sử khá sớm. Những di khảo cổ học cho thấy, các quần cư của người Việt cổ đã tồn tại cách đây hàng ngàn năm. Cuộc sống sản xuất, đấu tranh với thiên tai, giặc giã khiến con người nơi đây vừa gan dạ, vừa lạc quan yêu đời, gắn với một nền văn nghệ dân gian dồi dào mà đậm đà chân chất. Từ truyện kể dân gian, truyện cười, những sự tích về núi sông đến các hình thức giao lưu bằng nghệ thuật múa, hát dân ca, kể chuyện... thật phong tình và mộc mạc.

Truyền thuyết về 99 đỉnh non Hồng đang là nguồn cảm tác của thi ca, một kho tàng văn hóa tiềm ẩn đang được khơi dậy, lưu truyền và kể lại thành nhiều câu chuyện. Mỗi câu chuyện phản ánh một giai đoạn lịch sử nào đó, một góc nào đó trong chiều sâu tâm hồn, nhân cách người xứ Nghệ. Ngày nay, những huyền tích về công chúa Ba (con gái của Sở Trang Vương) đến tu hành và đắc đạo ở núi Hoan Châu, lập nên chùa Hương Tích được mệnh danh là Hoan châu đệ nhất danh lam, chuyện tiên giáng trần và lưu lại dấu chân trên đá ở Chùa Chân Tiên… vẫn mãi lung linh, huyền bí trong tâm trí bao người, góp phần làm phong phú giá trị văn hóa, lịch sử của Ngàn Hống cũng như văn hóa con người Hồng Lam…

Trong một nghiên cứu của mình, nhà địa phương học Võ Hồng Huy viết: Ngàn Hống xuất hiện từ kỷ đệ tứ, cách nay khoảng 1 triệu năm và có tới 7 tên gọi khác nhau như: Ngàn Hống, núi Hồng, rú Lớn, rú Cao, Hương Tượng, Hồng Sơn, Hồng Lĩnh. Vùng non cao trập trùng trải dài chừng 30km2 ấy có hàng trăm ngọn núi và cách nói 99 đỉnh chỉ là một sự ước lệ dựa trên truyền thuyết Ông Đùng xếp núi.

Lễ hội đánh cá truyền thống dưới chân dãy Hồng Lĩnh. Ảnh: MH

Suốt một dải Lam Hồng nơi đâu cũng gắn liền với truyền thống yêu nước, cách mạng, là “chiếc nôi” sinh dưỡng nhiều nhân tài cho đất nước, quê hương. Không phải ngẫu nhiên mà người Trung Quốc rất ngưỡng mộ dãy núi này, họ xếp Hồng Lĩnh vào 21 danh sơn nước Nam. Những nhà địa lý - kinh tế người Pháp lại trân trọng gọi Ngàn Hống là “quần sơn kỳ vỹ”.

Mảnh đất “địa linh nhân kiệt” ấy, trong khó khăn gian khổ, con người đã vươn lên tạo dựng được một đời sống tinh thần phong phú, để lại cho muôn đời sau những giá trị văn hóa to lớn và tên tuổi của các bậc danh nhân tiêu biểu. Hà Tĩnh có nhiều làng nổi tiếng về văn hóa, khoa bảng và làng nghề truyền thống. Các làng Tiên Điền, Uy Viễn, Đông Thái, Yên Hội, Gôi Mỹ, Thần Đầu, Trung Lễ, Bùi Xá... Đó là những giá trị văn hóa tinh thần to lớn mà mỗi người dân sinh ra và lớn lên trên đất Hà Tĩnh luôn có ý thức gìn giữ và phát huy.

Có nhiều cách để lý giải sự hình thành văn hóa và truyền thống của một vùng đất, đối với Hà Tĩnh, một dải Lam Hồng trùng trùng, điệp điệp, hiền hòa, thơ mộng ấy cũng đã kiến tạo nên những tâm hồn và nhân cách đa chiều. Đây là quê hương của các danh nhân lịch sử, những nhà cách mạng của đất nước như: Sử Hy Nhan, Nguyễn Nghiễm, Phan Huy Ích tinh thông sử học; Nguyễn Thiếp giỏi lý học; Lê Hữu Trác “thần y”; Bùi Cầm Hổ, Nguyễn Công Trứ có tài kinh bang tế thế; Đặng Dung, Nguyễn Biểu, Phan Đình Phùng với khí tiết xả thân vì dân tộc; Nguyễn Huy Oánh, Bùi Dương Lịch, Phan Nhật Tĩnh những nhà giáo xuất sắc và Nguyễn Du - thi bá của muôn đời... Thời hiện đại, vùng đất này cũng là nơi sinh trưởng của Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Khắc Viện, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đình Tứ và nhiều tên tuổi lớn khác... Đây cũng là quê hương của hai nhà hoạt động cách mạng: cố Tổng Bí thư Trần Phú và Hà Huy Tập.

Suốt nhiều năm chiến tranh, theo tiếng gọi của Tổ quốc, con em Hà Tĩnh người người lớp lớp xông ra tiền tuyến, đã lập nên nhiều kỳ tích. Hà Tĩnh thực hiện đúng khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Nhân dân Hà Tĩnh đã nêu quyết tâm: “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm!”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Địch phá một ta làm mười”, “Đường ta cứ đi, xe ta cứ vượt”, “Hà Tĩnh quê ta lấp biển, vá trời”. Lúc bấy giờ, Hà Tĩnh được đặt vào vị trí: Tiền tuyến của hậu phương miền Bắc; hậu phương của tiền tuyến miền Nam.

Các làng truyền thống với những giọng hò nổi tiếng quanh núi Hồng Lĩnh, ven dòng sông La, sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố đã để lại cho vùng quê Hà Tĩnh và đất nước những áng thơ văn bất hủ, những trước tác quý giá và những khí phách kiên trung. Đó là những di sản văn hóa tiêu biểu bồi đắp cho tâm hồn người Hà Tĩnh qua nhiều thế hệ và mai sau như: làng hát ca trù Cổ Đạm, chèo kiều Xuân Liên, hát ví phường vải Trương Lưu, hò ví dặm Đan Du, Phong Phú... Nhiều làng nề nếp, phong lưu có nhiều lễ hội, hương ước, phong tục như: Kim Chùy, Hội Thống, Đan Trường, Kim Đôi, Phù Lưu Thượng...

Suốt một dải Lam Hồng, có nơi nào không cho ta niềm xúc động tự hào. Như cố thi sỹ Xuân Hoài từng viết: “Nếu không có sông La/ Núi Hồng buồn biết mấy/Núi Hồng không đứng đấy/ Sông Lam xanh cũng thừa”. Sông và núi tuy độc lập nhưng khí thiêng của hồn cây, mạch nước đã vấn vít, quyện thấm vào nhau, cùng nuôi dưỡng và làm tỏa rạng bao tên đất, tên người suốt từ Nghi Xuân qua Hồng Lĩnh đến Can Lộc. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, linh khí núi sông đã hun đúc nên bao thế hệ hiền tài cho đất nước. Để cho không chỉ người dân Nghi Xuân, Hồng Lĩnh, Can Lộc mà từ Bến Thủy đến Đèo Ngang ai ai cũng tự hào về dòng họ Nguyễn Huy với truyền thống khoa bảng và những áng văn thơ tài hoa, về dòng họ khoa bảng Nguyễn Tiên Điền và đại thi hào Nguyễn Du với những tác phẩm trác tuyệt muôn đời, về người thơ Xuân Diệu và sự nghiệp thi ca độc đáo…

Đồng Lộc - tên gọi một miền quê nay đã trở thành địa chỉ đi về cho muôn triệu người trong và ngoài nước. Ở đó, mỗi ngày, những câu chuyện một thời đạn bom vẫn đang được kể một cách thâm trầm trong tiếng chuông linh thiêng, trong vi vút gió về trên rặng thông, trong trầm mặc khói hương lan tỏa. Và như thể, ở đây luôn có một dòng chảy linh thiêng mơ hồ đưa chân những con người đến với Đồng Lộc. Để những bước chân ấy, dẫu với mục đích gì cũng đều rất lặng lẽ, rất chân thành và cung kính.

Tôi tin rằng, trong rì rào gió trên xanh thắm ngàn thông, trong những âm thầm xuôi về cửa bể, tiếng trống Xô Viết còn vang vọng mãi. Khí phách của những trận chiến chống giặc của ông cha đã lặng đọng vào hồn sông núi trở thành phù sa bồi đắp cho tâm hồn, nhân cách bao thế hệ người Hà Tĩnh…

Dải Lam Hồng núi sông trùng điệp ấy là núi và sông cùng biển cả đã tạo cho dải đất này vẻ đẹp và địa thế vững vàng. Nếu coi dãy Trường Sơn phía Tây là điểm tựa sau lưng thì biển Đông phía trước như cánh cửa của ngôi nhà lớn mở ra bao tiềm năng và khát vọng. 137 km bờ biển trải dài từ Cửa Hội đến Vũng Áng, Sơn Dương đã mang lại cơ hội lớn cho tỉnh nhà. Rồi những thế hệ cháu con hôm nay và mai sau sẽ biết thêm một Hà Tĩnh không chỉ chiến thắng ngoại xâm mà còn chiến thắng cả đói nghèo và lạc hậu, biết đem cái khí chất Xô Viết của những người nông dân Can Lộc, Thạch Hà, đem khí thế của những Làng K130, Đồng Lộc, sông Phủ, núi Nài, Linh Cảm, Địa Lợi… vào trong nghĩ suy và hành động, biến mục tiêu trở thành hiện thực.

Dù bởi lý do gì đi nữa, Hà Tĩnh vẫn là vùng đất đầy huyền bí thu hút sự hiếu kỳ mỗi người. Chiến tích Ngã Ba Ðồng Lộc được ghi dấu như một huyền thoại; nơi cá chép vượt thác Vũ Môn để hóa rồng; thánh địa của chùa Hương Tích trên đỉnh núi Hồng Lĩnh, nơi “Hoan Châu đệ nhất danh lam” có 99 ngọn cặp sát và chạy dài theo bờ biển cùng sông Ngàn Phố, sông Ngàn Sâu, sông La, sông Lam mãi mãi là mạch nguồn cảm hứng cho nhân thế.

Núi Hồng - Sông Lam - nguồn mạch khai sinh ra những câu hò điệu ví bay bổng, đằm thắm nghĩa tình, là nơi nuôi dưỡng cho điệu hát ca trù thêm phần sang trọng, liêu trai. Phong thổ núi non ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn và tài năng cho lớp lớp cháu con. Trong đó, người trở thành thi nhân tài hoa với những đóng góp bậc thầy vào nền văn học dân tộc, người trở thành chí sỹ cứu nước giúp đời. Hồn quê Lam Hồng với sự hội tụ khí thiêng của đất trời ấy đã trở thành niềm yêu tha thiết, trở thành niềm tự hào trong tâm tư những người con Hà Tĩnh…

Tùy bút của Tuyết Mây

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/nho-mot-dai-lam-hong-1265239.html