Nhớ món măng trộn ngày xưa của má

Măng tươi trộn có vị thanh mát, tươi ngon của núi rừng kết hợp cùng vị thơm giòn của bánh tráng, rau thơm... ăn vả cũng ngon mà cùng cơm thì càng 'bắt'.

Khoảng một tuần sau khi bắt đầu cơn mưa đầu mùa, những mụt măng bắt đầu đội đất nhô lên rồi lớn dần. Khi số lượng mụt măng xuất hiện càng nhiều, cũng là lúc mọi người thu hoạch măng. Nhà nào trồng tre thì mang cuốc ra vườn đào. Người không trồng tre, thì vác dao, giỏ vào rừng đào măng.

Măng mang về, lột vỏ, lấy phần non, rửa sạch rồi cho vào nồi, luộc mươi phút trên bếp, bỏ nước, thêm nước khác vào luộc, lại xả. Lặp lại vài lần như thế cho đến khi măng không còn đắng, có vị ngọt thì tắt bếp, xả một lần nước sạch, để ráo.

Dưới bàn tay của má, những miếng măng trắng được "biến hóa" thành nhiều món ăn khác nhau.

Dưới bàn tay của má, những miếng măng trắng được "biến hóa" thành nhiều món ăn khác nhau.

Không nói quá khi bảo măng là nguyên liệu dễ nấu, dễ ăn và có khả năng làm vừa lòng mọi đối tượng. Như má tôi ngày ấy, chỉ với một nồi măng, má có thể khiến đàn con tròn mắt với hàng chục món ngon. Nếu thấy má cắt lát vừa ăn, thì chắc chắn trong mâm cơm hôm đó, sẽ xuất hiện đĩa cá hay thịt kho măng.

Thường má bảo mấy đứa con cố đào nhiều măng, luộc chín, xong má bào mỏng, nhà sẽ có nhiều món khác. Măng bào mỏng, má chia ra nhiều phần. Nếu ngâm măng bào cùng nước muối loãng, trong bếp sẽ có hũ măng chua để nấu canh, kho cá. Cũng thẫu măng nước muối loãng ấy, má "hô biến" thêm một ít đường, ít ớt, ít tỏi là lũ con đã có hũ măng muối ăn cùng cơm nguội mỗi khi đi học về.

Cũng trong thời gian này, má sẽ tranh thủ trữ măng cho cả năm. Cách trữ đầu tiên là má bào mỏng măng, phơi nắng đến khô rộc, mang cất trong bồ (đựng lúa). Nhưng không biết má hay bọn tôi không thích măng khô mà lượng măng khô mỗi năm má làm rất ít, chủ yếu là má làm măng muối.

Cách muối măng của má cũng đơn giản, cái thạp đất ở chái bếp được má rửa sạch, úp ngược cho khô hẳn, rải một lớp muối mỏng, xong xếp lên một lớp măng. Cứ thế, má xếp một lớp muối, một lớp măng, đến khi ngang miệng thạp đất, thì dừng lại, lấy một chiếc nan tre, một hòn đá đã được chà rửa sạch, đè lên, sao cho măng luôn ngập trong nước.Nhờ cách muối măng như vậy mà quanh năm, nhà tôi lúc nào cũng có măng tươi để làm món măng trộn.

Nhà nhiều trẻ nhỏ, nên trước khi làm măng muối chua hay măng ngâm tỏi ớt... má đều luộc và xả măng thật nhiều lần để "măng ngọt hơn và bớt độc".

Món măng trộn của má chỉ có măng tươi, một ít rau thơm, đậu phộng, mắm, bột ngọt và đường. Hôm nào đi chợ hay có tiền, má sẽ mua ít thịt ba chỉ, hay tôm tươi. Những lúc ấy, cả đám cứ hau háu nhìn má xắt thịt hay bóc tôm.

Cách làm măng trộn của má đơn giản. Măng muối thì má luộc khoảng 10 phút để nhả bớt muối, còn nếu dùng măng tươi, má tước thành những sợi dài, mỏng, rồi xào với tỏi phi thơm, nêm thêm ít bột ngọt, muối để măng thấm vị.

Rau thơm lặt lá, rửa sạch, cắt nhỏ. Thịt ba chỉ luộc, xắt mỏng. Đậu phộng rang vàng, bóc vỏ, đập dập. Khi mọi thứ sẵn sàng, đàn con cũng ngồi vào bàn, má cho tất cả vào chiếc tô lớn, trộn đều rồi múc ra đĩa trước đôi mắt hau háu của lũ trẻ. Cứ thế, mỗi đứa một đũa, bữa cơm ngập tiếng cười và niềm vui.

Măng nhà và măng rừng đều có thể chế biến thành nhiều món khác nhau nhưng nếu làm măng trộn thì chỉ có thể dùng măng rừng bởi vị ngọt, thơm, đậm đà đặc trưng.

Tôi còn nhớ, thỉnh thoảng, nhà bán trứng gà có tiền, thì trưa hôm đó, cùng với đĩa măng trộn, trên mâm cơm sẽ có thêm chiếc bánh tráng nướng giòn tan, thơm lừng mùi mè. Má bẻ chia cho mỗi đứa một miếng để xúc cùng măng trộn. Vị tươi thanh của sản vật thiên nhiên, thơm thơm của rau, cay cay của ớt được vị giòn, thơm của bánh tráng nâng lên một bậc.

Giờ, mùa măng lại đến. Cuối tuần chúng tôi kéo về nhà, má lại làm măng trộn cho bầy con. Giờ, tiền mua bánh tráng không làm khó tôi, cũng không làm khó má. Vậy mà, khi trên bàn xuất hiện chồng bánh tráng đầy đặn, tôi vẫn chạnh lòng nhớ về miếng bánh tráng nhỏ xíu mà má phải canh từng tí khi bẻ, sao cho miếng bánh không chênh lệch quá nhiều, kẻo "bọn nhỏ kiện".

Nguyên liệu: Măng tươi: 500gr; thịt ba chỉ: 200gr; đậu phộng:100gr; rau quế: 50-100gr (tùy sở thích); tỏi, ớt, bột nêm, chanh (tùy sở thích, ai không thích chua thì không thêm chanh).

Thịt ba chỉ luộc chín với ít muối, ngâm nước đá, xắt lát mỏng (có thể thái chỉ). Rau thơm lặt, ngâm muối, xả sạch, vẩy ráo. Giã nhuyễn ớt và 1/2 tỏi còn lại.

Làm nóng dầu ăn, phi thơm tỏi, xào măng với tỏi phi thơm khoảng 2-3 phút. Nêm bột nêm vừa ăn.

Lần lượt cho măng, rau thơm, thịt ba chỉ, tỏi ớt vào tô, trộn đều.

Cách làm măng trộn khá đơn giản. Bạn có thể ăn măng trộn kèm bánh tráng hay cơm. Nếu thích, bạn có thể cho bún khô đã trụng mềm vào trộn cùng măng.

Theo Huỳnh Hằng/Báo Phụ nữ

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/nho-mon-mang-tron-ngay-xua-cua-ma/20200705105720038