Nhớ mãi người chiến sĩ cách mạng nặng ân tình

Quê mẹ Tơm những ngày này không còn nắng rát như những ngày hè mà thay vào đó là không khí mát dịu của mùa thu gợi cho nhiều người nhớ da diết những kỷ niệm xưa. Ông Vũ Xuân Thu, cháu đích tôn của mẹ Tơm (xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc) nhớ quê nhà da diết. Cứ mỗi tháng, ông về nơi 'chôn rau cắt rốn' một đôi lần và ghé thăm ngôi mộ của ông bà nội (ông bà Tơm) và người thân sinh ra mình đã yên nghỉ với biết bao hoài niệm.

Ông Vũ Xuân Thu - cháu đích tôn của mẹ Tơm ôn lại kỷ niệm qua những bài thơ của nhà thơ Tố Hữu.

Hẹn gặp ông Thu vào buổi sáng tại nhà riêng ở TP Thanh Hóa, trên tay ông cầm mấy cuốn tập thơ Tố Hữu, ông vui mừng trò chuyện với chúng tôi: “Năm nay kỷ niệm tròn 100 năm ngày sinh của bác Lành (tên mẹ Tơm đặt cho nhà thơ Tố Hữu khi về ở nhà mẹ hoạt động bí mật) gợi nhớ cho tôi nhiều kỷ niệm về bác, về ông bà nội và những người thân trong gia đình tôi. Những năm nhà thơ Tố Hữu và nhiều đồng chí khác về nhà mẹ Tơm hoạt động bí mật, tôi chưa được sinh ra, nhưng đến khi lớn lên, tôi được nghe người thân kể lại và mãi đến năm 1961 khi nhà thơ Tố Hữu về thăm quê, cũng là lần đầu tiên tôi được gặp bác...”. Câu chuyện giữa chúng tôi với ông Thu cứ thế vào nhịp như bản nhạc mùa thu vậy. Vừa mang không khí gợi buồn vì người đã khuất, vừa mang âm hưởng hào hùng, niềm tự hào về gia đình, quê hương cách mạng.

Đó là sau khi chiến khu du kích Ngọc Trạo (Thạch Thành) thất bại, năm 1942, Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa chuyển về Nga Sơn củng cố tổ chức và in báo “Đuổi giặc nước”. Thấy có báo của Việt Minh, bọn mật thám và quan lại truy lùng ráo riết. Tình thế nguy cấp, phải chuyển sang Hậu Lộc tiếp tục hoạt động và ngôi nhà ba gian lợp bằng mái rơm trên cồn cát hoang vắng của gia đình mẹ Tơm được chọn làm căn cứ. Lúc bấy giờ, hai người con trai đầu của mẹ là anh Sồ và anh Hậu (bác ruột và bố của ông Thu) làm nghề cúp dạo (cắt tóc dạo) đã được các anh Đinh Chương Lân, Đinh Chương Cung là con trai của nhà cách mạng lão thành Đinh Chương Dương tại làng Y Bích, huyện Hậu Lộc giác ngộ cách mạng và giao nhiệm vụ cho hai anh tổ chức che giấu và nuôi một số cán bộ cách mạng. Hai anh đã về báo với bố mẹ và được ông bà Tơm đồng ý.

Vào một buổi tối mùa thu năm 1942, hai anh đã đưa các đồng chí Tố Hữu, Lê Tất Đắc và 3 đồng chí cách mạng nữa về nhà sống và làm việc bí mật. Thời đó không có điều kiện tiếp xúc với tầng lớp trí thức nên không hiểu nhiều về thời cuộc, chỉ có lòng căm thù giặc sâu sắc là thể hiện rõ trong tâm trí của mẹ Tơm nên khi nghe các đồng chí nói về đây tìm cách đánh Pháp, đuổi Nhật, mẹ đồng ý ngay. Trong ánh sáng ngọn đèn dầu bằng vỏ chai, mẹ Tơm đã ngắm nhìn những người con cách mạng như những người thân trong gia đình mà không chút do dự. Để tiện cho việc sinh hoạt, mẹ đã đặt tên cho 5 đồng chí ấy là Quả (Ngô Thị Thái), Thu (Lê Tất Đắc), Đủ (Hoàng Tiến Trình), Hiền (Trịnh Ngọc Điệt), Lành (Tố Hữu). Từ đây, cả gia đình mẹ bắt đầu làm cách mạng. Nhà mẹ trở thành cơ quan Tỉnh ủy lâm thời, cơ sở in báo hoạt động cách mạng, mỗi thành viên trong gia đình đều là chiến sĩ.

Ngày ngày chồng mẹ ở nhà đan rá, rổ canh chừng người lạ đến nhà. Còn mẹ tần tảo trồng rau, mò cua bắt ốc bán mua gạo, kiếm củi bán lấy tiền đong gạo. Mỗi bữa ăn mẹ đều bớt lại một ít bỏ vào hũ khác để dành đến khi cần dùng. Những lần đi chợ, phía dưới chiếc rổ của mẹ thường có cả xấp truyền đơn để khi có điều kiện là mẹ rải. Hai người con trai của mẹ ngày ngày đi cắt tóc dạo, số tiền gom được đưa mẹ, mẹ lại để dành một ít cất đi phòng có lúc khó khăn cần dùng. Mẹ tần tảo, chịu thương chịu khó vì những người con cách mạng của mẹ khiến cho các đồng chí vô cùng cảm phục và biết ơn. Vì nhà mẹ Tơm ở vùng đồi cát hoang vắng ít người qua lại nên bọn mật thám chưa phát hiện, nhưng gia đình mẹ và các đồng chí vẫn luôn đề phòng cẩn thận bọn quan lại dòm ngó, nghi vấn. Nhà mẹ chia nhau canh gác cửa trước, cửa sau đề phòng, bảo đảm bí mật, an toàn cho các chiến sĩ hoạt động. Ban ngày, các chiến sĩ ở trong nhà được che chắn kín đáo làm việc, ban đêm chia nhau đi các ngả đường để tuyên truyền, vận động bí mật chuẩn bị cho khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.

Được mẹ nuôi giấu bằng tình yêu thương của một người mẹ. Ai cho gì mẹ cũng để dành phần các chiến sĩ cách mạng, nhiều lần mẹ thức trắng đêm chăm sóc chiến sĩ cách mạng bị ốm. Đồng chí Lê Tất Đắc có lần bị sốt rét tưởng chừng không qua khỏi, mẹ đã hái lá thuốc cho uống, vì nhà nghèo không có chăn, mẹ còn đưa cái váy đụp vá đắp cho đồng chí. Về sau đồng chí Lê Tất Đắc khỏi bệnh cảm ơn tấm lòng của mẹ đã viết bài ký “Cá - nước” thể hiện tình cảm của mẹ Tơm với mình. Tình cảm đó đã khắc sâu trong tâm các chiến sĩ cách mạng. Khi mẹ được người thân cho bát chè thơm, mẹ không ăn mà để dành cho nhà thơ Tố Hữu, Lê Tất Đắc... Về sau nhà thơ Tố Hữu đã có câu thơ ấm tình: “Chè thơm mà đĩa cũng thơm/ Thơm đâu bằng đức mẹ Tơm chúng mình”.

Những năm sau đó, khi bị giặc phát hiện, nhà mẹ bị đốt cháy, hai con trai của mẹ bị giặc bắt, tra tấn. Cán bộ phải dời địa điểm sang nơi khác và cả nhà mẹ không một ai tiết lộ danh tính các chiến sĩ cách mạng đã hoạt động bí mật ở nhà mình dù bị tra tấn dã man. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, chồng của mẹ Tơm qua đời trong một cơn bạo bệnh ở tuổi 62. Không lâu sau đó, giữa trưa hè bỏng rát đầu năm 1953, mẹ Tơm cũng trở về cát bụi.

Ông Thu là cháu đích tôn của mẹ Tơm, khi lớn lên được gia đình cho đi học và thường xuyên kể chuyện về những đồng chí cách mạng đã từng sống, làm việc ở nhà mình khiến ông càng ý thức hơn việc học tập, lao động có ích. Năm 1961, nhà thơ Tố Hữu có dịp quay trở lại thăm nhà mẹ Tơm và cũng là lần đầu ông Thu được gặp nhà thơ Tố Hữu – người chiến sĩ cách mạng mà bà và người thân thường hay kể. Ông Thu hồi tưởng lại: “Năm ấy tôi học cấp hai, được nghe tin nhà thơ Tố Hữu và hai đồng chí cán bộ Huyện ủy Hậu Lộc về thăm giữa trưa nắng. Đường từ huyện về nhà 16 km rất khó đi nhưng cả đoàn vẫn đạp xe về với tâm trạng xúc động. Mọi người tập trung lại và được nghe bác trò chuyện, gợi nhớ nhiều kỷ niệm. Sau lần về ấy, bài thơ “Mẹ Tơm” ra đời được nhà thơ tái hiện sinh động và cũng rất đời thường, trở thành bà mẹ huyền thoại được nhiều người biết đến”.

Lần thứ 2 ông Thu được gặp nhà thơ Tố Hữu là năm 1988, khi đó ông làm Trưởng Công an huyện Hậu Lộc, tháp tùng nhà thơ về thăm quê; lần thứ 3 nhà thơ Tố Hữu cùng gia đình về thăm khi đó ông làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh. Mỗi lần được gặp nhà thơ, được trò chuyện, ông Thu và những người thân trong gia đình đều cảm nhận được tình cảm chân thành, sự chu đáo, ân tình của người chiến sĩ cách mạng, nhà thơ dành cho mẹ Tơm, cho quê hương Đa Lộc. Nhà thơ đã dành toàn bộ nhuận bút tập thơ “Gió lộng” gửi tặng để xây dựng Trạm Y tế xã Đa Lộc. Năm 2009, nhà mẹ Tơm được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng. Đến năm 2011, căn nhà gỗ tinh tươm đã hoàn thành, là nơi lưu giữ những kỷ niệm về mẹ Tơm và gia đình. Nơi đây, giờ là địa chỉ cách mạng để thế hệ trẻ nhiều nơi tìm về để ý thức hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong giữ gìn, phát huy truyền thống của quê hương.

Bài và ảnh: Lê Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nho-mai-nguoi-chien-si-cach-mang-nang-an-tinh/125213.htm