Nhớ lời Bác ngày khai giảng

Khai giảng năm học mới năm nay vừa lúc chúng ta ôn lại Di chúc của Bác.

Trong Di chúc chỉ có 1.000 từ, Bác căn dặn nhiều vấn đề hệ trọng trong công cuộc dựng xây đất nước, trong đó có việc chăm lo cho thế hệ trẻ: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Cũng trong những ngày chuẩn bị khai giảng năm học mới, đọc lại Thư Bác gửi học sinh nhân ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam mới (nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) tháng 9 năm 1945, Bác cũng động viên, khích lệ và nhấn mạnh nhiệm vụ của thế hệ trẻ đối với công cuộc kiến thiết, dựng xây đất nước. Bác viết: “Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Dù đã 74 năm đi qua nhưng nhiệm vụ Bác giao năm nào vẫn còn nguyên giá trị.

Suốt 74 năm qua, chăm lo cho thế hệ trẻ và giáo dục - đào tạo luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân xác định là quốc sách hàng đầu. Nhờ đó giáo dục Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc và không ngừng: suốt hàng chục năm qua, tất cả các đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic quốc tế các môn Toán, Vật lý Hóa học, Sinh học, Tin học,… đều đoạt huy chương và đứng thứ hạng cao. Nhiều trường đại học vào danh sách các trường đại học hàng đầu châu Á… Giáo dục đại trà, phổ cập giáo dục của ta về trước Mục tiêu Thiên niên kỷ hơn 10 năm.

Thực tế là, giáo dục của chúng ta đã góp phần quan trọng tạo nên những điều kỳ diệu của đất nước. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 (ngày 6/8/2019): Không có kỳ tích kinh tế hay bước nhảy vọt nào về xã hội diễn ra mà không gắn với những đột phá về giáo dục đào tạo. “Anh muốn chuyển biến của đất nước, phát triển của ngành và địa phương một cách bền vững thì giáo dục đào tạo mang yếu tố là quốc sách hàng đầu”.

Tuy vậy, để hoàn thành mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045, nhiệm vụ của cả dân tộc là rất to lớn. Trong đó với vai trò tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao, có văn hóa, biết yêu thương, chia sẻ của ngành giáo dục và đào tạo sẽ là đột phá then chốt. Tuy nhiên, trong Di chúc, Bác đã căn dặn: phải đào tạo thế hệ trẻ, thế hệ xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa đàng hoàng hơn, to đẹp hơn vừa “hồng” vừa “chuyên”. Nghĩa là dạy chữ phải đi đôi với dạy làm người. Điều này, ông cha ta đã dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Hy vọng rằng, việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của BCH T.Ư khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt, nhất là về đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống, kỹ năng làm người của thế hệ trẻ.

Hiền Trang

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/nho-loi-bac-ngay-khai-giang-post30400.html