Nhờ làm bệnh viện vệ tinh, tuyến tỉnh đã 'giữ chân' được bệnh nhân tim mạch

Việc nâng cao năng lực cán bộ y tế tuyến dưới, đáp ứng nhu cầu điều trị, giảm tải cho tuyến trên cần được chú trọng, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số, gánh nặng bệnh không lây nhiễm như tim mạch ngày càng lớn...

Thông tin tại Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo tuyến và đề án bệnh viện vệ tinh 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm diễn ra chiều 18/7 tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, Bệnh viện Tim Hà Nội đã và đang thực hiện chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực tim mạch cho các bệnh viện tuyến dưới, bệnh viện vệ tinh để đáp ứng và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người bệnh, đồng thời góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại hội nghị

Trong 6 tháng đầu năm nay, Bệnh viện Tim Hà Nội đã thực hiện hỗ trợ chuyên môn cho hơn 40 cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô và các bệnh viện ở khu vực Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng với hình thức cầm tay chỉ việc. Ngoài ra, các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội đã trực tiếp khám bệnh, điều trị cho hơn 7.500 bệnh nhân ở tuyến dưới, trong đó thực hiện 20 ca phẫu thuật tim, 34 ca can thiệp tim mạch, 70 ca chụp mạch vành…

"Qua đó giúp cho nhiều bệnh viện tuyến tỉnh nâng cao năng lực điều trị nội khoa, thực hiện thường quy siêu âm tim, triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch…, nhất là “giữ chân” được bệnh nhân tim mạch không phải chuyển lên tuyến trên"- Giám đốc Nguyễn Quang Tuấn nói.

Nhân dịp này, Bệnh viện Tim Hà Nội ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật với 16 bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2018-2020. Theo đó, Bệnh viện Tim Hà Nội sẽ thực hiện: đào tạo, chuyển giao kỹ thuật về nội tim mạch, can thiệp tim mạch và phẫu thuật tim mạch; kết nối trao đổi thông tin, đào tạo, hội chẩn, tư vấn chuyên môn cho các bệnh viện; tư vấn thiết kế, nâng cấp trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác đào tạo và chuyển giao kỹ thuật tim mạch. Hoạt động này giúp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh lĩnh vực tim mạch của các bệnh viện nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

Theo quyết định của Bộ Y tế, Bệnh viện Tim Hà Nội là bệnh viện hạt nhân của 16 bệnh viện vệ tinh, là bệnh viện đa khoa của các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai... Đến nay bệnh viện Tim Hà Nội đã hoàn thiện, phát triển 27 chương trình đào tạo, đề cương chuyển giao 10 gói kỹ thuật thuộc phạm vi đề án.

Bệnh viện Tim Hà Nội đã và đang tích cực hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện thuộc 16 tỉnh của Đề án Bệnh viện vệ tinh

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, việc nâng cao năng lực cán bộ y tế tuyến dưới, đáp ứng nhu cầu điều trị, giảm tải cho tuyến trên cần được chú trọng, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số, gánh nặng bệnh không lây nhiễm như tim mạch ngày càng lớn. Bệnh viện Tim Hà Nội hiện là bệnh viện duy nhất trực thuộc Sở Y tế Hà Nội được Bộ Y tế giao là bệnh viện hạt nhân chuyên ngành tim mạch cho 16 bệnh viện vệ tinh trên cả nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng lưu ý, trong quá trình chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, Bệnh viện Tim Hà Nội cần bàn bạc kỹ để lựa chọn những kỹ thuật phù hợp với năng lực của từng đơn vị, đẩy mạnh việc chuyển giao theo hướng cầm tay chỉ việc nhằm phát huy hiệu quả thiết thực của Đề án Bệnh viện vệ tinh, tránh tình trạng khi bác sĩ tuyến trên rút về thì bệnh nhân tuyến dưới cũng “theo bác sĩ về thủ đô”...

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nho-lam-benh-vien-ve-tinh-tuyen-tinh-da-giu-chan-duoc-benh-nhan-tim-mach-n146476.html