Nhớ lắm 'bến vượt' ơi...

Ngày đầu vào Trường Sĩ quan Công binh (đóng quân tại TP Bình Dương, tỉnh Bình Dương), cánh học viên chúng tôi không khỏi bỡ ngỡ về cảnh vật, con người, phong tục địa phương rất đặc trưng vùng Đông Nam Bộ. Nhưng ấn tượng với tôi cùng nhiều học viên khác cho đến tận hôm nay có lẽ chính là cái 'bến vượt'.

“Bến vượt” nằm cạnh mép sông Sài Gòn, thuộc TP Bình Dương, nơi mà chúng tôi vẫn gọi là “bờ ta”. Phía bên đối diện với những ngọn dừa cao vút, nằm sát mép sông được gọi là “bờ đối”, thuộc huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). “Bến vượt” chỉ đơn giản là bãi đất rộng được đổ bê tông với độ dốc thích hợp để các loại xe đặc chủng có thể di chuyển, nhanh chóng triển khai, thu hồi bộ cầu phao CN-01, TPP và PMP vào ban đêm được dễ dàng. Để phù hợp với các tình huống kỹ thuật, chiến thuật và sát với đặc điểm tác chiến, trong huấn luyện thực hành vượt sông, ngoài ''bến vượt'' chính, nhà trường còn xây dựng ''bến vượt'' phụ nằm cách đó không xa.

Ngày còn học phổ thông, cứ nhắc đến sông là tôi liên tưởng đến những con đê cao vút, chạy ngoằn ngoèo và những rặng tre gai góc ở dưới chân đê. Còn ở đây, trên mặt sông Sài Gòn thơ mộng, tàu thuyền di chuyển yên bình và thủy triều lên xuống mang theo những đám lục bình nở hoa tím ngắt, lững lờ trôi hiền hòa, tuyệt nhiên không thấy những con đê như ngoài miền Bắc vốn hằn sâu trong ký ức của chúng tôi lúc đó.

Kỷ niệm về “bến vượt” của tôi cũng như nhiều học viên khác còn lưu lại trong suốt thời gian học tại trường cho đến hôm nay vẫn còn sâu đậm. Đó là những tiết học huấn luyện thực hành vất vả vào ban ngày nắng như đổ lửa và cả khi đêm tối đen đặc, cùng các loại khí tài đặc chủng của ngành công binh vốn nặng nhọc và dễ mất an toàn nếu không tập trung và thao tác sai. Đó là những lần được ra “bến vượt” thư giãn vào các tối thứ bảy hằng tuần, chỉ để nói chuyện, ngắm tàu thuyền qua lại trên sông và những ngọn đèn đường trên cầu Phú Cường bắc qua sông Sài Gòn để sang đất Củ Chi cách đó không xa. Lúc ấy, “bến vượt” trở thành “công viên bên sông” rất lý tưởng, để anh em đồng hương các tỉnh trong trường hẹn hò, giao lưu. Gió từ sông Sài Gòn êm dịu, đùa giỡn cùng tiếng cười, tiếng nói sảng khoái sau một tuần học tập căng thẳng của các nhóm học viên. "Gia vị" trong những buổi vui ấy của các nhóm đồng hương thường chỉ là nước trà, nước đá hoặc đậu phộng chiên nước cốt dừa... mua ở căng-tin. Đợt nào có phụ cấp thì “bữa tiệc” cũng sang hơn bởi món sữa đặc Ông Thọ trộn với nước đá.

Có vô vàn những câu chuyện và kỷ niệm vui buồn của các thế hệ học viên Trường Sĩ quan Công binh liên quan đến “bến vượt” bên sông Sài Gòn mỗi khi chúng tôi có dịp gặp mặt, hàn huyên. Tôi thì nghĩ rằng, “bến vượt” bên sông Sài Gòn mà chúng tôi từng trải qua chính là điểm khởi đầu, điểm tựa vững chắc để những thế hệ cán bộ công binh làm tròn nhiệm vụ “mở đường thắng lợi” và vượt lên những “bến vượt” vô hình khác trong công tác, cũng như trong cuộc sống đời thường vốn còn bộn bề khó khăn hiện nay.

Mỗi lần hoài niệm về “bến vượt”, trong đầu tôi lại văng vẳng lời và giai điệu bài hát tự biên của một chiến sĩ công binh về ngành và công việc rất đặc thù mà chúng tôi đã theo học: “Tình em như dòng nước mát, anh về đưa nắng qua sông. Hỏi ai qua đây có nhớ, chuyến phà chiến sĩ công binh”. Vâng, chuyến phà của những chiến sĩ công binh chúng tôi chỉ có thể thực hiện được ở các “bến vượt”. Thế nên, cái “bến vượt” đầu tiên khi vào trường và trong đời quân ngũ của chúng tôi luôn có sức sống mãnh liệt.

NGUYỄN MẠNH THẮNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nho-lam-ben-vuot-oi-557745