Nhớ hàng cau quê nhà

Ở quê tôi, không nhà nào là không trồng cau. Cau mọc hai bên ngõ, cạnh góc vườn, bên bờ ao… Nếu khách đến nhà chơi, không để ý lần sau tới vẫn có thể vào nhầm nhà. Bởi, dường như ngõ nhà nào cũng giống nhau. Cũng hai hàng cau xanh ngắt, cao vút dọc lối đi.

Cau quê tôi nhiều đến nỗi, người dân làng trên xóm dưới quên mất làng tôi có cái tên rất đẹp - Yên Mỹ. Mà mọi người chỉ quen gọi là “Xóm Cau”.

Tuổi thơ bên hàng cau mát rượi

Con ngõ nhà tôi không quá rộng nhưng lại luôn rợp bóng mát bởi hai hàng cau xanh ngắt tỏa bóng. Đây cũng là nơi lũ trẻ con tụ tập, bày biện ra bao trò nghịch ngợm. Chẳng cần phải che ô, mũ nón, cả lũ ngồi bịch xuống ngõ chơi một cách say mê. Nhóm con gái chơi ô ăn quan, trồng nụ trồng hoa, còn con trai thì chơi bắn bi, chọi gà... Tiếng lách cách của những viên bi, viên sỏi va chạm nhau hòa lẫn tiếng cười của lũ trẻ khiến con ngõ càng thêm rộn ràng hơn. Thi thoảng có tiếng cãi vã, giận hờn nhưng phút chốc lại thấy tiếng cười khúc khích.

Cau là một loại cây mà chim sẻ rất hay làm tổ trên ngọn. Cứ mỗi lần thấy chim ríu rít cắp mồi hay rác lượn quanh vườn là chúng tôi lại reo lên. Tôi nhớ khoảnh khắc nhỏ Thoa hét lớn khi phát hiện ra ngay cạnh chúng tôi, cây cau cao nhất có bầy chim non đang ríu rít. Điệu bộ của Thoa ta đây như thể một nhà trinh thám mới phát hiện ra điều gì đó bí ẩn. Môi nó dẩu lên, vẻ mặt đắc thắng, chùm tóc đuôi ngựa vàng hoe cong vút sau gáy khiến tôi không kịp nhịn cười.

Một hôm chúng tôi đang chơi thì bỗng dưng thấy một chú chim sẻ non rơi xuống. Nhìn cặp mỏ chúm chím xinh xắn đứa nào đứa nấy đều muốn cưng nựng, ấp nó vào lòng. Cả lũ lăng xăng đi tìm châu chấu, cào cào cho chú chim nhỏ. Dường như ai cũng muốn sở hữu riêng chú chim sẻ bé nhỏ này để nuôi. Mãi sau nhờ có người lớn, chúng tôi mới hiểu ra được, trả lại về tổ cho chim mẹ chăm sóc là phương án tốt nhất. Chỉ có thế thôi mà tiếc hùi hụi. Đúng là trẻ thơ!

Thật thiếu sót khi từng là một đứa trẻ lớn lên ở xóm cau mà không nhắc tới trò kéo mo cau. Cái trò mà chúng tôi từng mê mẩn, quên ăn quên ngủ để chơi. Mỗi bẹ cau rụng xuống, cả đám tranh lấy tranh để, kéo nhau ra bãi cát sau nhà. Tuần tự đứa ngồi, đứa kéo hỗ trợ lẫn nhau. Chơi hết lượt này tới lượt khác đến nỗi mo cau sờn mòn, quần áo rách theo mà chẳng ai để ý. Tối về bị cha mẹ mắng cho một trận nhưng hôm sau vẫn không chừa. Mẹ tôi kể lại, ngay cả trong giấc ngủ tiếng tôi ú ớ nhắc tới trò kéo mo cau!

Cau với đời sống hàng ngày

Mo cau rụng xuống, Ngoại tận dụng làm những chiếc quạt phòng khi mất điện. Chiếc quạt có hình bầu dục được Ngoại cắt xén hai bên cẩn thận. Tôi phụ Ngoại mang quạt ra phơi nắng thật khô để ẩm mốc khỏi xâm chiếm. Phơi xong, Ngoại để quạt dưới những chiếc cối đá cho bằng phẳng trở lại. Ðể tạo cho những chiếc quạt sinh động hơn, Ngoại lấy dây chỉ bản to nhiều màu sắc viền xung quanh lề quạt. Quạt mo cau vốn đã bền lại còn bền hơn! Khi có thời gian rảnh Ngoại vẫn làm thêm quạt mo cau dự trữ trong nhà. Có ai tới chơi Ngoại mang ra làm quà tặng. Ngoại kể, ngày còn nhỏ hễ mỗi lần mất điện là tôi lại khóc ré lên. Nếu không có ngọn gió mát từ quạt mo cau có lẽ không biết khi nào tôi mới dừng khóc. Mỗi lần nghĩ lại, tôi thấy thương ngoại và trân quý thêm quạt mo cau!

Không chỉ cho bóng mát, cau còn là vị cứu tinh cho những người dân lao động nghèo. Chúng tôi lớn lên, được ăn học đủ đầy cũng nhờ phần nào những trái cau mẹ mang bán ngoài chợ. Mỗi buồng cau trẩy xuống mang ra chợ bán gom góp có khi được một vài cân gạo, ít lạng cá mọn nhưng ai cũng biết ơn và trân trọng! Cau đã giúp cho người dân quê tôi vượt qua ngày ba tháng tám đói kém.

Hồi còn nhỏ tôi thường bị đau bụng, giun sán trong người rất nhiều. Chẳng cần mua thuốc thang ở đâu xa, bố tôi tận dụng ngay quả cau vườn nhà. Bố lấy một nhúm hạt cau phơi khô sắc với nước. Ăn một nắm hạt bí ngô rang chín trước bữa sáng, để hai tiếng sau, uống nước sắc hạt cau. Mấy hôm sau bệnh thuyên giảm, người tôi trở lại bình thường. Lúc hết đau bụng tôi thì thầm với bố “Có khi từ nay gọi cây cau là cây thần kì bố nhỉ?”. Tôi thấy mình đang mang ân huệ từ cây cau thân thương!

Quê tôi cũng giống như bao làng quê khác. Cuộc sống đô thị hóa dần dần làm thay đổi tất cả. Cau giờ đây không cho lợi ích kinh tế cao nữa. Đồng loạt họ chặt bỏ trồng cây khác, hoặc chặt bỏ vì đường xá mở rộng, xây ngõ nhà to cao, khang trang hơn. Riêng nhà tôi bố mẹ vẫn kiên quyết giữ vững lập trường giữ lại hàng cau bên ngõ. Vì đó là cả ký ức, kỉ niệm tuổi thơ của chúng tôi và của cả nhà trải qua những ngày gian khó.

Quyền Văn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nho-hang-cau-que-nha-68677