Nhớ Hà Nội rất thân, rất yêu

Thương mến thành phố quê hương, họa sĩ gửi tình cảm vào nỗi khắc khoải của những người phụ nữ. Một Hà Nội rất thân, rất yêu, như bàn tay trong tay, đã hiện lên, xôn xao trong im lặng từ những vệt màu ký ức của ông.

Triển lãm “Thương nhớ Tràng An”

Triển lãm “Thương nhớ Tràng An”

Ốm yếu, già cả, không thể về được, họa sĩ Đỗ Duy Minh, hiện sống ở Canada, nhờ những người bạn văn nghệ sĩ Hà Đông, giúp tổ chức cho ông triển lãm “Thương nhớ Tràng An”. Và nghĩa cử của những người bạn đã mở ra một cuộc khai mạc thân mật của đồng nghiệp, họ hàng, bạn bè họa sĩ tại Trung tâm triển lãm của thành phố Hà Nội - 93 Đinh Tiên Hoàng, chiều 20-11. Triển lãm sẽ mở đến ngày 24-11.

Họa sĩ sinh năm 1937, tại Hà Nội, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1968, định cư ở Canada từ năm 1980. Trước cuộc “Thương nhớ Tràng An” này, ông đã triển lãm tại Laca Café 24 Lý Quốc Sư (năm 2014) và 29 Hàng Bài (năm 2016).

Những bức tranh Đỗ Duy Minh mang đầy hoài niệm về một thời Hà Nội cũ, một không khí thưa vắng, lắng lại những nỗi niềm mà nay, trong tấp nập, dường như ta không còn thấy, hoặc quá hiếm hoi để gặp lại. Trừ những sớm vắng tinh sương qua phố không người, hay chiều xuống ngoài đê, một khoảnh khắc giao giữa vùng sáng cuối ngày và bóng tối, người con gái nào im lặng qua phố.

Đỗ Duy Minh phác thảo những ngôi nhà cấp bốn như nghiêng vào nhau trong bãi, xa xa ngoài mép nước, mấy con thuyền cũng cụm lại để tránh nỗi lẻ loi. Ông gửi đầy yêu thương vào những cô gái, những người phụ nữ một mình suy nghĩ. Cô gái áo dài đạp chiếc xe thanh mảnh qua một lặng trầm di tích. Cô gái trên ban công mỏng manh hoa văn sắt cũ, trong những khối màu trầm của các mặt nhà dựng lên như biểu tượng. Những bức tranh thấp thoáng, nhấp nhô dáng phố, tháp nhà thờ, sắc thẫm thời gian Ô Quan Chưởng. Những cô gái bâng khuâng, lặng lẽ giấc mơ, những cô gái đầy đặn, thô phác, gợi cảm, và sự mềm mại, phút xao động trong lòng họ, hóa ra lại không đến từ nét vẽ, nhưng lại từ chính những gì mà dáng vẻ của họ và không khí những bức tranh tạo nên. Đấy là, họa sĩ đã vẽ cái bên trong họ, bên trong chính mình, bằng sự hòa trộn, giao nhau của những hình hài, những vệt ký ức.

Thực ra, hôm nay nếu đi tìm trong phố phường đang mới lên từng ngày, cũng có thể coi như không còn thấy những hình hài ấy nữa. Chỉ bàng bạc không khí cũ xưa mà ai đó nếu muốn lắng mình vào, thì phải dành ra công sức chọn không gian, thời điểm mới có thể đôi chút chạm vào. Nhưng không còn thấy, không có nghĩa là chúng không còn nữa. Mà vẫn rung lên dồn dập trong nỗi nhớ cuồng nhiệt, như một bàn tay, như một bờ vai, như một nụ hôn tuổi trẻ, như tất cả những ký ức đã diễn ra. Và nhất là, chúng đã từng hiển hiện trong sự chân thành của cảm xúc năm tháng ấy.

Họa sĩ ở xa xôi, vẫn đập lại những mạch máu ký ức sinh sôi và ngậm ngùi của mình. Hà Nội hiện ra theo trí nhớ, theo cách của ông. Không như một lối bóng bẩy, óng chuốt, thanh tao, mướt mát, duyên dáng “chẳng thơm cũng thể hoa nhài” nào đó hay được ưa chuộng. Mà mộc mạc, thuần phác, phồn sinh, và không hiểu sao, lại gợi lên cảm giác về một Hà Nội rất gần gũi, rất da thịt, rất thân, và rất yêu. Đỗ Duy Minh không về với triển lãm của mình được, trong những ngày Hồ Gươm và phố xá chuyển mùa mà lẽ ra ông phải được hưởng này. Nhưng tranh của ông đã hiện diện ở đây, cũng có nghĩa là bước chân ông đang trở lại.

Bài và ảnh: QUANG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/38302302-nh%C3%B3-h%C3%A0-n%E1%BB%8Di-r%C3%A1t-than-r%C3%A1t-yeu.html