Nhớ giáo sư Võ Quý - 'cây đại thụ' của giới bảo tồn thiên nhiên

Thông tin giáo sư Võ Quý, nhà bảo tồn thiên nhiên hàng đầu Việt Nam, vừa qua đời ở tuổi 88 khiến không ít nhà khoa học tiếc thương. Sự ra đi của ông là mất mát lớn cho ngành khoa học môi trường và thiên nhiên của Việt Nam.

GS Võ Quý từng được tạp chí Time vinh danh là một trong 35 anh hùng môi trường thế giới

GS Võ Quý từng được tạp chí Time vinh danh là một trong 35 anh hùng môi trường thế giới

Xác nhận thông tin GS Võ Quý qua đời, bà Lê Thị Vân Huế - học trò của giáo sư Võ Quý, hiện đang là nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường cho biết GS đã bị tiểu đường và gặp các vấn đề về tim, thận trước đó. Mặc dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do tuổi cao sức yếu nên GS Võ Quý đã từ trần vào ngày 10.1.2017.

GS Võ Quý sinh năm 1929 tại xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Từ nhỏ ông đã có duyên với thiên nhiên, thích quan sát, khám phá, tìm tòi những bí ẩn xung quanh mình. Vốn là người yêu thiên nhiên, ham thích nuôi chim từ thuở thiếu thời, GS Võ Quý đã sớm định hướng cho mình theo đuổi nghiên cứu chuyên ngành Điểu loại học ngay từ khi bắt đầu giảng dạy tại Khoa Sinh học, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (1956).

Ông là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Hội đồng Vườn quốc gia và Khu bảo tồn quốc tế (WCPA/IUCN), Hội đồng quốc tế về Bảo vệ các loài nguy cấp (SSC/IUCN).

GS Võ Quý là người gắn bó với thiên nhiên và đạt được nhiều giải thưởng quan trọng

Khi mới hơn 30 tuổi, ông là người đầu tiên phát hiện ra một loài trĩ mới ở vùng Kẻ Gỗ (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). 20 năm sau, những tài liệu của ông thuyết phục giới khoa học quốc tế và Hội đồng Quốc tế Bảo vệ chim đã đặt tên cho loài chim này là Vo Quy Pheasant (Trĩ Võ Quý) để ghi nhớ công lao của người đã phát hiện.

Bằng những nghiên cứu xuất sắc của mình và các cộng sự, GS Võ Quý đã được trao tặng rất nhiều phần thưởng quý giá. GS Võ Quý đã cùng các đồng nghiệp, học trò lập hồ sơ cho 1.000 loài và phân loài chim ở nước ta. Ông là tác giả của 14 cuốn sách, đồng thời cũng là tác giả của hơn 100 công trình khoa học đã công bố trong nước và nước ngoài.

GS Võ Quý từng được tạp chí Time vinh danh là một trong 35 anh hùng môi trường thế giới. Tính đến nay, ông đã giành được chín giải thưởng môi trường quốc tế. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất cho đến ngày hôm nay nhận bằng Danh dự Global 500 của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc; huy chương của IUCN và giải thưởng hạng nhất của Đức về bảo vệ môi trường sinh thái; nhận giải thưởng về môi trường của ĐH Michigan (Mỹ).

Gần 50 năm đứng trên bục giảng về chuyên ngành Sinh học, từng là Chủ nhiệm khoa Sinh học của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, GS Võ Quý đã đào tạo nhiều thế hệ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy sinh học cho đất nước. Học trò của ông hầu hết đã trưởng thành, nhiều người đã thành danh và có nhiều cống hiến cho đất nước. Đặc biệt, trong số ấy có người con trai thứ hai của ông - TS Võ Thanh Sơn, nay là Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường - Đại học Quốc gia Hà Nội.

GS Võ Quý (giữa) nhận giải thưởng MIDORI năm 2012

Những tài liệu ghi chép về GS Võ Quý có một câu chuyện rằng khi được gặp Tổng bí thư Lê Duẩn, GS đã chia sẻ rất nhiều về tầm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Trong buổi gặp gỡ đó, Tổng bí thư Lê Duẩn có hỏi GS Võ Quý rằng: “Tại sao đất nước có nhiều người giỏi, nhưng vẫn chưa có nhà khoa học nào làm được những chuyện lớn”. GS Võ Quý đã trả lời: “Đồng chí không nên trách các nhà khoa học hay các nhà nghiên cứu vì họ có giỏi đến mấy cũng chỉ là những cá nhân, không thể một mình tạo nên việc lớn. Muốn các nhà khoa học có được những công trình lớn, thì phải có những tổ chức tạo điều kiện, trao trách nhiệm và tin tưởng vào các nhà khoa học. Đó là trách nhiệm của chính Tổng bí thư".

"Thầy đã được Tổng bí thư Lê Duẩn gửi tặng một món quà là một cây bút do chính Tổng bí thư Lê Duẩn khắc tên lên và đã sử dụng để ký những tài liệu quan trọng”, một học trò của GS Võ Quý chia sẻ.

Là một giáo sư có đức có tài, có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, GS Võ Quý không những được học trò kính trọng, được đồng nghiệp khâm phục, mà ông còn được các trường đại học mời tới truyền đạt các bài giảng cho sinh viên. GS Võ Quý từng tâm sự: "Từ khi về Hà Nội, tôi đã trải qua nhiều cương vị khác nhau, nào là giảng viên rồi trưởng phòng đào tạo rồi làm chủ nhiệm khoa. Ban giám hiệu phân công gì mình đều nhận cả và khi đã nhận là làm nghiêm túc, không ai có thể chê cười".

Và trong cuốn kỷ yếu 100 năm ĐHQG Hà Nội đã ghi nhận những công lao của GS Võ Quý: “Ông dành nhiều tâm sức để nghiên cứu về đa dạng sinh học, các loài có nguy cơ tuyệt chủng, thiết lập và quản lý các khu bảo tồn, giúp đỡ các cộng đồng địa phương trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững. Ông đi sâu vào tìm hiểu mối quan hệ giữa người dân, nhất là dân nghèo, với tài nguyên thiên nhiên để tìm ra những biện pháp hữu hiệu góp phần xóa đói, giảm nghèo, giúp đỡ người dân ở các vùng đệm của các khu bảo tồn phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống, không phá rừng mà còn tích cực bảo vệ rừng và đưa ra quan điểm “bảo vệ rừng có sự tham gia của cộng đồng”.

Với những đóng góp to lớn đối với nghiên cứu môi trường Việt Nam và thế giới, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), đơn vị nhận được sự cố vấn và hỗ trợ tinh thần của GS Võ Quý từ ngày thành lập, đã gọi ông là "cây đại thụ của giới bảo tồn thiên nhiên" và nhận định "sự ra đi của GS Võ Quý là một mất mát to lớn đối với giới bảo tồn Việt Nam, cũng như cộng đồng nghiên cứu khoa học quốc gia, khu vực và quốc tế".

Dạ Thảo (TH)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/nho-giao-su-vo-quy-cay-dai-thu-cua-gioi-bao-ton-thien-nhien-54159.html