Nhờ đâu Việt Nam được nâng hạng quyền lực mềm toàn cầu?

Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu năm nay...

Việt Nam xếp thứ 47 trong top 100 quốc gia có chỉ số quyền lực mềm cao nhất thế giới - Ảnh: Shutterstock

Việt Nam xếp thứ 47 trong top 100 quốc gia có chỉ số quyền lực mềm cao nhất thế giới - Ảnh: Shutterstock

Theo báo cáo Chỉ số Quyền lực mềm Toàn cầu (Global Soft Power Index Report) năm 2021 của Brand Finance, xếp hạng quyền lực mềm của Việt Nam tăng từ vị trí 50/60 lên 47/100 quốc gia được xếp hạng.

Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu năm nay.

PHÁT HUY TỐT MỌI KHÍA CẠNH CỦA QUYỀN LỰC MỀM

Brand Finance, hãng tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, đánh giá Việt nam đã phát huy tương đối tốt tất cả các khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của thương hiệu quốc gia và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu đất nước.

"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam giai đoạn 2020-2030 nhằm nâng cao giá trị và xếp hạng thương hiệu quốc gia, đồng thời đặt mục tiêu đưa hơn 1.000 sản phẩm trở thành thương hiệu mạnh quốc gia", ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành của Brand Finance tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, thông tin.

"Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187 trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và hoàn tất quá trình đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Điều này giúp Việt Nam trở thành nhân tố quan trọng trong chuỗi liên kết kinh tế toàn khu vực và liên khu vực, trở thành động lực cho hoạt động xuất nhập khẩu của quốc gia này", ông Samir Dixit cho biết.

Cơ quan quản lý chương trình "Giá trị Việt Nam" (Vietnam Value), thuộc Bộ Công Thương đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực thông qua tư vấn phát triển doanh nghiệp, thiết lập hệ thống thông tin, cập nhật kiến thức xây dựng thương hiệu.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tập trung xây dựng và quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam trên thị trường nước ngoài; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt dựa trên uy tín chất lượng, sản xuất thân thiện với môi trường và tính chuyên nghiệp, từ đó góp phần củng cố vị thế của thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới.

"Tất cả những sáng kiến và nỗ lực này đã giúp nâng cao nhận thức của công chúng, người tiêu dùng quốc tế và khách hàng về Chương trình và các sản phẩm Vietnam Value thông qua các kênh truyền thông trong nước và quốc tế", đại diện Brand Finance nhận xét.

Theo đại diện của Brand Finance, nhờ những nỗ lực của chương trình "Giá trị Việt Nam", ngành công nghiệp thực phẩm chế biến hiện đóng góp tới 17 tỷ USD xuất khẩu của Việt Nam, trong khi ngành công nghiệp may mặc đóng góp hơn 22 tỷ USD.

"Những đóng góp kinh tế này vô cùng quan trọng đối với tăng trưởng chung, danh tiếng và góp phần quan trọng vào quyền lực mềm của Việt Nam", ông Samir Dixit cho biết.

Việt Nam đứng thứ 47 trong top 100 quốc gia có chỉ số quyền lực mềm cao nhất thế giới năm 2021 - Nguồn: Brand Finance

Theo ông Dixit, trong thời đại ngày nay, phương thức quản trị quyền lực mềm truyền thống thông qua các cá nhân nổi bật và ngoại giao chính trị không còn phù hợp. Quyền lực mềm giờ đây tổng hợp nhận thức của tất cả các bên liên quan, có thể là người tiêu dùng, doanh nghiệp, phương tiện truyền thông, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu, nhà đầu tư, lãnh đạo của các quốc gia khác.

Ông cho rằng tăng trưởng kinh tế trong thế kỷ 21 bao gồm sự hợp tác bền vững giữa các bên liên quan và mối tương quan giữa nhận thức về thương hiệu quốc gia với các thương hiệu trong nước. Điều này là động lực giúp nâng cao sức mạnh mềm của quốc gia ở cả bên trong lẫn bên ngoài.

Trong khối ASEAN, Singapore có xếp hạng quyền lực mềm cao nhất, ở vị trí thứ 20. Tiếp đến là Thái Lan, Malaysia, Indonesia với xếp hạng lần lượt là 33, 39 và 45. Xếp sau Việt Nam (vị trí 47) là Philippines (53), Campuchia (89) và Myanmar (90).

5 MỤC TIÊU NÂNG CAO QUYỀN LỰC MỀM CỦA VIỆT NAM

Trả lời phỏng vấn của Brand Finance, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết sức mạnh mềm của Việt Nam không chỉ bắt nguồn từ sự kế thừa và phát huy những giá trị của chính mình - bao gồm lịch sử, truyền thống, văn hóa hào hùng và chính sách đối ngoại yêu chuộng hòa bình - mà còn là sự phát triển và tối ưu hóa vị thế cũng như lợi thế mới của mình.

"Trong bối cảnh khó khăn của năm 2020, việc Việt Nam thực hiện thành công 'vai trò kép', vừa là Chủ tịch ASEAN, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, là minh chứng cho việc vận dụng hài hòa sức mạnh mềm trong quan hệ ngoại giao đa phương và song phương của Việt Nam", ông Đào Bá Phú cho biết.

Theo ông Phú, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới, với tỷ trọng thương mại trên GDP tăng từ 136% năm 2010 lên xấp xỉ 200% năm 2019. Dù đại dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động bị ngưng trệ và GDP sụt giảm vào đầu năm 2020, Việt Nam vẫn nằm trong một số ít nền kinh tế đạt tăng trưởng GDP dương gần 3% trong năm qua.

Đại diện Bộ Công thương cũng nêu 5 mục tiêu nhằm nâng cao quyền lực mềm của Việt Nam trong thập kỷ tới.

Thứ nhất là cần định hướng chiến lược thúc đẩy quyền lực mềm một cách hệ thống và dài hạn trong kỷ nguyên kỹ thuật số.

Thứ hai là cần nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động, thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo - từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ ba, tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị đa dạng, phong phú của văn hóa Việt Nam.

Thứ tư, công tác ngoại giao cần tập trung vào nâng cao năng lực và khẳng định vai trò "nòng cốt, dẫn dắt, trung gian" trong các vấn đề quốc tế và khu vực.

Thứ năm, ưu tiên đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ.

Bên cạnh việc xây dựng và phát huy sức mạnh mềm, Việt Nam cũng cần củng cố và hoàn thiện sức mạnh cứng để tạo ra sức mạnh tổng hợp - "sức mạnh thông minh" - thể hiện vị thế địa chiến lược và địa kinh tế mới của quốc gia, Đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh.

Ngọc Trang

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/nho-dau-viet-nam-duoc-nang-hang-quyen-luc-mem-toan-cau-20210226154756624.htm