Nhớ công lao lập nhà tưởng niệm

Có một Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đặc công rừng Sác ngay trong khuôn viên Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Nhà tưởng niệm trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của toàn thể cán bộ, công nhân, người lao động công ty suốt những năm qua.

 Thắp hương tưởng niệm Bác Hồ và các liệt sĩ Đặc công rừng Sác.

Thắp hương tưởng niệm Bác Hồ và các liệt sĩ Đặc công rừng Sác.

Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đặc công rừng Sác được làm bằng gỗ, giống một ngôi nhà ấm cúng của đồng bào miền Trung, khác hẳn với những đền thờ, nhà tưởng niệm thường thấy. Ngoài hai công trình tưởng niệm liệt sĩ Đặc công rừng Sác được xây dựng tại Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) và xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), đây là công trình thứ ba được lập trong khuôn viên Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2, nơi trước kia là “đại bản doanh” của Đoàn 10 Đặc công rừng Sác. Theo lãnh đạo công ty, việc lập nhà tưởng niệm nhằm tri ân đồng bào, chiến sĩ rừng Sác và giáo dục truyền thống cho lớp lớp cán bộ, nhân viên công ty và thế hệ trẻ hôm nay.

Bên trong nhà tưởng niệm khắc hai câu đối do ông Hoàng Xuân Quốc, nguyên Giám đốc công ty, con trai cố giáo sư Hoàng Xuân Nhị, sáng tác: “Nhơn Trạch địa linh rèn công đức/ Phước Khánh hào kiệt dựng cơ đồ”. Quả thực trong chiến tranh, nơi đây là địa bàn bất khả xâm phạm của những “Yết Kiêu” thời nay quả cảm, kiên cường, lập nên bao chiến tích lẫy lừng, vang danh Đặc công rừng Sác. Thiếu tướng Trần Thành Lập, nguyên Chính ủy Đoàn 10, người có nhiều năm gắn bó với chiến trường rừng Sác, kể: Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, căn cứ địa rừng Sác đã diễn ra những trận đánh ác liệt, như: Pháo kích rung chuyển Dinh Độc lập, xóa sổ kho bom thành Tuy Hạ, đốt cháy kho xăng Nhà Bè, đánh chìm chiến hạm Baton Rouge Victor… Rừng Sác trở thành nghĩa địa của tàu giặc, khiến quân thù kinh hồn bạt vía. Thế nhưng, trong 10 năm chiến đấu (1965-1975), đã có hơn 620 cán bộ, chiến sĩ Đặc công cùng khoảng 200 người dân quanh địa bàn rừng Sác đã anh dũng hy sinh, cho đến nay 2/3 trong số đó vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

Những chiến sĩ Đặc công nước không chỉ hy sinh do bom đạn quân thù mà còn hy sinh do rừng thiêng nước độc và cá sấu trùng trùng. Ngay tại khu vực nhà tưởng niệm này, trước kia là bạt ngàn cỏ lau, dừa nước, đước già, kênh rạch chằng chịt, ngập mặn quanh năm; côn trùng, thú dữ, cá sấu hoành hành, chỉ những chiến sĩ Đặc công mới dám dựng “đại bản doanh”, sống và chiến đấu suốt 10 năm trời. Theo hồi ký của cố Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Bác Ước, nguyên Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10, người được mệnh danh là “pho sử sống” của Đặc công rừng Sác: Cách nhà tưởng niệm không xa là ngã ba Đồng Tranh thuộc xã Phước Khánh, tiếp giáp với sông Lòng Tàu. Một buổi chiều, trong lúc Trung đội trưởng Khét cùng một chiến sĩ đang lội dưới nước kéo cá để cải thiện bữa ăn cho đơn vị thì một con cá sấu bất ngờ lao tới, há miệng gắp ngang bụng Khét tha đi. Cậu chiến sĩ chộp vội khẩu súng bắn hết băng đạn nhưng không kịp, đành đau đớn nhìn theo dòng nước, thảng thốt gọi “Trung đội trưởng ơi”. Cũng tại khúc sông này, Trung đội trưởng Nghĩa, một Đặc công nước bơi giỏi như rái cá, đã từng bị tàu quét ngư lôi của địch cào trúng vẫn tìm cách thoát ra, lại còn cướp được khẩu AR15, bắn chết 3 tên giặc phục kích ở ngã ba Đồng Tranh. Vậy mà… Trong một lần nhận lệnh mang bọc tiền và công văn hỏa tốc vượt sông Lòng Tàu qua khu B, vì chiến trường chia cắt ác liệt, nếu đi bằng thuyền thì không qua nổi tàu tuần tiễu dày đặc, nên anh đã bơi, lặn để vượt sông. Khi đang bí mật sải tay trên mặt nước thì một con cá sấu lớn lao thẳng tới ngoạn ngang thân anh, rồi nhấn sâu xuống nước. Đồng đội tỏa ra tìm kiếm suốt 3 ngày, cuối cùng chỉ vớt được sợi dây thắt lưng, bình tông nước, bọc tiền và công văn, tài liệu. Một tổn thất đau lòng, đơn vị mất đi một “Yết Kiêu” miền sông nước.

Còn bao chiến sĩ, đồng bào bị bom đạn địch sát hại, vĩnh viễn nằm lại dưới những dòng sông trong căn cứ rừng Sác. Bởi vậy, nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ được lập tại nơi có nhiều cán bộ, chiến sĩ Đặc công Đoàn 10 hy sinh là công trình rất có ý nghĩa, thuận tiện cho công nhân, người lao động của Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 và bà con xã Phước Khánh thăm viếng, tưởng nhớ, tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhà tưởng niệm không chạm trổ long, ly, quy, phượng; không rồng chầu, mái cong… ; tọa lạc ở vị trí trang nghiêm trong khuôn viên công ty, có cổng vào khá đẹp và tao nhã. Bên trong nhà tưởng niệm bài trí 3 bàn thờ để tưởng niệm Bác Hồ, các liệt sĩ Đặc công rừng Sác và thờ vong. Nói về ý tưởng lập nhà tưởng niệm, nguyên Giám đốc công ty Hoàng Xuân Quốc, cho biết: Trước khi khởi công xây dựng công ty, chúng tôi đã tìm hiểu kỹ lưỡng lịch sử khu vực này với những chiến công lừng lẫy và sự mất mát, hy sinh của Đặc công rừng Sác và du kích, đồng bào nơi đây. Bởi vậy, ngay từ ngày đầu chúng tôi đã có ý định dựng nhà tưởng niệm nhưng chưa lựa chọn được vị trí cụ thể bởi công trình còn thi công dang dở. Năm 2011, toàn bộ hạ tầng công ty đã hoàn thành, đi vào hoạt động. Thể theo nguyện vọng của bà con nhân dân xã Phước Khánh và người lao động, Ban giám đốc công ty quyết định xây dựng nhà tưởng niệm các liệt sĩ Đặc công rừng Sác ở vị trí trang trọng.

Từ đó, nhà tưởng niệm trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh của cán bộ, nhân viên toàn công ty và một bộ phận người dân lân cận. Mỗi khi có đoàn khách đến làm việc, lãnh đạo công ty lại mời sang nhà tưởng niệm dâng hương các liệt sĩ và giới thiệu về căn cứ rừng Sác cùng những chiến công oanh liệt của Đặc công Đoàn 10. Ông Uông Ngọc Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty chia sẻ: “Việc xây dựng nhà tưởng niệm là hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ tấm lòng thành kính tri ân các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên vùng đất Nhơn Trạch anh hùng. Đồng thời, qua các đoàn khách trong và ngoài nước đến công tác, chúng tôi mong muốn quảng bá truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam và tinh thần bất khuất, dũng cảm, kiên cường của những người lính Đặc công góp phần bồi đắp niềm tự hào, lan tỏa nghĩa tri ân, tô thắm thêm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Bài, ảnh: HOÀNG THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/nho-cong-lao-lap-nha-tuong-niem-571033