Nhớ chuyến đi về với đồng bào La Hủ

Tôi có nhiều dịp cùng Đại tá, nhà văn Phạm Thanh Khương, Phó Tổng biên tập báo Biên phòng đi công tác đến những miền đất xa xôi của Tổ quốc. Khi thì Lũng Cú chót cực Bắc đất nước, khi thì tận mũi Cà Mau, lúc thì Móng Cái, Trà Cổ bên dòng Bắc Luân đang cắm mốc, buổi thì len lỏi chân Vườn quốc gia Pù Mát tìm gặp tộc người Đan Lai chống nạng ngủ ngồi... Nhưng một trong nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi tôi đi cùng nhà văn Phạm Thanh Khương lên tận cửa khẩu U Ma Tu Khoòng, Lai Châu thăm thẳm trời mây biên giới để gặp tộc người La Hủ ít ỏi còn sót lại không quá nghìn người, đang có nguy cơ suy giảm dân số. Bây giờ nghĩ lại mới biết, mình có chuyến đi quả là táo bạo và nguy hiểm nhưng cũng đầy khao khát, nức lòng.

Đoàn công tác chụp ảnh kỷ niệm tại bản Là Si. Ảnh: Phạm Thanh Khương

Sau khi Đại tá, nhà văn Phạm Thanh Khương làm việc với Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu, chúng tôi lên biên giới. Trước khi đi, Đại tá Trần Hữu Phúc, Chỉ huy trưởng BĐBP Lai Châu (nay là Thiếu tướng, Giám đốc Học viện Biên phòng) hướng dẫn cách đi vào vùng non cao, núi thẳm. Anh không khỏi lo lắng khi nhìn tôi là người lớn tuổi nhất trong Đoàn và anh Khương, dù là lính từng chỉ huy đồn BP nhưng đến vùng U Ma Tu Khoòng sẽ khó khăn hơn nhiều so với các vùng khác.

Lúc ấy tiết trời vào thu, nhưng càng lên cao càng thấy se se. Đường đi vòng vèo, hun hút, cheo leo, gập ghềnh, quanh co ngúc ngoắc. Càng vào sâu núi đá càng cao, càng hiểm trở. Thiếu úy Trương Văn Trí, lái xe báo Biên phòng rất điệu nghệ nhưng cũng toát mồ hôi hột khi qua những ngoẹo giàng xay cua gấp. Đôi lần tôi giật thót tim vì bị pa-ti-nê giữa lưng chừng núi cheo leo, bên thì vách lèn dựng đứng gần như vuốt góc, dưới thì vực thẳm sâu hun hút như trong các trò chơi đế chế trên vi tính. Điều này tôi đã có viết trong bút ký "Cứu vớt tộc người La Hủ" in trên tạp chí Nhà văn năm 2010, nhà văn Phạm Thanh Khương có bút ký nhiều kỳ về tộc người La Hủ trên báo Biên phòng và các báo khác.

Đi chưa được nửa đường thì chiết U-oát bị hỏng lốp. Cũng may là lái xe Trương Văn Trí đã có chiếc lốp dự phòng nên yên tâm phần nào. Sau khi thay lốp xong, tất cả quân, quan ngồi trên xe đều phải nai sức ra đẩy xe cho nổ máy. Gần một tiếng thay lốp, đẩy xe, chiếc xe dã chiến thời chống Mỹ lại bon bon trên đường.

Đến Đồn BP Thu Lũm trời đã tối, chúng tôi nghỉ lại ở đây. Trung tá, Đồn trưởng Trần Minh Ngọc và cán bộ, chiến sỹ đón tiếp rất thâm tình, nồng hậu. Đồn BP Thu Lũm đóng sát biên giới. Từ Thu Lũm đến cửa khẩu U Ma Tu Khoòng độ hai, ba chục cây số nữa, nhưng đường khó đi. Công ty Trường Thành trúng thầu mở đường từ Mường Tè lên U Ma Tu Khoòng nhưng mới mở đến Thu Lũm. Vì vậy, muốn lên cửa khẩu chỉ có đi ngựa hoặc đi bộ. Ở quanh Thu Lũm và U Ma Tu Khoòng có mấy bản đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống, xa hơn nữa có lác đác những mái nhà của người La Hủ.

Đến với anh em BĐBP đóng quân ở những nơi xa xôi nhất, khó khăn của giang sơn, tôi càng thấu hiểu, đồng cảm câu thơ của nhà thơ Lưu Trùng Dương ca ngợi các chiến sỹ biên phòng:

"Chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi

Ngày mù sương tơ tưởng một chuyến đò

Đêm sáng trăng khao khát một lời thơ

Nhưng anh lên đây vui rừng ấm bản!".

Những hình ảnh "chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi" rất hay, rất thần như thế nhưng là những hình ảnh có thật của người chiến sỹ biên phòng, nó không là hình ảnh đẹp trong tưởng tượng của các nhà thơ. Mặc dù trên núi cao xa xôi, thực phẩm rất khó khăn nhưng bữa cơm thân mật đãi Đoàn lúc nào cũng có rau xanh, thịt, cá. Tất cả thực phẩm cán bộ, chiến sỹ tự sản, tự tiêu. Quanh khu vực đồn đóng quân, chiến sỹ tăng gia sản xuất. Mùa nào thức ấy. Khi thì bí bầu, khi rau xanh, gà vịt cũng nuôi trong khu vực đóng quân. Vì vậy, chẳng những tăng khẩu phần ăn cho cán bộ, chiến sỹ mà còn có thể đón khách hoặc cấp trên về thăm hoặc kiểm tra.

Không chỉ có cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Thu Lũm tiếp đón chúng tôi thắm tình như vậy mà tất cả đồn BP chúng tôi đến làm việc đều có tấm lòng hiếu khách như nhau. Tôi có thể kể tên các đồn tôi đã đi qua, được tiếp xúc, được làm việc: Đồn BPCK Quốc tế Móng Cái, Đồn BPCK Thanh Thủy, Đồn BP Trà Cổ, Lũng Cú, Đồng Văn, Con Cuông, Thanh Tân... Đồn BP Thu Lũm để lại một ấn tượng rất đẹp trong tôi là khi cán bộ, chiến sỹ đón tiếp người "con dâu" của đồn. Ở các đồn BP có một lệ rất hay là người thân của cán bộ, chiến sỹ đều coi là người nhà của đồn... Vợ và người yêu sắp thành hôn của họ cũng được coi là con dâu của đồn. Đấy là nét văn hóa vô cùng đẹp đẽ mà khó có quân đội nước nào có được. Và cô con dâu của Đồn BP Thu Lũm lúc ấy là cô giáo Đặng Thị Hiệu, người yêu sắp cưới của một đồng chí quân y ở đồn. Đồn đã đón tiếp thân tình, chu đáo trong dịp cô giáo Hiệu nghỉ hè và chuẩn bị về Sơn La học Đại học Tây Bắc, khoa Tiểu học. Từ câu chuyện này, tôi đã viết được một bút ký "Thiên tình chữ" in trên báo Văn nghệ Việt Nam và sau đó được giải thưởng do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Nhà văn tổ chức.

Trước khi đến với bản của đồng bào La Hủ sinh sống, Đồn trưởng, Trung tá Trần Minh Ngọc đã trao đổi, hướng dẫn tỉ mỉ cho chúng tôi. Chúng tôi cùng đi với Đoàn cán bộ, chiến sĩ của BĐBP vào dựng nhà, dựng trường học cho đồng bào. Đúng là "Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ". Nghe các chiến sỹ biên phòng nói đến khó khăn, vất vả trong đi đường, trong xây dựng lán trại, nhưng khi vào cuộc mới biết là khó khăn, vất vả vô cùng.

Đoàn cán bộ, chiến sĩ BĐBP gồm cán bộ, chiến sỹ của Đồn BP Thu Lũm, Đồn BP Ka Lăng và cán bộ trên tỉnh, trên bộ về tăng cường.

BĐBP đa số là con em đồng bào dân tộc ở núi cao nên rất thạo đi núi, luồn rừng. Số đồng bào dân tộc Hà Nhì giúp bộ đội vận chuyển dụng cụ, lương thực, thực phẩm cũng leo núi, luồn rừng rất giỏi. Chỉ có tôi và nhà văn Phạm Thanh Khương là đi đường quá vất vả. Núi cao gần như dựng thẳng. Đi từng bước một. Đi không mà vẫn không nhấc nổi chân. Thở hơi ra cả tai. Tim đập thình thịch. Đến giữa đỉnh dốc thì đã quá trưa. Tôi và anh Khương mệt quá không nuốt nổi cơm bới đem theo.

Nhà văn Phạm Thanh Khương có hai chiến sỹ giúp sức nên đã về đúng địa điểm tập kết trên núi cao. Đến chiều mới đến được bản của đồng bào. Tộc người La Hủ, tôi có biết sơ sơ qua sách, báo. Bây giờ, tôi mới tận mắt thấy đồng bào vẫn còn ở trong thời kỳ mông muội, gần như ăn lông, ở lỗ. Đồng bào có một cuộc sống du canh, du cư. Nhà của họ chỉ là một cái lán lợp cỏ tranh. Cỏ tranh vàng là họ lại bồng con cái đi chỗ khác. Có lẽ vì thế, tộc người La Hủ còn có tên là Lá Vàng.

Khi chúng tôi vào đến nơi, dường như tộc người La Hủ vẫn đang thời kỳ hái lượm. Chính phủ hỗ trợ gạo nhưng họ cũng không đi lấy mà ăn. Có đi lấy cũng đem gạo đổi rượu. Trong suy nghĩ của bà con ở nhà bắt con chuột, con sóc ăn nhẹ nhàng hơn. Tuổi thọ người La Hủ rất thấp, già làng, trưởng bản chưa qua 40 tuổi. BĐBP đến giúp bà con, làm nhà, già làng mới 38 tuổi, không đi làm gì, chỉ ngủ suốt ngày. Bản không có tên, không có trường học, trạm xá, điện thắp sáng. Tất cả chỉ là con số không. Chỉ đến khi BĐBP vào giúp bà con dựng lán trại, mở được con mương dẫn nước cho bản, giúp tắm gội cho các cháu. Cuộc sống người La Hủ mới đổi đời từ đây. Trong bút ký về cứu vớt tộc người La Hủ, nhà văn Phạm Thanh Khương có viết đoạn văn rất xúc động: "Sau này, con em những người La Hủ hôm nay sẽ trở thành kỹ sư, bác sỹ, nhà khoa học, nghệ sỹ, nhà văn, nhà thơ, họ sẽ viết về dân tộc họ một cách chân thành, sâu sắc hơn về cuộc đổi đời này".

Phải nói là nhờ công lao của Đảng và Chính phủ, trước hết là của người chiến sỹ biên phòng đã trực tiếp đồng cam cộng khổ để người La Hủ bước từ mông muội đến văn minh.

Đỗ Hoàng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nho-chuyen-di-ve-voi-dong-bao-la-hu/