Nhớ chú chó bưởi của mẹ

Nhìn những lồng đèn, sư tử, mặt nạ, đèn cù trên phố Hàng Mã, tuổi thơ tôi sống lại biết bao những kỷ niệm đẹp ngày nào. Háo hức mùa Trung thu, được rục rịch chuẩn bị trước cả tháng, hàng quán cũng bày bán các loại bánh nướng, bánh dẻo.

Ngày ấy bánh trái không được phong phú, nhiều hãng như bây giờ, trẻ con cũng ít bánh kẹo nên chúng tôi đứa nào cũng mong ngóng đến tối đêm rằm sáng nhất được chia nhau từng miếng bánh ngọt ngào, nhân thập cẩm, sen nhuyễn, rước lồng đèn với cây nến nhỏ xinh ở giữa đi khắp xóm cùng thôn, theo đuôi đoàn múa lân, tiếng trống giục giã, rộn ràng lôi kéo lũ trẻ cả vùng ấy, những chiếc mặt nạ những nhân vật trong câu chuyện Tây du kí, thủy thủ mặt trăng, ngộ nghĩnh, thỏa niềm đam mê trong sáng của tụi nhỏ.

Mong chờ nhất vẫn là thời khắc phá mâm cỗ ngũ quả cùng với các thành viên trong gia đình. Trọng tâm của mâm cỗ đêm rằm là con chó được làm bằng tép bưởi, được gắn 2 hạt hạt nhãn làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con hay hình cá chép béo múp míp. Hạt bưởi thường được bóc vỏ và được xiên vào những dây thép, phơi khô từ 2-3 tuần trước và đến đêm Trung Thu, những sợi dây bằng hạt bưởi được đem ra đốt sáng tạo ra thứ tiếng lách tách vui tai và hương thơm đặc trưng rất khó trộn lẫn. Những loại quả, thức ăn đặc trưng của dịp này là chuối và cốm, quả thị, hồng đỏ và hồng ngâm màu xanh, vài quả na dai…và bưởi là thứ quả không thể thiếu được. Tất cả được bày biện tỉ mẩn, cẩn thận, ngay ngắn dâng lên ban thờ. Tôi vẫn ấn tượng nhất với tài làm chú chó bưởi của mẹ. chỉ bằng vài bước tạo hình khéo léo từ quả dưa và cam, những tép bưởi đào căng mọng làm lông bao quanh đã thực sự rất thu hút.

Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

Tôi cứ ngỡ mẹ làm chú chó nhỏ xinh này là để thỏa mãn niềm thích thú của anh em tôi, nhưng hóa ra nó còn mang một ý nghĩa sâu sa hơn thế. Quả bưởi vốn được người xưa dùng tượng trưng cho ước vọng đoàn viên, thể hiện ước mong những người xa quê có thể đoàn tụ với gia đình trong dịp Trung thu - thời điểm trăng tròn và sáng nhất trong năm nên luôn được người Việt xưa coi là biểu tượng của sự viên mãn, vẹn đầy; không chỉ thế nó còn mang ý nghĩa bảo hộ, may mắn và bình an.

Cũng chẳng phải tự nhiên mà quả bưởi tròn lại được tạo hình chú chó, mà không phải những loài vật khác. Chó từ lâu đã được xem là người bạn trung thành, luôn quấn quít giúp ích cho con người, là hình ảnh không thể gần gũi và thân thương hơn để gửi gắm những ước mong của mình.

Thời buổi bây giờ, Tết Trung thu vẫn vậy, vẫn mang ý nghĩa Tết của tình thân, bánh trái và các loại đồ chơi phong phú, đủ đầy và lúc nào cũng sẵn nhưng ít nơi còn tổ chức được cho trẻ con những buổi lễ rước đèn lớn và huy động hoàn toàn sự sáng tạo của người dân. Có lẽ chính vì vậy mà Trung thu năm nay vẫn thấy thiếu thiếu cái gì đó, thiếu đi tâm thế háo hức, ánh mắt mong chờ của lũ trẻ.

Mai Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nho-chu-cho-buoi-cua-me-160592.html