Nhớ canh ngó khoai

Mưa bụi bay bay mang theo cái lành lạnh thấm dần qua từng lớp áo. Mẹ choàng vội manh áo tơi rảo bước ra cánh đồng làng. Khu ruộng trũng từ lâu đã không còn ai cấy hái nữa.

Bèo tây, khoai nước thi nhau mọc lấn ra. Những thân khoai cao vút, lá xòe ô hứng đầy mưa bụi đọng lại thành từng giọt nước nhỏ xuống mặt ruộng tí tách. Mẹ đưa liềm cắt lấy những dọc khoai đem về nấu cám lợn. Đã đủ bữa cho đôi lợn ở nhà nhưng mẹ vẫn chưa về ngay mà lần theo từng vạt khoai nước vặt lấy những ngó khoai mập mạp đang bò lan trên mặt bùn.

Mẹ về nhà khi trời đã sẩm tối, nhanh tay thái rau khoai để nấu cám lợn. Còn nắm ngó khoai, mẹ cẩn thận bóc lớp vỏ nâu non, bẻ ra thành từng đoạn. Con tò mò hỏi: “Mẹ làm gì với những cọng rau ngứa ngáy này?”. Mẹ tủm tỉm bảo rằng: “Đặc sản đồng quê đấy!”. Nói xong, mẹ đem rửa sạch ngó khoai đã tước vỏ rồi luộc sơ qua. Bếp lửa bập bùng cháy tỏa hơi ấm rạo rực. Con mèo lười khẽ chạy rúc vào đám rơm còn vương đầy bên chuồng trấu. Ngó khoai luộc qua được rửa sạch để ráo nước. Mớ cá đồng mới mua của ông lão cất vó đem làm sạch sẽ ướp đủ gia vị. Nồi gang phi thơm hành mỡ rồi thái thêm quả cà chua đỏ. Ngó khoai rửa sạch để ráo nước cho vào đun với cá, cắt vài lát ớt cay, nêm chút mẻ chua. Lửa bếp liu riu, nồi canh ngó khoai cá đồng khẽ sôi lăn tăn. Mùi thơm bắt đầu tỏa ra ấm cả gian bếp nhỏ. Bên chiếc kiềng sắt, nồi cơm mới cũng đang lúc búc sôi. Mẹ dùng đũa cả đảo đều nhè nhẹ. Ngoài trời, mưa bụi vẫn bay, khói bếp qua mái tranh đặc quánh quẩn lại làm mắt con cay cay. Khi nồi cơm cạn nước được ủ trong tro ấm cũng là lúc canh ngó khoai chín nhừ. Mẹ cho thêm ít rau ngổ, lá lốt, hành hoa khiến nồi canh dậy mùi thơm phức.

Ngoài sân, đàn gà đã nhảy lên chuồng, đôi lợn ỉn ăn no cám rúc vào nhau ngủ, lúc đó mẹ mới được ngơi tay. Cả nhà ngồi quây quần trong căn bếp nhỏ. Chiếc chõng tre ngả ra, bát đũa sắp sẵn. Mẹ múc bát canh ngó khoai nấu cá đồng tỏa hơi bay nghi ngút. Bát cơm trắng bông xới ra, con so đũa mời cả nhà. Mẹ bảo: “Ngó khoai là đặc sản các cụ vẫn truyền miệng chỉ cần bỏ vào môi là trôi vào cổ”. Con nhúng nhúng gắp thử rồi đưa lên miệng. Ồ, lạ thật! Ngó khoai ăn không ngứa, nấu với cá đồng nên vị đậm ngọt, mềm nhừ. Bữa cơm tối tuy đạm bạc nhưng thật ấm áp. Ăn xong, bố ngồi lại uống ngụm nước chè. Con no mòng bụng vẫn ngồi cạo cháy nồi soàn soạt rồi nói vui: “Không ngờ của cho lợn mà ăn ngon phết mẹ nhỉ!”. Mẹ nhắc yêu: “Ăn cho nhớn sau còn nuôi mẹ đấy”. Mẹ con cùng cười vang ấm cả gian bếp nhỏ.

Chiều nay, trên thành phố, bước vào một nhà hàng đồng quê, vô tình nhìn thực đơn, con thấy có món ngó khoai nấu sườn. Thấy là lạ hỏi người phục vụ. Cậu thanh niên đon đả ra giới thiệu rằng đó là đặc sản của quán. Ngó khoai phải về tận quê thu mua của bà con. Giờ người ta bỏ lúa trồng rau khoai lấy ngó bán thu nhập cũng khá. Tôi “à” lên một tiếng, thầm nghĩ, thì ra món ăn của một thời gian khó giờ lại thành đặc sản. Thưởng thức bát canh dân dã giữa bao món ngon nơi phố thị, lại thấy nao nao nhớ mẹ, nhớ quê. Trong nỗi nhớ ấy có chút mừng vui vì giờ quê mình cũng bớt khó khăn, người dân biết chuyển đổi cây trồng để có thu nhập cao. Âu đó cũng là cách thoát nghèo trên chính đồng đất cha ông mà không phải ly hương. Nhờ có họ mà giữa chốn đô thị phồn hoa, con lại được thưởng thức món ăn quê hương để cùng nhớ về một thời gian khó nhưng ấm áp nghĩa tình.

THƯ NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nho-canh-ngo-khoai-611288