Nhớ 'cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm'

Tại hội thảo '100 năm ngày sinh Nhà thơ Nguyễn Bính' sáng 24/4 ở Hội Nhà văn Việt Nam, con gái nhà thơ nói cha mình có một cuộc đời 'vinh quang và cay đắng', còn Chủ tịch Hội Nhà văn đánh giá: 'Một con người luôn thất bại trong cuộc mưu sinh nhưng lại rất thành công trong cuộc dấn thân vào văn học dân tộc và số phận hàng triệu con người. Vì Nguyễn Bính là một chân tài'.

Khung cảnh hội thảo “100 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Bính”. Ảnh: DPV.

Khung cảnh hội thảo “100 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Bính”. Ảnh: DPV.

CHÂN TÀI, THIÊN BẨM NHƯNG NHIỀU DỊ BẢN?

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh khai mạc hội thảo bằng đánh giá trang trọng: “Thơ Nguyễn Bính được chào đón ở mọi miền đất nước, mọi tầng lớp, mọi thời đại và hoàn cảnh lịch sử. Vì Nguyễn Bính là một chân tài. Ông là người hát rong đầy ma lực, một người giàu có trong những người giàu có, người bạn tri kỷ tri âm, tâm giao của hàng triệu người. Tưởng không còn hạnh phúc nào hơn đối với một nhà thơ”.

Vẫn với điệp từ điệp ngữ, ông Hữu Thỉnh nói tiếp: “Kỷ niệm 100 năm Nguyễn Bính, chúng ta kỷ niệm một nhà thơ bậc thầy đã vận dụng sáng tạo, làm giàu và nâng cao ngôn ngữ dân tộc lên tầm cao mới. Nếu nói yêu tiếng Việt là yêu nước thì Nguyễn Bính là người yêu nước thủy chung cho đến phút cuối cùng của đời người. Khiến ông trở thành một trong những nhà thơ độc đáo nhất, có ảnh hưởng nhất, đông công chúng nhất của Thơ Mới. Kỷ niệm Nguyễn Bính, chúng ta kỷ niệm và biết ơn nhà thơ lớn đã có công làm mới thể thơ lục bát truyền thống. Thơ lục bát Nguyễn Bính tạo ra một biển hiệu riêng mang tên ông, xứng đáng là học trò xuất sắc đầy mới mẻ của các bậc tiền nhân...”.

Nhà thơ Nguyễn Bính (trái) và nhà văn Đoàn Giỏi (Ảnh tư liệu gia đình).

Từ TPHCM ra, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái “thi sĩ chân quê” thông tin vắn tắt về “một số phận vinh quang và cay đắng” được người đọc vô cùng yêu mến. Tổng kết lại, cha bà để lại cho đời 14 tập thơ, hàng trăm bài thơ lẻ in ngoài tập, 10 vở kịch thơ, 4 truyện thơ, 4 tiểu thuyết, một tập bút ký và nhiều truyện ngắn.

Một số nhà văn dùng từ “tài năng thiên bẩm” để ca ngợi Nguyễn Bính. Còn trong tham luận, bà Hồng Cầu cho biết thơ và đời cha mình có nhiều dị bản, đúng sai đôi khi khó nói. Tại cuộc này, thỉnh thoảng có những câu thơ đọc lên nghe không giống như mình vẫn nghe lâu nay. Ví dụ câu thơ bất hủ Anh đi đấy anh về đâu/Cánh buồm nâu cánh buồm nâu cánh buồm được nghe thành Ai đi đó ai về đâu/Cánh buồm nâu cánh buồm nâu cánh buồm. Mộtnhà thơ đọc xong còn bìnhluận khá kỹ chữ “ai” tài tình. Hỏi Hồng Cầu, bà đáp: “Phải là anh đi đấy anh về đâu. Bởi “ai” nghe quá mơ hồ”. Và khẳng định lại: “Thơ và đời Nguyễn Bính rất nhiều dị bản. Gia đình và bạn đọc có lẽ đành vui với việc trên đời có một ông Nguyễn Bính, một nhà thơ Nguyễn Bính thực thụ, là đủ”.

KHI VŨ QUẦN PHƯƠNG “NÓI THÊM VỀ NGUYỄN BÍNH”

Hẳn đã hơn một lần nói về Nguyễn Bính, lần này nhà thơ Vũ Quần Phương đặt tên tham luận của mình là Nói thêm về Nguyễn Bính với ba luận điểm ông cho rằng khá mới.

Thứ nhất, đó là: Cảnh quê của Nguyễn Bính là cảnh quê trong cõi mộng. Ông không tả quê theo cái nhìn của mắt mà nhìn bằng tâm tưởng, bằng hoài niệm. Cho nên cảnh quê và tình người quê trong thơ Nguyễn Bính kỳ ảo thanh bình, đẹp hơn hiện thực và sâu đậm hồn vía truyền thống hơn.

Thứ hai: Tình cảm chủ yếu trong thơ Nguyễn Bính là nhớ thương tiếc nuối. Cứ thương nhớ mãi thì cho hết đời.

Vũ Quần Phương khái quát rằng nhà thơ của chúng ta có khuynh hướng “bi lụy hóa mọi chuyện đời”. Mẹ tiễn con về nhà chồng mà tả nghe “buồn đau hơn tiễn con đi cải tạo”: Đưa con ra đến cửa buồng thôi/Mẹ phải xa con khổ mấy mươi/Con ạ đêm nay mình mẹ khóc/Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi.

Hoặc chị đi bước nữa mà dặn em nghe giối giăng đứt ruột: Chị giờ sống cũng bằng không/Coi như chị đã ngang sông đắm đò/Miếu thiêng vụng kén người thờ/Nhà hương khói lạnh chị nhờ cậy em.

Vân vân. Nói rồi Vũ Quần Phương kết luận: “Nếu Alfret Musset coi thiên tài là biết đánh đau vào trái tim bạn đọc thì Nguyễn Bính thiên tài nhất so với các nhà thơ cùng thời. Có điều Huy Cận đánh vào trái tim người đọc thì làm người trầm lòng xuống mà nghĩ ngợi, Xuân Diệu làm người ta bám chặt lấy đời mà vội vàng sống còn Nguyễn Bính chỉ làm người ta khóc, và ông khóc trước”.

Vũ Quần Phương phân tích kỹ giọng “bi phẫn” của Nguyễn Bính, một giọng điệu mới kể từ khi Nguyễn Bính bước sang giai đoạn sau, giai đoạn dan díu với kinh thành. Nào bi phẫn trong trường tình, trong bế tắc, tiến thoái lưỡng nan. Việc Nguyễn Bính tham gia kháng chiến được Vũ Quần Phương đánh giá là một giai đoạn đắc chí của đời ông. “Cuộc sống thay đổi, thơ cũng vậy. Không còn mơ mộng thuở chân quê, cũng giã từ cả bi lụy lẫn bi phẫn”. Bởi bi lụy bi phẫn không hợp với không khí, cuộc sống cách mạng!

Ông Phương dẫn các bài thơ: Đồng Tháp Mười, Hành quân, Máu chảy trên đường phố để minh họa. Cộng với thơ đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội khiến “nhà thơ làm trọn trách nhiệm công dân nhưng thơ lại vơi hụt đi rất nhiều phong vị say đắm trước kia”. Và tiếc nuối: “Đâu rồi một tài năng tiếng Việt kỳ diệu. Đâu rồi những cảm xúc tinh tế hàm súc”, “Tôi không thể nhận ra Nguyễn Bính khi ông viết cho đấu tranh thống nhất sau Hiệp định Geneve 1954: Lột mặt nạ nó ra cho vội/Chặn bàn tay nó lại cho nhanh/Phải sao bắt nó thi hành/Đúng theo Hiệp định chúng mình mới nghe.

“NÓI THƠ NGUYỄN BÍNH SAU CÁCH MẠNG KHÔNG HAY THÌ KHÔNG ĐÚNG”

Chủ tọa hội thảo, nhà thơ Trần Đăng Khoa trong phần phát biểu cuối với những nhận định khá đa nghĩa, có lúc không đồng tình ý kiến cho rằng sau Cách mạng, thơ Nguyễn Bính không hay như trước. Theo anh Khoa: “Nhà thơ lúc hay lúc không là bình thường. Hay dở phụ thuộc vào sức khỏe của tâm hồn nhà thơ chứ không phụ thuộc việc theo hay không theo Cách mạng. Ngay Nguyễn Du cũng có những câu mà ta có thể mang ra để giễu yêu ông: Cùng nhau lạy tạ Giác Duyên/Bộ hành một lũ theo liền một khi.

Nhận định đó của anh Khoa có lẽ để phản biện luận điểm của Vũ Quần Phương rằng: “Có người gặp cách mạng thơ họ lớn hơn hay hơn. Có người lớn mà chưa hay, sau mới hay. Có người không lớn hơn cũng không hay hơn. Lý do ư? Trước hết ở tạng tâm hồn. Cái ăng-ten tâm hồn Nguyễn Bính bắt nhạy với mơ mộng với đau thương với bi phẫn. Ông phải làm mới lại từng tế bào cảm xúc của mình. Việc ấy cần thời gian và điều kiện sống và làm việc”. Trong khi “Nguyễn Bính chưa đủ thời gian ấy”. (Do ông qua đời sớm, khi mới 48 tuổi).

Rất nhiều tham luận được chờ đọc trong buổi sáng 24/4 nhưng rồi cũng “không đủ thời gian”. Đỗ Đình Thọ ở Hội VHNT Nam Định- một “đồ đệ” của Nguyễn Bính như ông tự nhận- người đi khắp đất nước sưu tầm thơ Nguyễn Bính, cho biết bạn đọc không chỉ yêu những vần thơ chân quê mà cả tài dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Bính nữa. Ví dụ câu Quân cờ gõ nhảm làm rơi hoa đèn trong bài Ước khách.

Lê Hoài Nam, một người cũng đến từ quê hương thi sĩ chân quê, còn nói quá: “Trừ những kẻ bệnh hoạn, còn lại hầu như người Việt nào cũng thuộc vài câu thơ Nguyễn Bính”!

Duyên phổ nhạc thì sao?Không phải ai cũng biết, Nguyễn Bính có tới 14 bài thơ được phổ nhạc trong đó Tiểu đoàn Ba lẻ bảy trích từ trường ca Cửu Long Giang được Nguyễn Hữu Trí làm nhạc thành công.

Tham luận (không được đọc) về hồn quê hồn chữ Nguyễn Bính của nhà phê bình Lê Thành Nghị thì chốt ở câu: “Thời buổi toàn cầu hóa, thế giới bỗng nhiên có cảm giác chỉ ngắn tày gang, thơ Nguyễn Bính là nơi con người có thể tìm về nguồn cội căn cốt của mình chăng, nếu chúng ta thừa nhận đi về dân tộc cũng là đi đến nhân loại”.

Nói toàn điều hiển nhiên mà vẫn hay

Chủ tọa hội thảo, nhà thơ Trần Đăng Khoa (ảnh) khẳng định “Nguyễn Bính xuất hiện từ những năm 1930, cho đến nay vẫn là nhà thơ nhiều người đọc nhất”. Và: “Nguyễn Bính nói toàn điều hiển nhiên mà vẫn hay”.

Trần Đăng Khoa dẫn chứng “toàn điều hiển nhiên mà vẫn hay” như: “Quê tôi có gió bốn mùa/Có giăng giữa tháng, có chùa quanh năm”. Rồi: Mùa xuân là cả một mùa xanh/Giời ở trên cao lá ở cành. Thậm chí “luẩn quẩn, lẩn thẩn” mà vẫn hay: Lúa ở đồng tôi và lúa ở/Đồng nàng và lúa ở đồng anh.

Sau một số luận điểm khác, cuối cùng Trần Đăng Khoa đọc một mạch từ đầu đến cuối bài thơ Đêm sao sáng để chứng minh rằng với một đề tài chính trị - thơ đấu tranh thống nhất, Nguyễn Bính cũng tài năng vô cùng: Đêm hiện dần lên những chấm sao/Lòng trời đương thấp bỗng nhiên cao/Sông Ngân đã tỏ đôi bờ lạnh/Ai biết cầu Ô ở chỗ nào/ Tìm mũ Thần Nông chẳng thấy đâu/Thấy con vịt lội giữa dòng sâu/Sao Hôm như mắt em ngày ấy/Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tầu/Chùm sao Bắc Đẩu sáng tinh khôi/Lộng lẫy uy nghi một góc trời/Em ở bên kia bờ vĩ tuyến/Nhìn sao thao thức mấy năm rồi/Sao đặc trời, sao sáng suốt đêm/Sao đêm chung sáng chẳng chia miền/Trời còn có bữa sao quên mọc/Anh chẳng đêm nào chẳng nhớ em.

Đường Nguyễn Bính ở Hà Nội?

Chủ tịch Hội LHVHNT Nam Định, nhà thơ Nguyễn Công Thành cho biết: “Tôi nhiều lần đón tiếp các vị khách quí và bạn văn chương khắp miền đất nước về thăm quê Nguyễn Bính. Họ yêu thơ Nguyễn Bính nên góp ý với tỉnh là sao không tạc tượng và xây bảo tàng cho Nguyễn Bính. Nhưng rồi về đến làng Thiện Vịnh quê hương nhà thơ, viếng mộ ông, họ bồi hồi xúc động ngộ ra rằng: Thơ Nguyễn Bính phải được đặt trong một môi trường văn hóa làng quê trong trẻo như vậy”.

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trần Đăng Khoa thì đề xuất khôi phục bến đò xưa của Nguyễn Bính thành điểm du lịch văn hóa: “Cho một em xinh đẹp mặc áo yếm chở đò đọc thơ Nguyễn Bính thì du khách ai chả thích. TPHCM và Nam Định đã có con đường mang tên Nguyễn Bính. Chủ tịch Hội- Hữu Thỉnh cũng nên cùng chúng ta đề xuất với Hà Nội để có đường Nguyễn Bính”.

Dương Phương Vinh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/nho-canh-buom-nau-canh-buom-nau-canh-buom-1266076.tpo