Nhớ căn bếp năm xưa...

Tuổi thơ tôi sinh ra ở một miền quê với ruộng đồng bạt ngàn tốt tươi, quanh năm lúa, ngô, khoai, sắn bời bời. Trong số biết bao ký ức của một thời ấu thơ ấy, trong tôi vẫn luôn đọng lại hình ảnh của căn bếp lợp mái tranh vách đất nằm ở phía góc sân, gần chiếc giếng khơi mà nội tôi đào từ lúc còn trai trẻ.

Ảnh minh họa. Ảnh: http://reatimes.vn

Ảnh minh họa. Ảnh: http://reatimes.vn

Còn nhớ, ngày ấy cả cái làng quê nơi tôi sinh sống hầu như nhà ai, căn bếp nào cũng là mái tranh vách đất. Ngay cả căn nhà chính để ở, không phải ai cũng đủ tiền để xây cất bằng gạch ngói, mà đại đa số các hộ dân đều vẫn ở nhà lợp rơm, rạ. Nhà tôi khá giả hơn, có nhà ngói, cây mít từ rất lâu rồi, nhưng căn bếp dùng nấu nướng cho sinh hoạt của gia đình thì vẫn vách đất mái tranh. Nhiều khi bố tôi cũng bàn với mẹ để cố gắng xây nốt cái bếp bằng gạch cho chắc chắn, sạch sẽ, nhưng mẹ đều gạt phắt đi bảo: “Thôi, nhà mình chưa đủ điều kiện kinh tế, với lại cái bếp chỉ là tạm thời, dùng để nấu cơm nấu cám chứ có sống trong đó đâu mà phải kiên cố…”. Vì vậy nên suốt từ lúc tôi sinh ra cho tới khi lớn lên, và thậm chí lúc tôi vào cấp 3 rồi mà cái bếp đơn sơ ấy vẫn còn vẹn nguyên. Nếu là bếp xây gạch, lợp ngói thì có khi phải hàng chục năm, thậm chí là lâu hơn nữa người ta mới phải đảo, lợp ngói lại, đằng này cái bếp mái tranh vách đất nhà tôi thì khoảng 2-3 năm lại phải sang sửa một lần cho phần vách, và chỉ 1-2 năm là phải lợp mới lại phần mái. Thực ra, việc lợp lại mái bếp cũng không tốn công sức, tiền của là mấy, vì cứ rơm rạ sau khi thu hoạch xong là phơi khô mang về, kỹ thì đan thành từng liếp, bỏ phần mái cũ ra rồi lợp lên là xong. Còn việc thay lại phần vách đất bị xói mòn, thủng… do mưa hắt vào mới khó khăn, phức tạp và lâu công hơn. Cả nhà tôi với mấy nhân công lao động cật lực trong khoảng mấy ngày mới làm xong. Mẹ thường sai tôi chọn những chỗ rơm mũn, rơm mềm hoặc nếu là rơm mới thì phải cắt nhỏ ra để nhào lẫn với đất bùn làm vật liệu trát lên tường bếp. Công việc vớt bùn ở dưới ao mẹ thường đảm nhận, còn việc bóc tách phần vách cũ, hay sang sửa gia cố những thanh tre làm khung tường bị hỏng để lúc trát bùn vào cho vách chắc chắn luôn là phần của bố tôi.

Bố mẹ tôi là những lao động chính trong gia đình nên thường xuyên phải làm việc ngoài đồng. Tôi và đứa em nhỏ, ngoài những lúc cắp sách tới trường thường là quanh quẩn ở nhà lo chuyện bếp núc. Cả một quãng thời gian ấu thơ dài như vậy nên tôi khá thân thiết với khoảng không gian trong căn bếp nhỏ của gia đình. Có những ngày tôi nấu cơm cả hai bữa, đó còn chưa kể những hôm mẹ ra đồng gặt lúa sớm nên tôi phải dậy từ khi gà gáy để nấu cám heo, luộc khoai thay mẹ. Nếu là mùa hè mà chui vào gian bếp để nấu thì ngại vô cùng, bởi nó nóng bức khủng khiếp, bếp thường chỉ đun bằng rơm nên không chỉ nóng hầm hập mà tro bụi bay mịt mùng khiến cho đầu tóc, áo quần phủ đầy tro. Chẳng vậy mà cứ nấu xong bữa cơm hay đun chín nồi khoai, nồi cám heo là tôi lại phải ra giếng để tắm cho mát mẻ. Vào thời khắc mùa đông rét mướt, căn bếp đun rơm đun củi luôn là nơi mà anh em chúng tôi tá túc sưởi ấm. Có khi nấu xong cơm từ lâu nhưng tôi vẫn cứ ngồi thừ lừ trong ấy cho ấm. Ngay cả con mèo, con chó cũng luôn tụ ở trong bếp, nằm thu lu trong góc chứa rơm.

Kỷ niệm tuổi ấu thơ của tôi với căn bếp đun rơm ngày ấy còn là biết bao lần vùi khoai, nướng ngô. Rồi nữa, căn chạn bát làm bằng tre đặt ở góc bếp, bên trên có chỗ chứa xoong, nồi cũng là nơi lui tới thường xuyên mỗi khi tôi từ trường về, đói bụng là lại tìm xuống để xem có gì ăn cho đỡ đói. Tôi cũng không thể nhớ nổi ngần ấy năm là biết bao lần mẹ vào bếp hốt tro mang đi làm phân bón ruộng, quả là loại tro bếp từ việc đun rơm rạ ấy cực kỳ tốt đối với lúa và nhiều cây rau màu. Có bữa, do nhà đun nấu nhiều, tro bếp nhiều quá mà chưa đến kỳ bón cây nên mẹ cũng xúc bớt phần tro mang ra chợ làng bán lấy tiền mua thức ăn. Vài thúng tro đầy có khi chỉ bán được mấy trăm bạc nhưng cũng đủ mua vài lạng thịt, dăm con cá nhỏ để bữa cơm nhà hôm đó thêm phần tươm tất.

Căn bếp tranh vách đất nhỏ nhắn ngày ấy gắn bó thân thiết và song hành cùng biết bao kỷ niệm của một thời ấu thơ tôi, vậy mà ngày dỡ bỏ nó để xây bếp mới bằng gạch kiên cố tôi không có ở nhà do bận học nơi thành phố. Chẳng có một bức ảnh nào lưu lại căn bếp khi nó bị phá đi, nhưng mỗi lần trở về quê, hay hoài niệm chút quá khứ của mình nơi thôn quê tôi vẫn luôn thấy bóng dáng của căn bếp tranh vách đất thân thiết ấy hiện hữu trong tâm trí. Từ ngày xây bếp mới, nhà tôi đã chuyển qua đun củi, đun gas và rơm rạ không còn được sử dụng nữa. Sự hiện đại từ căn bếp của gia đình tôi và nhiều gia đình khác là một điều đáng mừng vì điều đó thể hiện nền kinh tế đã dần đổi thay, giàu có. Tuy vậy, có lẽ với biết bao thân thuộc, kỷ niệm gắn bó của cả một thời nghèo khó nên tôi vẫn luôn nao lòng hoài niệm và không bao giờ quên được căn bếp xưa…

Nguyễn Long

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202005/nho-can-bep-nam-xua-3004694/