'Nhờ cái chân giả, em không còn thấy mình là người vô dụng'

Nhờ Báo VietNamNet kết nối đoàn thiện nguyện giúp lắp chân giả, cuộc sống xung quanh chị Lò Thị Thanh dường như được hồi sinh, cái Tết bên gia đình cũng trọn vẹn hơn.

Những bông hoa mận nở trắng trời núi rừng Tây Bắc báo hiệu một mùa xuân mới đang về trên khắp các bản làng. Trong số những người dân đang háo hức đón Tết nơi đây, chị Lò Văn Thanh (người dân tộc La Ha, ở huyện Quỳnh Nhai, Sơn La) xúc động nhớ lại quãng thời gian khó khăn mình từng trải qua, thầm biết ơn cuộc sống và những tấm lòng hảo tâm đã giúp đỡ chị.

Cái Tết năm nay thực sự mang rất nhiều ý nghĩa đối với chị Thanh. Kể từ khi bắt đầu xuất hiện những cơn đau xương triền miên cùng khối u ác tính bởi căn bệnh ung thư xương vào hồi tháng 5/2019, gần 2 năm, chưa một ngày nào chị được sống yên ổn.

Thông qua sự kết nối của Báo VietNamNet, mong ước được lắp chân giả của chị Thanh được các nhà hảo tâm giúp đỡ thành hiện thực

Thông qua sự kết nối của Báo VietNamNet, mong ước được lắp chân giả của chị Thanh được các nhà hảo tâm giúp đỡ thành hiện thực

Do quá nghèo, gia đình chỉ mưu sinh bằng nương rẫy, thu nhập cả năm mới được 4 triệu đồng nên phải tận gần 1 năm sau ngày phát bệnh, chị Thanh mới có đủ tiền làm phẫu thuật cắt chân. Trong đó, phần lớn nhờ vào sự hỗ trợ của bạn đọc thông qua báo VietNamNet.

Sau khi cắt chân, nhờ vào sự giúp đỡ của nhóm Thiện nguyện Từ Tâm do chị Kim Thúy, Chủ tịch Tập đoàn Đỉnh Vàng, một trong những Mạnh Thường Quân thân thiết của Báo VietNamNet đứng ra, chị Thanh đã được lắp chân giả, thuận lợi hơn cho việc đi lại.

Từ chỗ tuyệt vọng vì mất một chân, chỉ có thể chống gậy đi quanh nhà, nghĩ mình trở thành gánh nặng cho gia đình, nhờ nhóm Thiện nguyện do báo kết nối mà chị Thanh có chân giả, cuộc sống của chị trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Không chỉ đi lại đơn thuần, chị còn làm được vài việc lặt vặt trong nhà.

Ban đầu chưa quen lắm nên em chỉ chống gậy đi thôi. Đôi lúc nghĩ mình tàn phế không giúp được gì cho gia đình, em khóc rất nhiều. Nhưng có chân giả rồi thì giờ em thấy mình không còn là người vô dụng nữa. Em có thể phụ làm những công việc vặt. Tập mãi rồi cũng quen mà”, chị Thanh xúc động.

Nhắc đến Tết, giọng chị có chút chùng xuống: "Gia đình em chẳng có gì sắm Tết đâu. Nhà em không có gì nên cũng đơn giản thôi. Bao nhiêu chi phí dồn cả vào những ngày điều trị ở viện rồi. Cũng may có bên báo giúp kêu gọi nhà em đỡ được bao nhiêu, chứ không có thì nợ nần nhiều chẳng có bụng dạ nào ăn Tết nữa”.

Theo chú Lò Văn Tranh (bố đẻ chị Thanh), tinh thần của chị rất tốt sau thời gian được lắp chân giả. Chị cũng ăn ngủ tốt hơn, không còn đau đớn nữa, các bác sĩ hẹn qua Tết sẽ xuống tái khám.

Được lắp chân giả, cuộc sống của chị hiện tại như một người bình thường, chị làm nương, chăm lo cho gia đình

Nhắc đến sự hỗ trợ của các y bác sĩ, các nhà hảo tâm trong suốt thời gian điều trị tại Bệnh viện K Tân Triều, chú Tranh rưng rưng: “Quả thật gia đình chúng tôi không biết lấy gì để báo đáp tấm lòng mọi người. Ân tình mà con tôi nhận được quá lớn, quá may mắn. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì cho Thanh được đến đâu hay đến đấy. Xã hội còn nhiều người tốt quá!".

Xuân đến, gia đình chị Thanh lại quây quần bên nhau chuẩn bị đón những hy vọng tốt đẹp. Lòng tốt của cộng đồng chính là nguồn động viên lớn nhất đối với họ.

Phạm Bắc

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/ban-doc/chia-se/nho-cai-chan-gia-em-khong-con-thay-minh-la-nguoi-vo-dung-709942.html