Nhổ 20 chiếc răng cùng lúc, người phụ nữ hôn mê 9 ngày rồi tử vong

Ban đầu cô được chẩn đoán sâu răng, nhưng sau khi nhổ 20 chiếc răng cùng lúc, cô rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong.

Mới đây, tin tức về một phụ nữ họ Trịnh (34 tuổi) ở Gia Nghĩa, Đài Loan được chẩn đoán bị sâu răng, sau đó ngày 4/11 cô buộc phải nhổ bỏ 20 chiếc răng cùng một lúc.

Cô đã bị hôn mê và tử vong sau 9 ngày. Tuy nhiên, trong giấy chứng tử từ bệnh viện, nguyên nhân cái chết được xác định do viêm phổi.

Người anh họ của cô Trịnh nói rằng em mình bị thiểu năng trí tuệ nhưng nói năng bình thường, sức khỏe cũng không có vấn đề gì. Cuối tháng trước, cô Trịnh được đưa đi khám nha khoa tổng quát vì bị sâu răng rất nhiều.

Sau khi khám, bác sĩ nói rằng cần phải nhổ bỏ rất nhiều răng. Đến ngày 4/11, khi bác sĩ thông báo đã nhổ 20 cái răng, người nhà vô cùng bất ngờ khi biết phải nhổ nhiều răng đến vậy.

Vì tác dụng phụ của thuốc gây mê kéo dài, cô Trịnh khi về tới nhà vẫn nằm im lìm trên giường. Sáng ngày 5/11, bố cô Trịnh phát hiện con gái bị ngạt thở nên vội vàng đưa đến Bệnh viện Buddhist Dalin Tzu Chi General.

Mặc dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức, cô Trịnh vẫn hôn mê sâu và phải dựa vào các thiết bị để duy trì sự sống. Sau khi hội chẩn với gia đình, phía bệnh viện quyết định rút ống thở vào ngày 13/11.

Anh họ của cô Trịnh cho biết, tuy nguyên nhân tử vong được ghi là “viêm phổi” trong giấy chứng tử, nhưng cô Trịnh trước đó hoàn toàn khỏe mạnh nên gia đình nghi ngờ cái chết của cô liên quan đến việc nhổ 20 chiếc răng cùng lúc.

Phía bác sĩ phẫu thuật trả lời: "Việc nhổ bỏ 1 cái răng cũng giống như nhiều cái cùng lúc. Đó là một ca phẫu thuật nhỏ, rất bình thường". Thậm chí, bác sĩ này còn nói rằng, ông đã xử lý nhiều trường hợp tương tự nhưng chưa từng xảy ra vấn đề gì.

Điều khiến người nhà cô Trịnh không hài lòng là bác sĩ không trả lời rõ ràng thắc mắc của gia đình, thái độ của bệnh viện rất tiêu cực. Mặc dù đã liên lạc nhiều lần với phía bệnh viện nhưng gia đình cô Trịnh vẫn chưa có một lời giải đáp thỏa đáng.

Được biết, tại thời điểm đó, cô Trịnh đã được gây mê toàn thân, nhổ bỏ 20 chân răng còn sót lại trong quá trình phẫu thuật. Sau đó, bệnh nhân được đưa vào phòng hồi sức theo dõi trong 2 giờ, đo huyết áp và oxy máu, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe rồi xuất viện, về nhà nghỉ ngơi.

Hiện gia đình cô Trịnh đã báo cáo vụ việc với cảnh sát, mọi việc vẫn đang trong quá trình điều tra.

Trước sự việc này, cư dân mạng đã có những cuộc bàn tán sôi nổi về nguyên nhân cái chết của cô Trịnh. Bác sĩ phẫu thuật răng miệng Lại Đại Hùng tại phòng khám True Medical Operation, Đài Loan đã có một bài chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của mình xoay quanh vấn đề này.

Bác sĩ Lại chia sẻ: "Thông thường trước khi nhổ răng, bác sĩ sẽ chia răng ra làm 6 phần và loại bỏ từng phần một. Điều này còn tùy thuộc vào tình trạng thể chất và khả năng chịu được của bệnh nhân để quyết định khu vực phẫu thuật. Những bệnh nhân khuyết tật về thể chất và tinh thần thường chăm sóc răng miệng kém".

Những chiếc răng sâu của cô Trịnh được bác sĩ đánh giá là có thể nhổ bỏ, nhưng nhiều người thắc mắc tại sao phải nhổ nhiều như thế cùng một lúc.

Bác sĩ Lại tiếp tục giải thích: "Nếu chiếc răng sâu không nhổ, có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào xương, gây viêm mô tế bào, viêm họng, sốc nhiễm trùng và thậm chí tử vong do chèn ép đường hô hấp.

Khi vi khuẩn lây lan theo đường máu đến các cơ quan khác của cơ thể, có thể gây nhiễm trùng huyết. Một số lượng lớn vi khuẩn trong khoang miệng sinh sôi, bị hít vào phổi, cũng có thể gây viêm phổi.

Ngoài ra còn có nguy cơ ngạt thở do răng rụng mắc vào khí quản, hoặc hít phải các cục máu đông".

Đối với trường hợp nhổ răng phải gây mê toàn thân, bác sĩ Lại cho biết mình đã tận mắt chứng kiến những trường hợp chấn thương trung thất và khí phế thũng ở phổi do đặt ống nội khí quản sai cách.

Sau khi bệnh nhân hồi phục sau ca mổ, có thể thấy khó chịu như nôn mửa, chảy máu vết thương, phản ứng thuốc.

Bác sĩ Lại tin rằng, vết thương do nhổ 20 cái răng nếu được điều trị và khâu vết thương tốt, sẽ không có nguy cơ tử vong cao so với gây mê toàn thân.

"Tôi thà dành nhiều thời gian điều trị vết thương hơn là để bệnh nhân gây mê toàn thân nhiều lần. Đối với bác sĩ phẫu thuật, nếu chuyển sang gây mê toàn thân, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân sẽ tăng lên đáng kể.

Vết thương do nhổ 20 răng chắc chắn nhỏ hơn so với phẫu thuật chỉnh hình và cấy ghép nhiều răng. Mặc dù nó sẽ gây ra sự gia tăng vi khuẩn trong máu trong thời gian ngắn, nhưng điều này không đáng lo ngại".

Điều quan trọng là bác sĩ phẫu thuật cần cầm máu, kiểm soát nhiễm trùng và giảm cơn đau. Bác sĩ Lại kể rằng, mình cũng từng nhổ bỏ 20 đến 30 chiếc răng trong 15 phút.

Vì thể chất và tinh thần bệnh nhân không thể tự chăm sóc được và cần phải loại bỏ toàn bộ. Đối với bệnh nhân ung thư đầu cổ, hóa trị và xạ trị cần phải nhổ bỏ hoàn toàn. Người cao tuổi cũng cần được nhổ bỏ do sốt.

Phan Hằng (Theo Ettoday)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nho-20-chiec-rang-cung-luc-nguoi-phu-nu-hon-me-9-ngay-roi-tu-vong-d486653.html