Nhịp sống mới ở khu tái định cư dự án hồ thủy lợi Krông Pách Thượng

Hơn 25 hộ dân Đắk Lắk đặt chân đầu tiên đến khu tái định cư (thuộc dự án hồ thủy lợi Krông Pách Thượng) đã bắt nhịp với cuộc sống mới. PV Tiền Phong đã về tận nơi ghi nhận những tâm tư, tâm thế của người dân khi trên vùng đất mới.

Đường vào khu tái đinh cư số 1

Đường vào khu tái đinh cư số 1

Chiều muộn, chúng tôi ghé khu tái định cư số 1 (thuộc thôn 1, xã Cư Elang, huyện Ea Kar, Đắk Lắk). Con đường bê tông phẳng lỳ, hai bên đường, những mái nhà gỗ, nhà xây đan xen mọc lên mang dáng dấp của một khu dân cư đang dần hình thành. Trong căn nhà gỗ ửng màu ngói đỏ, ông Hoàng Văn Học (62 tuổi, quê Lạng Sơn) cho biết, dời nhà qua khu tái định cư được hơn 8 tháng. Lúc nhận tin phải chuyển đi nơi ở mới, ông Học cũng lo lắng bởi dẫu sao cũng gắn bó với nơi cũ-thôn 15 (xã Cư Yang, huyện Ea Kar) gần cả đời người. Thế nhưng theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước, ông Học đồng ý chuyển nhà, nhường đất thực hiện dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng. Sang nơi ở mới, ông dựng lại căn nhà cũ, xắn tay trồng cây lúa, cây bắp; nuôi thêm con gà, vịt làm thức ăn cho gia đình. Hiện tại, cuộc sống gia đình ông cơ bản ổn định.

Người dân bắt nhịp với cuộc sống mới ở khu tái định cư

Ông Học tâm sự, so với nơi ở cũ, khu tái định cư có nhiều thuận lợi như: Đường bê tông bằng phẳng, điện kéo tận nhà...; Đặc biệt trẻ em đi học rất tiện. “Ở thôn cũ, trường cấp 1 cách nhà hơn 5 cây số; vừa xa mà toàn đường đất đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Nay khu mới, trường học gần hơn; Có phân hiệu nằm trong khu tái định cư, trẻ đi chừng 500m là tới”, ông Học kể.

Trong khu tái định cư, ngôi nhà xây khang trang của anh Nông Văn Khí (47 tuổi) nổi bật hẳn. Anh tiết lộ, chi phí xây nhà gần 300 triệu đồng và đây là điều anh chưa từng nghĩ đến. Anh Khí rời quê Lạng Sơn vào thôn 15 xã Cư Yang (huyện Ea Kar) sinh sống từ năm 1987. Cuộc sống túng thiếu, anh chỉ dựng được ngôi nhà trình tường (tường nhà làm hoàn toàn bằng đất đánh nhão rồi dùng khuôn gỗ để đắp, đầm, lèn chắc) làm nơi che nắng, tránh mưa. Nguồn sống của gia đình anh phụ thuộc vào 3 ha đất khai hoang trồng lúa nước.Nhưng đất xa kênh mương thủy lợi, việc gieo trồng phụ thuộc vào “nước trời” nên năng suất không cao. Chuyển đến khu tái định cư, anh Khí rất phấn khởi vì ruộng lúa gần nhà, gần đường, nguồn nước tưới từ hồ Ea Rớt chảy quanh năm. Về nơi ở mới được 8 tháng, anh Khí đã xạ được 2 vụ lúa, mỗi vụ thu hơn 4 tấn lúa/5 sào, đạt năng suất cao. Anh Khí cho biết thêm, gia đình đã gửi hết số tiền được Nhà nước đền bù đất vào ngân hàng. Khi nào cần mua đất, anh mới lấy ra. “Gia đình mình không xài hoang phí đâu. Ngoài đồ dùng chuyển qua từ nhà cũ, mình chỉ mua thêm những thứ cần thiết. Còn lại mình đã gửi tiết kiệm vì còn phải nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học”, anh Khí chia sẻ. Anh Khí mong muốn chính quyền bố trí đất trồng hoa màu cho hơn 25 hộ dân đến khu tái định cư ở đầu tiên vào một khu nhất định, để cùng hỗ trợ nhau trong sản xuất.

Ngôi nhà khang trang của anh Khí

Một ngôi nhà gỗ của người dân khu tái định cư số 1

Cánh đồng lúa của người dân khu tái định cư số 1

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea Kar (Đắk Lắk) thông tin, khu tái định cư số 1 phục vụ khoảng 300 hộ dân. Hiện khu vực này đã có hơn 25 hộ dân thuộc thôn 15 xã Cư Yang chuyển sang ở từ tháng 11/2019; dự kiến trong tháng 9/2020 sẽ đón thêm hàng trăm hộ dân sống ở lòng hồ dự án hồ thủy lợi Krông Pách Thượng (thuộc xã Cư San, huyện M’đrắk). Mỗi hộ dân đến khu tái định cư được bố trí 1,1 ha đất (gồm 1 sào đất vườn, trong đó có 400m đất ở, 600m đất vườn; 5 sào đất trồng hoa màu và 5 sào đất canh tác lúa nước 2 vụ). Song song với việc bố trí đất ở, canh tác, chính quyền còn đầu tư cơ sở hạng tầng kỹ thuật đồng bộ, đảm bảo điều kiện tốt cho người dân sinh sống. Được biết, khu tái định cư số 2 (nằm trên địa bàn huyện Ea Kar) dự kiến triển khai trong tháng 10/2020 sẽ hoàn thành vào cuối năm để bố trí chỗ ở ổn định cho 500 hộ dân di chuyển khỏi vùng lòng hồ dự án hồ thủy lợi Krông Pách Thượng.

Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư trên 4,4 nghìn tỷ đồng. Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk- đơn vị được UBND tỉnh Đắk Lắk giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Phương Khánh-Huỳnh Thủy

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/nhip-song-moi-o-khu-tai-dinh-cu-du-an-ho-thuy-loi-krong-pach-thuong-1712533.tpo