Nhịp đời thân thương...

Vừa qua, tại TP Đà Nẵng diễn ra buổi ra mắt tập thơ Nhịp đời thân thương (NXB Văn học 2018) của tác giả Nguyễn Thị Kim Anh, hiện đang sinh sống tại Đức Phong, Mộ Đức, Quảng Ngãi.

Vừa qua, tại TP Đà Nẵng diễn ra buổi ra mắt tập thơ Nhịp đời thân thương (NXB Văn học 2018) của tác giả Nguyễn Thị Kim Anh, hiện đang sinh sống tại Đức Phong, Mộ Đức, Quảng Ngãi. Tác giả Kim Anh bị khuyết tật bẩm sinh từ nhỏ, thế nhưng chị đã vượt lên số phận bằng chính nghị lực đáng quý, đã vịn câu thơ đứng dậy để viết tiếp ước mơ của mình với hai tập thơ Nhật ký thời gian (NXB Văn học) và nay là tập Nhịp đời thân thương. Tập thơ được trình bày khá đẹp và trang nhã, gồm 69 bài thơ trong hơn 100 trang in. Đọc thơ Kim Anh để cảm nhận tiếng lòng của người con gái luôn hướng về cái đẹp, niềm tin và khát vọng: Đẹp gì cố gắng sẽ nên/ Tựa như hoa nhỏ mang tên xương rồng (Yêu đời). Phần không thể thiếu trong thơ chị là nỗi niềm đồng cảm với những số phận giống như mình, những con chữ như rút ruột ra để viết, khiến người đọc cảm thông và đồng cảm: đó là những phận người bán vé số lang thang trên hè phố, những đứa trẻ phải xa nhau khi bố mẹ ly hôn, những bà mẹ mong ngóng đứa con làm ăn ở phương xa chưa về, những đứa trẻ mồ côi "sống tạm trú dưới khung trời bất hạnh", những người cùng chung hoàn cảnh khuyết tật như tác giả nhưng luôn đong đầy nghị lực sống, hòa nhập và cống hiến hết mình cho xã hội.

Tác giả Diễm Phượng, trong lời tựa mở đầu tập thơ Nhịp đời thân thương nhận xét: "Kim Anh làm thơ không phải để thi thố tài năng mà là để thể hiện những cảm xúc, những yêu thương em gom nhặt được từ cuộc sống. Thơ bình dị, mộc mạc, cách viết, cách cảm mang dáng dấp của những câu chuyện kể gần gũi thân thương, giọng thơ hiền hòa như lời tâm sự, nhắn gửi...". Cảm xúc bất chợt với cảnh đẹp quê hương, khoảnh khắc giao mùa đong đầy nỗi niềm ẩn hiện trong tâm thức của biết bao thi nhân tự bao đời nay, một lần nữa được thắp sáng trong thơ Kim Anh, nhẹ nhàng, tình tứ nhưng cũng tràn đầy thi vị: Tháng Hai đến mặt trời lên chiếu rọi/ Nắng ửng hồng từng ánh chói xa xôi (Tháng Hai đến), Vệt nắng bên thềm chói chang/ Đồng quê lúa chín ngả xanh vàng/ Kìm sim trổ nụ xuân vừa khép/ Đấy phượng bung chồi hạ đã sang (Giao mùa), Lòng cảm động nên chưa tả hết/ Bởi tình quê thống thiết vậy mà/ Việt Nam Tổ quốc bao la/ Dòng đời lắng đọng đậm đà chẳng quên (Hè quê), Vào Sa Huỳnh cũng lắm cảnh thiên nhiên/ Đức Phổ đó bạn hiền mê chụp ảnh/ Bãi cát lại pha màu vàng óng ánh/ Cùng cánh đồng sát cạnh muối trắng tinh (Du lịch quê em).

Bên cạnh đó là những vần thơ mộc mạc, chân chất xuất phát từ chính tâm sự, nỗi lòng trong sâu thẳm trái tim nhân hậu, vị tha của tác giả hướng về đấng sinh thành: "Con biết mẹ, con biết cha/ Hằng ngày vất vả nhưng mà chẳng than/ Sáng xuống ruộng, chiều lên ngàn/ Làm bao là việc gian nan cả đời" (Cha mẹ), lời tự vấn của tác giả rung động lòng người: "Mẹ mang một nắng hai sương/ Đem ra chợ đổi làm đường con đi" (Mẹ em). Phần cuối tập thơ là mảng tình buồn dung dị nhưng cũng rất đáng yêu: Ước gì anh đến chiều nay/ Hoa đỏ trao tay em tặng/ Để em có dịp tỏ bày/ Trao gửi trái tim trong nắng (Ước gì). Thơ là cầu nối yêu thương của tất cả mọi người, với tác giả Kim Anh chiếc cầu ấy chính là động lực, là nguồn sống của chị: Mang số phận ngậm ngùi cay đắng/ Thôi thì mình cố gắng vượt qua/ Yêu thơ kết bạn một nhà/ Nối vòng tay lớn cho ta bớt sầu (Số phận).

PHAN NAM

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_195917_nhip-doi-than-thuong.aspx