Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 27/7/2022

Mỹ thành nước xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới; Italy 'chốt' thời điểm độc lập với nguồn cung khí đốt từ Nga; Ả Rập Saudi hứa cung cấp năng lượng tái tạo rẻ hơn cho châu Âu… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong và ngoài nước ngày 27/7/2022.

Một tàu chở LNG chuẩn bị cập cảng ở Boston, Massachusetts, Mỹ. Ảnh: Getty Images

Một tàu chở LNG chuẩn bị cập cảng ở Boston, Massachusetts, Mỹ. Ảnh: Getty Images

Mỹ xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong nửa đầu năm 2022, Mỹ là nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới với lượng LNG xuất khẩu tăng 12% trong 6 tháng đầu năm nay, so với 6 tháng cuối năm 2021. Bình quân, nước này xuất khẩu hơn 317 triệu mét khối LNG mỗi ngày.

Trong 5 tháng đầu năm, ít nhất 71% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ được chuyển tới Liên minh châu Âu (EU) và Anh khi căng thẳng năng lượng giữa Nga và khu vực này leo thang.

Theo EIA, xuất khẩu LNG của Mỹ tiếp tục tăng lên vì 3 lý do, gồm khả năng xuất khẩu LNG tăng, giá LNG và khí đốt quốc tế đi lên, và nhu cầu toàn cầu gia tăng, đặc biệt là ở châu Âu.

Nga sẽ cung cấp cho châu Âu nhiều khí đốt nhất có thể

Ngày 27/7, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết Tập đoàn năng lượng Gazprom của nước này đang cung cấp lượng khí đốt tối đa có thể, và việc liên hệ khối lượng cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu với việc gỡ bỏ trừng phạt là sai lầm.

Bình luận về ý tưởng cho rằng Moskva hạn chế nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu ở mức tối thiểu cho đến khi EU gỡ bỏ trừng phạt, ông Peskov nói: “Đây là sự liên hệ hoàn toàn sai lầm”.

Ông Peskov nhấn mạnh các lệnh trừng phạt của châu Âu đã làm hạn chế đáng kể khả năng kỹ thuật để bơm tối đa lượng khí đốt có thể và khi công tác bảo trì được hoàn thành thì Gazprom “sẽ có thể bơm khí đốt nhiều hơn”.

Italy “chốt” thời điểm độc lập với nguồn cung khí đốt từ Nga

Ngày 26/7, tại cuộc họp Hội đồng Năng lượng diễn ra ở Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Italy Roberto Cingolani khẳng định, mức cắt giảm tiêu thụ khí đốt của nước này sẽ là 7% và vào đầu mùa Đông tới, Italy sẽ gần như độc lập với nguồn cung từ Nga.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi các thành viên Liên minh châu Âu (EU), ngoại trừ Hungary, đạt được thỏa thuận về cắt giảm mức tiêu thụ khí đốt 15% so với mức tiêu thụ trung bình trong 5 năm qua, từ ngày 1/8/2022 đến 31/3/2023.

Theo Bộ trưởng Cingolani, ban đầu mức cắt giảm đặt ra là 15% và ngang bằng giữa các quốc gia, song mục tiêu này hơi khó thực hiện. Hiện mục tiêu đã được đặt ra đối với từng quốc gia.

Ả Rập Saudi hứa cung cấp năng lượng tái tạo rẻ hơn cho châu Âu

Ngày 26/7, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis ở thủ đô Athens, Thái tử Mohammed Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman đã công bố các dự án song phương với Hy Lạp, bao gồm xây dựng đường cáp điện giữa cả hai nước nhằm cung cấp cho châu Âu "năng lượng tái tạo giá rẻ hơn".

"Tôi tin rằng Ả Rập Saudi và Hy Lạp đang có cơ hội lịch sử. Chúng ta sẽ sớm kết nối mạng lưới điện để có thể cung cấp cho Hy Lạp và Tây Nam châu Âu năng lượng tái tạo giá rẻ hơn nhiều" - Thái tử Mohammed nhấn mạnh.

Gần đây, Thái tử Mohammed và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có cuộc điện đàm nhấn mạnh tầm quan trọng việc hợp tác hơn nữa trong nhóm các nhà sản xuất dầu mỏ OPEC+.

Bắc Kinh phản đối Mỹ lên kế hoạch trừng phạt dầu Nga xuất sang Trung Quốc

Theo đài Sputnik, ngày 27/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh kịch liệt phản đối kế hoạch của Washington nhằm áp đặt lệnh trừng phạt lên dầu Nga xuất khẩu sang Trung Quốc.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nhấn mạnh việc hợp tác giữa Bắc Kinh với Moskva không nhằm mục đích chống lại bất kỳ ai, đồng thời nói thêm sẽ không dung thứ cho sự can thiệp từ bên ngoài.

Trước đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio kêu gọi Mỹ trừng phạt việc Trung Quốc mua dầu và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga. Cụ thể, Thượng nghị sĩ Rubio đề xuất một dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ tổ chức nào bảo hiểm hoặc đăng ký tàu chở dầu, vận chuyển dầu hoặc LNG từ Nga.

T.H

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-2772022-661218.html