Nhịp đập năng lượng ngày 23/5/2023

Từ 0h ngày 24/5, Quảng Ninh sẽ mua điện từ Trung Quốc; Đức có kế hoạch dành hơn 4 tỷ USD hàng năm để trợ giá điện; OPEC cảnh báo thiếu đầu tư vào lĩnh vực dầu khí có thể gây bất ổn thị trường… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 23/5/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Từ 0h ngày 24/5, Quảng Ninh sẽ mua điện từ Trung Quốc

UBND TP Móng Cái ngày 22/5 cho biết đã cắt điện toàn thành phố trong khoảng 3 giờ để hoàn tất đấu nối, vận hành đường dây 110Kv Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) phục vụ cho việc mua điện trong thời gian tới.

Dự kiến từ 0h ngày 24/5 sẽ đóng điện từ phía Thâm Câu (Trung Quốc) sang Việt Nam. Trong các tháng 5, 6 và 7/2023, phần điện nhận từ nguồn Trung Quốc sẽ được cấp cho trạm 110kV Móng Cái, TP Móng Cái và 110kV Quảng Hà, huyện Hải Hà, thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Theo thỏa thuận, phía Trung Quốc sẽ cấp điện cho Việt Nam với tổng công suất tối đa 70MW và 30 triệu kWh/tháng. Trong các tháng 5, 6 và 7/2023, phần điện nhận từ nguồn Trung Quốc sẽ được cấp cho trạm 110kV Móng Cái, TP Móng Cái và 110kV Quảng Hà, huyện Hải Hà, thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Đức có kế hoạch dành hơn 4 tỷ USD hàng năm để trợ giá điện

Chính phủ Đức có kế hoạch dành khoảng 4 tỷ euro (4,40 tỷ USD) hàng năm để trợ giá điện cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, nhằm hỗ trợ quá trình chuyển dịch ngành công nghiệp khỏi nhiên liệu hóa thạch và hạn chế các công ty chuyển hoạt động sản xuất-kinh doanh ra nước ngoài.

Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết khoản trợ cấp này có thể giới hạn giá điện ở mức 6 xu cho mỗi kilowatt giờ (kWh), đáp ứng 80% mức tiêu thụ của các công ty công nghiệp.

Ông Habeck nói thêm: “Nếu chúng tôi không thực hiện phương án này thì chúng tôi có thể không còn duy trì được các ngành công nghiệp trong tương lai tại những khu vực sử dụng nhiều năng lượng ở Đức”.

OPEC cảnh báo thiếu đầu tư vào lĩnh vực dầu khí có thể gây bất ổn thị trường

Ngày 22/5, Tổng Thư ký Tổ chức Các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) Haitham Al Ghais cảnh báo, việc thiếu đầu tư vào lĩnh vực dầu khí có thể gây bất ổn thị trường trong dài hạn và cản trở tăng trưởng. Nhận định trên được ông Haitham Al Ghais đưa ra tại Hội nghị dầu mỏ và khí đốt Trung Đông diễn ra ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE).

Ông Al Ghais cũng cho rằng thế giới cần tập trung cắt giảm phát thải khí nhà kính hơn là thay thế một hình thức năng lượng này bằng một hình thức năng lượng khác, đồng thời nhấn mạnh cần có các khoản đầu tư lớn trong tất cả các lĩnh vực năng lượng.

Theo ông Al Ghai, dự báo nhu cầu năng lượng sẽ tăng 23%. Xu hướng này đòi hỏi ngành dầu mỏ toàn cầu cần có sự đầu tư đúng mức, với khoản đầu tư tích lũy 12.100 tỷ USD từ nay đến năm 2045, tương đương khoảng 500 tỷ USD/năm. Đầu tư cũng là biện pháp cấp thiết để khắc phục tình trạng giảm các khoản "rót vốn" cho lĩnh vực năng lượng, khoảng 4-5% mỗi năm.

IEA dự báo nhu cầu dầu sẽ lập kỷ lục mới

Theo Báo cáo triển vọng thị trường năng lượng mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu trong năm nay sẽ tăng thêm 2,2 triệu thùng/ngày lên mức cao kỷ lục 102 triệu thùng/ngày. Con số này cao hơn 1,3 triệu thùng/ngày so với mức tiêu thụ toàn cầu vào năm 2019.

Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng dầu thô tại các khu vực trên thế giới ngày càng có sự khác biệt rõ rệt. Nhu cầu về dầu tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đặc biệt là tại Bắc Mỹ và châu Âu, đang ở mức yếu. Ngược lại, tổng nhu cầu sử dụng của các quốc gia ngoài khối OECD lại đang tăng lên, chủ yếu đến từ việc Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế.

Về diễn biến giá dầu thô, IEA nhấn mạnh sự bất hợp lý giữa giá dầu hiện nay với triển vọng cung - cầu trong tương lai. Theo cơ quan này, giá dầu thô đã chạm mức thấp nhất trong 16 tháng qua. Trong khi đó, nhu cầu về dầu được kỳ vọng sẽ ở mức cao và nguồn cung dầu có thể bị siết chặt, tình huống này đáng lý sẽ phải đẩy giá dầu thô tăng lên.

IEA dự báo nguồn cung dầu toàn cầu sẽ chỉ tăng thêm 1,2 triệu thùng/ngày, đạt hơn 101 triệu thùng/ngày trong năm nay. Do đó, thị trường sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu. Tình trạng này sẽ bắt đầu ngay kể từ quý 2/2023 và mức thiếu hụt sẽ tăng lên khoảng 2 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay.

Iraq gia hạn cung cấp dầu cho Jordan

Bộ năng lượng Jordan cho biết lượng dầu nhập khẩu từ Iraq chiếm khoảng 7% nhu cầu dầu thô của Jordan, vào ngày 22/5, họ đã nối lại lượng dầu thô nhập khẩu này sau một vài tuần bị đình chỉ bắt đầu từ ngày 1/4.

Bộ dầu mỏ Iraq cho biết hồi đầu tháng 5 rằng, Iraq đã gia hạn thỏa thuận với Jordan thêm 1 năm để cung cấp cho nước này 10.000 thùng dầu thô mỗi ngày (bpd) theo các điều khoản ưu đãi.

Trong một tuyên bố, người đứng đầu Cục Dầu khí thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Jordan, Iman Awwad, xác nhận việc nhập khẩu nhiên liệu từ Iraq đã được nối lại thông qua các tàu chở dầu đến Jordan. Quan chức này nói thêm đã có tổng cộng 422 tàu vận tải được chất đầy dầu của Iraq, trong đó 300 chiếc đã cập các cảng của Jordan.

Hungary ký thỏa thuận mua khí đốt với Qatar

Sau cuộc hội đàm với Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết: "Qatar là quốc gia có tầm quan trọng hàng đầu đối với châu Âu. Nền kinh tế châu Âu đã bù đắp một phần đáng kể lượng khí đốt bị thiếu của Nga thông qua việc nhập khẩu LNG đến Qatar... Chúng tôi đã đồng ý về hợp tác năng lượng, chúng tôi cũng sẽ mua khí đốt từ Qatar".

Trước đó, ông Szijjarto cho biết, theo thỏa thuận đã được ký kết giữa Qatar - Hungary, các công ty năng lượng của Hungary và Qatar có thể bắt đầu đàm phán về việc cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng cho Hungary trong khoảng 3 năm.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Szijjarto nhấn mạnh thỏa thuận với các nước vùng Vịnh về cung cấp dầu khí cho Hungary không có nghĩa là nước này từ bỏ các hợp đồng với Nga, mà nhằm mục đích đa dạng hóa nguồn cung.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-2352023-685671.html