Nhịp đập năng lượng ngày 1/6/2023

7 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp chính thức phát điện lên lưới; An ninh năng lượng châu Á đối mặt nhiều nguy cơ do nguồn cung nước suy kiệt; Gazprom liên tục phá kỷ lục cung cấp khí đốt cho Trung Quốc… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 1/6/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

7 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp chính thức phát điện lên lưới

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến 17h30 ngày 31/5/2023, đã có 7 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp chính thức phát điện lên lưới với tổng công suất 430,22 MW. Cụ thể, đã có 9/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD); trong đó có 7 dự án/phần dự án với tổng công suất 430,22MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới. Ngoài ra, có 40 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm.

Đến nay, có 59/85 dự án với tổng công suất 3.389,811MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 50 dự án (tổng công suất 2.751,611MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương).

EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 46/50 dự án. 19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 22 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

An ninh năng lượng châu Á đối mặt nhiều nguy cơ do nguồn cung nước suy kiệt

Hãng tin Reuters dẫn nghiên cứu của các chuyên gia phân tích và nhà nghiên cứu cho thấy sự sự gián đoạn liên quan đến khí hậu đối với hệ thống nước ở vùng Hindu Kush – Himalaya đang gây rủi ro cho sự phát triển kinh tế và an ninh năng lượng ở 16 quốc gia châu Á.

Vùng núi này là nơi khởi nguồn của 10 con sông lớn, bao gồm sông Hằng, sông Brahmaputra chảy vào Ấn Độ và Bangladesh, sông Dương Tử và sông Hoàng Hà của Trung Quốc, sông Mekong và sông Salween. Các con sông này cung cấp nước cho hoạt động sản xuất điện của hơn 75% các nhà máy thủy điện và 44% các nhà máy nhiệt điện than tại 16 quốc gia Nam Á, Tây Á và Đông Nam Á. Việc suy giảm hoặc gián đoạn nguồn cung nước từ vùng núi này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của 1,9 tỷ người với nhiều thiệt hại về kinh tế xã hội.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng khi rủi ro khí hậu gia tăng, các quốc gia chịu tác động của biến đổi khí hậu phải xây dựng các chính sách an ninh năng lượng phù hợp với tình hình an ninh nước, vì các lựa chọn năng lượng có thể tác động đến nước và việc thiếu nước có thể gây khó khăn cho các nguồn điện, nên an ninh nước sẽ quyết định an ninh năng lượng.

IMF kêu gọi định giá carbon để hỗ trợ chuyển đổi năng lượng

Phát biểu tại hội nghị ở Washington (Mỹ) ngày 31/5, Phó Tổng Giám đốc điều hành thứ nhất Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Gita Gopinath nhấn mạnh các nước cần thiết lập cơ chế định giá carbon để có nguồn thu tài trợ quá trình chuyển sang năng lượng tái tạo.

Theo bà Gopinath, nguồn thu ngân sách từ việc định giá carbon sẽ hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp hướng tới chuyển dịch năng lượng, giảm nợ, cũng như kết nối hiệu quả đầu tư và các sáng kiến năng lượng. Định giá carbon tương đương với việc mua “giấy phép ô nhiễm” phát thải CO2 hiện nay.

Bà Gopinath đánh giá cao những nỗ lực vừa qua của Liên minh châu Âu (EU) khi đã thông qua nhiều biện pháp nhằm giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong đó có việc áp dụng thuế carbon. Đây là cơ sở thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành năng lượng thời gian tới.

Gazprom liên tục phá kỷ lục cung cấp khí đốt cho Trung Quốc

Trong thông báo đưa ra ngày 31/5, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết đã lập kỷ lục mới về cung cấp khí đốt hàng ngày cho Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia (Sức mạnh Siberia) vào ngày 30/5. Việc giao hàng được thực hiện theo thỏa thuận mua bán khí đốt dài hạn song phương giữa Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC).

Thời gian gần đây xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc được tăng cường thông qua đường ống khổng lồ Power of Siberia (Sức mạnh Siberia), dẫn khí đốt từ Nga sang miền Bắc Trung Quốc.

Đi vào hoạt động từ đầu tháng 12/2019, Power of Siberia được xem như một biểu tượng cho chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin về xoay trục sang các nền kinh tế phát triển nhanh ở khu vực châu Á, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Moscow với phương Tây giảm xuống mức thấp.

Iran có lượng uranium được làm giàu cao gấp 23 lần mức cho phép

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 31/5 cho biết, kho uranium được làm giàu của Iran đã vượt 23 lần so với giới hạn trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Tehran với các cường quốc thế giới, có tên đầy đủ là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Theo một báo cáo của IAEA bị rò rỉ, tính đến ngày 13/5, tổng kho dự trữ uranium đã được làm giàu của Tehran ước tính lên đến 4.744,5 kg, trong khi giới hạn trong JCPOA chỉ là 202,8kg. Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận Iran đã giải quyết 2 yêu cầu còn tồn đọng với IAEA, theo đó, các thanh sát viên không còn thắc mắc về các dấu vết hạt nhân được phát hiện là đã làm giàu tới mức 83,7% tinh khiết tại cơ sở ngầm Fordo.

Các thanh sát viên cũng kết thúc điều tra về dấu vết hạt nhân tại địa điểm Marivan gần thành phố Abadeh, cách Tehran khoảng 525 km về phía Đông Nam. Đây là cơ sở được tin là có liên quan chương trình hạt nhân bí mật của Iran và là nơi Tehran từng tiến hành các vụ thử nghiệm nổ cường độ cao hồi đầu những năm 2000. Cũng trong ngày 31/5, IAEA đã bắt đầu lắp đặt lại một số thiết bị giám sát vốn ban đầu được triển khai theo JCPOA.

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-162023-686227.html