Nhịp cồng chiêng của dân tộc Ba Na

Tất cả những sắc màu văn hóa đặc trưng từ trang phục đến ẩm thực; từ sự tài hoa của đàn ông đến sự khéo léo, duyên dáng của phụ nữ đã phô diễn trong từng nhịp xoang, nhịp cồng chiêng âm vang... trong 'Ngày hội Văn hóa cồng chiêng' vừa diễn ra cuối tháng 7 tại huyện Kbang (Gia Lai). Lễ hội thu hút hơn 60 nghệ nhân đến từ 14 đoàn cồng chiêng của mười xã trong huyện và các đoàn của huyện Kông Chro và thị xã An Khê về tham dự.

Nhịp điệu cồng chiêng làm mê hoặc người xem.

Nhịp điệu cồng chiêng làm mê hoặc người xem.

Ngày hội đã tái hiện những nét văn hóa truyền thống của người Ba Na tại làng kháng chiến Stơr, một trong những di tích ghi dấu chiến công của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quê hương của Anh hùng Núp, cánh chim đầu đàn của đồng bào Tây Nguyên. Tại lễ hội, các du khách được thưởng thức bữa tiệc âm thanh của núi rừng Tây Nguyên với những tiếng cồng, tiếng chiêng, đàn Tơ-rưng, đàn đá, trống… Du khách còn được hòa mình vào các sinh hoạt đời thường của người Ba Na như dệt thổ cẩm, tạc tượng, đan lát và thưởng thức các món ăn đã gắn bó với bà con từ lâu đời như cơm lam, gà nướng - muối é, lá mỳ xào cà đắng, rau dớn…

Hiện nay, huyện Kbang có hơn 600 bộ cồng chiêng, trong đó có khoảng 20 bộ chiêng cổ quý hiếm. Ngoài ra, còn có hàng chục đội cồng chiêng, trong đó có bảy đội ở lứa tuổi thanh thiếu niên và một đội cồng chiêng nữ. Ðiều khiến đồng bào dân tộc Ba Na nơi đây tự hào là nhiều đội cồng chiêng tiêu biểu của Kbang được mời đi biểu diễn phục vụ các sự kiện trọng đại của tỉnh, huyện.

Chủ tịch UBND huyện Kbang Võ Văn Phán, chia sẻ: Ngày hội văn hóa được huyện duy trì tổ chức hằng năm, ngoài mục đích phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào Ba Na, còn góp phần tôn vinh, bảo tồn,
gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Tây Nguyên.

Bài và ảnh: PHAN HÒA

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33624202-nhip-cong-chieng-cua-dan-toc-ba-na.html