Nhịp cầu tình nghĩa

Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Tùng Thiện (nay là Đồn Biên phòng Kim Sơn), BĐBP Ninh Bình, được thành lập giữa năm 1959. Đồn được giao nhiệm vụ quản lý đoạn bờ biển dài 12km, từ cửa Đáy (giáp Nam Định) đến cửa Lạch Càn (giáp Thanh Hóa), là địa bàn khu vực biên giới biển, gồm 3 xã Kim Tân, Kim Mỹ, Cồn Thoi và 2 xóm An Hải, Phụ Cấp, thuộc xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, Ninh Bình, là nơi tập trung đông đồng bào theo đạo Thiên Chúa.

Giáo dân xứ Tùng Thiện đi lễ nhà thờ qua chiếc cầu tình nghĩa. Ảnh: Lã Thượng Sỹ

Một buổi chiều Đông, cuối tháng 12 năm 1966, trời mưa rét, đường làng lầy lội. Phía trước cửa nhà thờ xứ họ Tùng Thiện, xã Kim Tân, có một con sông nhỏ chảy qua. Chiếc cầu tre bắc ngang sông đã bị gãy sập từ khi nào. Tiếng chuông nhà thờ buổi chầu chiều vang lên dồn dập giục giã giáo dân. Bà con kéo đến mỗi lúc một đông nhưng bị ùn tắc bên dòng sông. Một vài em nhỏ bơi qua dòng nước lạnh buốt. Mấy cố già cũng phải lội bì bõm, quần áo lễ lấm lem, mặt, mũi xám ngoét, lẩy bẩy bước tới nhà thờ. Trên bờ còn nhiều phụ nữ có thai, các cháu nhỏ và những cố già đang ngần ngại không dám qua sông.

Cảnh tượng đó diễn ra đúng lúc Đồn trưởng Bùi Hữu Văn đi công tác qua xứ họ. Anh vội ngăn mọi người dừng lại, rồi chạy đi mượn chiếc thuyền nan, lần lượt chở họ qua sông. Ai cũng cảm động cảm ơn anh. Khi trở về đồn, anh kể lại cho mọi người nghe câu chuyện đó và đề nghị:

- Sắp đến ngày lễ trọng, giáo dân đi lễ rất đông, chúng ta nên gấp rút làm cho bà con một cái cầu.

Ý kiến của đồn trưởng được cả đơn vị tán thành.

Ngay từ sáng sớm, Đồn trưởng Văn đã cùng anh em chia nhau đi chặt phi lao của đơn vị trồng để làm cầu, vào xóm xin tre của dân làm tay vịn. Trời mưa rét, người đào đất đắp mố cầu, người đục gỗ, cưa tre, người lội sông đóng cọc chân cầu. Chỉ trong buổi sáng, nhịp cầu tre chắc chắn đã được đơn vị làm xong, nối liền trục đường giữa xã với nhà thờ xứ họ.

Đêm lễ Nô-en năm ấy đông lắm, đông nhất là đôi bờ sông trước cổng nhà thờ. Không phải bà con bị nghẽn đường như hôm trước, mà vì họ cứ đứng hồi lâu ngắm nghía nhịp cầu đơn sơ mà thấm đượm tình nghĩa quân dân. Ai cũng cảm phục những tấm lòng tận tụy vì dân của các chiến sĩ Đồn CANDVT Tùng Thiện. Vui nhất là các cố già. Cố trùm Nhuệ, cao tuổi nhất trong xứ họ, đã từng chứng kiến bao “vật đổi sao dời” của làng xóm, nhưng trước cảnh tượng ấy, cố vẫn cho là “sự lạ quá sức mình!”. Cố trùm Thụ, râu tóc bạc phơ, cứ đứng lặng trên mặt cầu rải trấu chống trơn, vịn mãi cái tay trên những ống tre vàng óng. Khi gặp một chiến sĩ Biên phòng đi tới, cố liền nắm chặt tay anh, hình như định nói một câu gì vui lắm, nhưng nước mắt cứ trào ra. Một lúc sau, cố mới nghẹn ngào, chậm rãi:

- Tốt...! Tốt lắm!... Những tấm lòng thành!

Có cầu rồi, nhưng con đường chính giữa xã vừa hẹp lại vừa thấp. Ngày nắng, mặt đường gập ghềnh, không một bóng cây che mát. Ngày mưa, đường trơn nhầy nhụa, đi lại rất khó khăn, vất vả. Đồn trưởng Văn lại cùng cán bộ, chiến sĩ vận động dân làng góp sức, góp công cải tạo con đường trước mùa gặt, được bà con rất hoan nghênh và chung tay làm đường. Các cố già không làm được việc nặng thì phát cây, nấu nước uống. Một đoạn đường mới, cao 1,2m, rộng 3m, dài 1.400m, có hàng dừa ven đường dóng nhau đều tắp, được hoàn thành trước mùa gặt ít ngày và cũng vừa kịp tuần lễ trọng của giáo hữu xứ họ Tùng Thiện. Chiếc cầu cũng được tu sửa mở rộng hơn, người dân qua lại không cần tay vịn nữa. Đường làng bằng phẳng thênh thang và nhịp cầu vững chãi vắt qua sông, sớm tối rộn rịp bước chân người đi làm, đi học, đi chầu lễ... dưới bóng xanh mát của những hàng cây sum suê.

Trong một buổi hành lễ trước đông đủ giáo dân, linh mục cai quản giáo phận Tùng Thiện đã cảm kích nói:

- Nay giáo hữu xứ ta được ung dung phần xác, thong dong phần hồn tới nhà thờ chầu lễ, không quản ngại sông sâu, đường lội như trước nữa. Phước ấy là nhờ ơn cán bộ CANDVT Đồn Tùng Thiện.

Lã Thượng Sỹ

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhip-cau-tinh-nghia/