Nhịp cầu nối những bờ vui

Theo các chuyên gia giao thông, 'khi có cầu Cát Lái, hệ thống giao thông TP.HCM - Nhơn Trạch sẽ được thông suốt, nối liền mạng lưới giao thông TP HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai'.

Nhịp cầu nối những bờ vui

Huyện Nhơn Trạch nằm ở phía Tây Nam tỉnh Đồng Nai, được thành lập ngày 23/6/1994 trên cơ sở tách ra từ huyện Long thành. Đây là một bán đảo tuyệt đẹp được bao quanh bởi những con sông lớn: sông Nhà bè, sông Soài rạp, sông Lòng Tàu và sông Đồng Nai (Những khu vực tiếp giáp với TP HCM). Khu vực giáp ranh với Tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu là Sông Thị vải.

Trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ mảnh đất này được ghi nhận với một phần của Miền đông gian lao mà anh dũng với các địa danh như địa đạo Nhơn Trạch, Rừng Sác… nơi ghi dấu những chiến công hiển hách của các chiến sỹ Bộ đội đặc công.

Những địa danh nghe hãi hùng ngày đó giờ lại trở thành những khu công nghiệp (KCN), những điểm du lịch sinh thái không thể bỏ qua khi đặt chân đến mảnh đất này. Những người con ưu tú trên mảnh đất này giờ lại góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước như nhạc sỹ Trần long Ẩn đã nhấn mạnh trong ca khúc Tình Đất đỏ Miền Đông: “Trong đấu tranh người miền đông anh dũng, Trong lao động người lại cũng anh hùng…”

Sau gần 26 năm xây dựng và phát triển đến nay Nhơn Trạch đã là một địa phương có tương đối đầy đủ thế mạnh để trở thành một trong những địa phương phát triển kinh tế, chính trị hàng đầu trong khu vực khi có vị trí địa lý đắc địa, sở hữu hệ thống đường thủy, cảng sông để đẩy mạnh dịch vụ cảng sông, khu công nghiệp, du lịch, Hơn nữa Nhơn Trạch lại rất gần Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cách khu cảng nước sâu của Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ một cây cầu trong tương lai gần.

Có lẽ điều còn thiếu khi nói Nhơn Trạch sẽ trở thành cái tên đắt giá nhất trong các khu đô thị vệ tinh của TP HCM là những cây cầu đã, đang và sẽ bắc qua những dòng sông để kết nối Nhơn Trạch với TP HCM và Nhơn trạch với Bà rịa- Vũng Tàu. Đó sẽ là: “Nhịp cầu nối những bờ vui”.

Từ cầu Long Thành, đường 319 đến cầu Phước An

Cầu Long Thành bắc qua sông Đồng Nai.

Cầu Long Thành bắc qua sông Đồng Nai.

Ngày 8/2/2015 khi cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây hoàn thành và đưa vào sử dụng khiến chính quyền địa phương và người dân vô cùng phấn khởi bởi thời gian di chuyển từ khu vực Long Thành, Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai đến trung tâm TP HCM từ hơn một tiếng đã giảm xuống còn chỉ 30 phút di chuyển hay nói một cách khác là chỉ đi qua cây cầu với thời gian 2 phút, từ Long Thành (Đồng Nai) đã đặt chân đến TP HCM.

Tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây mở ra đã giúp kết nối giao thông, kinh tế các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ, TP HCM và Tây Nguyên; rút ngắn cự ly và thời gian đi lại giữa TP HCM và Dầu Giây (Đồng Nai) từ 3 giờ xuống còn 1 giờ, từ TP HCM đi Phan Thiết chỉ mất 3 giờ thay vì 5 giờ như trước đây, hay từ TP HCM đi Vũng Tàu chỉ còn 1,5 giờ, tiết kiệm thời gian hơn 1 giờ. Tuyến giao thông này sẽ còn thuận tiện hơn khi con đường 319 sẽ được hoàn thành và khai thác trong năm 2020

Trong sơ đồ quy hoạch giao thông của huyện Nhơn Trạch, nếu các dự án đường Hùng Vương, 25A, 25B và 25C được coi là trục xuyên tâm đô thị thì đường 319 lại có vai trò kết nối 3 tuyến đường trên vào 2 tuyến cao tốc. Bên cạnh đó, đường 319 còn chạy song song với QL51 qua các khu công nghiệp (KCN) của huyện Nhơn Trạch, nối thẳng xuống cầu cảng Phước An. Nơi đây lại một cây cầu mang tên Phước an sẽ được thi công nối Nhơn Trạch với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Phối cảnh cầu Phước An.

Cầu Phước An đang trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ và dự kiến khởi công trong năm 2021. Cầu có tổng chiều dài khoảng 3,76 km, nối thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Khi đi vào hoạt động cầu Phước An sẽ kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải với cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây,… giúp việc vận chuyển hàng hóa từ đồng bằng Sông Cửu Long và các khu vực lân cận đến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và ngược lại được thuận lợi hơn rất nhiều.

Nếu hiện tại việc vận chuyển hàng hóa từ KCN Nhơn trạch đến hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải mất hơn 30km và thời gian thì phụ thuộc vào lưu lượng phương tiện thì sau khi cầu Phước An được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng thì quãng đường di chuyển sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 15km. Các phương tiện di chuyển từ các tỉnh Miền Tây hay TP HCM vận chuyển hàng hóa, hành khách xuống Bà Rịa - Vũng Tàu cũng giảm được rất nhiều chi phí và thời gian. Góp phần phát triển vượt bậc cả về công nghiệp, thương mại, kinh tế và xã hội của TP HCM và các tỉnh trong khu vực.

Cầu Phước khánh – giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ thuận tiện

Được khởi công vào ngày 18/07/2015 và dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Cầu Phước Khánh là cây cầu đường bộ có thiết kế kiểu dây văng cao nhất Việt Nam (Tĩnh không lưu thông thuyền: 55 m) để giúp cho giao thông trong khu vực thông suốt trên đường bộ nhưng cũng đảm bảo các tàu có tải trọng cỡ lớn đi qua, thuận tiện cho luồng hàng hải tàu biển cập cảng TP HCM.

Cầu Phước Khánh nằm trong dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành thuộc tuyến đường cao tốc Bắc – Nam góp phần kết nối huyện Cần Giờ (TP HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Đang thi công cầu Phước Khánh bắc qua dòng sông Lòng Tàu.

Khi cầu hoàn thành, cây cầu sẽ trở thành cầu nối giao thông quan trọng trong việc giao thương, vận chuyển hàng hóa, đi lại từ các huyện Cần Giờ, Nhà Bè của TP HCM đến Nhơn Trạch. Đặc biệt hơn Tuyến đường này sẽ kết nối với mạng lưới cao tốc – Quốc lộ 51, hệ thống cảng biển nước sâu Cái Mép – Thị Vải (Cảng biển có độ sâu đứng thứ 20 trong các cảng nước sâu trên thế giới và đứng thứ 2 ở Việt nam) cùng với đó là Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Cao tốc Bến Lức – Long Thành cũng như cầu Phước Khánh sẽ góp phần giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ mà không phải đi qua TP HCM giúp cho giao thông thuận tiện và giảm tải cho tuyến đường Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ – TP.HCM

Cầu Phước Khánh cùng với cơ sở hạ tầng hiện đại sẽ là động lực thúc đẩy nơi đây trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm của Miền Nam, phát triển vượt bậc cả về công nghiệp, thương mại, kinh tế và xã hội. Có lẽ tôi cũng không đủ ngôn từ để nói hết tầm quan trọng của cây cầu này nên chỉ có thể nói rằng nó là niềm mong đợi của toàn thể chính quyền và người dân hai bên bờ sông Lòng tàu nói riêng và người dân cả nước nói chung.

Cầu Cát Lái – Chia sẻ lưu lượng với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây

Năm 2020 của những con số tròn chẵn chắc hẳn sẽ trọn vẹn nếu cầu Cát lái chính thức được khởi công xây dựng bởi từ nhiều năm qua, người dân hai bờ sông Soài Rạp là TP HCM và Đồng Nai đều muốn sớm xây cầu Cát Lái thay thế phà.

Hình phối cảnh cầu Cát Lái.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết dự kiến cầu Cát Lái khởi công trong năm 2020 có chiều dài 3.782m, phần cầu chính dài 650m, kết cấu bằng dây văng hai trục tháp.

Theo các chuyên gia giao thông, khi có cầu Cát Lái, hệ thống giao thông TP.HCM - Nhơn Trạch sẽ được thông suốt, nối liền mạng lưới giao thông TP HCM - Bà Rịa -Vũng Tàu - Đồng Nai. Bên cạnh đó, khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác, cầu Cát Lái kết hợp tỉnh lộ 25C sẽ hình thành tuyến kết nối TP HCM - sân bay Long Thành, chia sẻ lưu lượng với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây vốn đang quá tải trong ngày thường lẫn dịp lễ.

Những cây cầu tạo liên kết vùng và thúc đẩy phát triển KTXH mạnh mẽ

Năm 2020 là tròn 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các tỉnh niềm Đông Nam Bộ với diện tích không lớn nhưng đã trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, đóng góp khoảng 45% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 60% ngân sách cả nước. Một trong những yếu tố mang đến sự phát triển vượt bậc này chính là việc các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ đã khắc phục khó khăn, chủ động xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông để kết nối, tạo đà hiện thực hóa khát vọng phát triển của mỗi địa phương và toàn vùng.

Tuy nhiên, do sự phát triển chóng mặt của các khu công nghiệp, Khu chế xuất… khiến hệ thống giao thông hiện hữu không thể đáp ứng kịp nhu cầu đi lại và ùn tắc giao thông là nỗi kinh hoàng cho tất cả những người dân, doanh nghiệp trong khu vực miền Đông Nam Bộ nói chung, nó gây thiệt hại cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến chính trị và môi trường…

Với sự đầu tư mạnh mẽ cho phát triển giao thông trong khu vực miền đông nam bộ trong đó có sự xuất hiện của những cây cầu tuyệt đẹp đã, đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam Bộ có một sự liên kết và phát triển mạnh mẽ bởi giao thông đồng bộ và vận tải thông suốt, Giúp doanh nghiệp và người dân giảm chi phí và thời gian vận chuyển tới mức tối đa. Nó sẽ giúp cho TP HCM và các tỉnh lân cận phát triển hơn nữa về công nghiệp, thương mại, kinh tế và xã hội góp phần đưa Việt Nam vượt qua mọi khó khăn phát triển đồng bộ và bền vững.

Sa Huỳnh

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhip-cau-noi-nhung-bo-vui-d124458.html