Nhịp cầu kết nối niềm tin

Với tấm lòng nhân ái và sự nhiệt tình, các đội công tác xã hội tình nguyện trên địa bàn Hà Nội luôn nỗ lực giúp đỡ những người từng vướng vào tệ nạn xã hội tái hòa nhập xã hội. Bằng cách này, các tình nguyện viên trở thành lực lượng quan trọng làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở cơ sở, đồng thời là nhịp cầu kết nối niềm tin vào tương lai tốt đẹp hơn.

Học viên tham gia lao động trị liệu tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội. Ảnh: Minh Ngọc

Giúp đỡ kịp thời người lầm lỡ

Ông Lê Minh Xừ, Đội trưởng Đội Công tác xã hội tình nguyện, phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) cho biết, hiện nay, đội có 9 tình nguyện viên thường xuyên tìm hiểu về các loại ma túy mới để có kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, giúp người dân dễ dàng nhận biết các chất ma túy, từ đó hình thành ý thức chủ động phòng tránh. Ngoài ra, các tình nguyện viên kiên trì đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng sử dụng ma túy hoặc có nguy cơ vướng vào tệ nạn xã hội để tuyên truyền, vận động, thuyết phục họ sống tích cực hơn. Với những người đi cai nghiện trở về, họ được tạo mọi điều kiện thuận lợi để trở thành hội viên Câu lạc bộ B93 phường Mai Dịch (mô hình quản lý, giáo dục, tư vấn cho người sau cai nghiện ma túy, tái hòa nhập cộng đồng).

Tham gia sinh hoạt trong Câu lạc bộ B93 phường Mai Dịch, những người từng lầm lỡ có cơ hội chia sẻ về bản thân, được trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống tái nghiện, tư vấn, định hướng nghề nghiệp và vay vốn phát triển kinh tế. Nhờ được hỗ trợ sinh kế, anh P.V.U đã tái hòa nhập xã hội bằng nghề cắt tóc, đồng thời còn hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm cho một số người đồng cảnh.

Trường hợp khác ở phường Mai Dịch là anh N.V.D và T.V.T, mỗi anh vay 20 triệu đồng, người thì làm vốn bán hàng tạp hóa, người thì mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ… “Hiện nay, gia đình tôi đã trả hết khoản vay, có nguồn thu nhập ổn định. Tôi luôn tự nhắc nhở bản thân phải sống tích cực hơn”, anh N.V.D chia sẻ.

Tương tự phường Mai Dịch, Đội Công tác xã hội tình nguyện phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) tập hợp các tình nguyện viên là cán bộ, hội viên tâm huyết, đang quản lý, giúp đỡ 15 người sau cai nghiện ma túy. Việc tổ chức tư vấn trực tiếp cho các đối tượng vướng vào tệ nạn xã hội hoặc nhóm có nguy cơ cao được duy trì ít nhất khoảng 10 buổi/năm; đồng thời phối hợp tuần tra địa bàn 2 lượt/tháng nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh tụ điểm ma túy, mại dâm. Ông Nguyễn Xuân Luật, Phó Chủ tịch HĐND phường, kiêm Đội trưởng Đội Công tác xã hội tình nguyện phường Lê Đại Hành thông tin, trong số các đối tượng Đội quản lý, giúp đỡ đã có 11 người tham gia điều trị cai nghiện bằng chất thay thế Methadone, 6 người có việc làm, nhiều người có chuyển biến tốt về nhận thức, hành vi…

Ngoài những dẫn chứng nêu trên, theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã thành lập, duy trì hoạt động của đội công tác xã hội tình nguyện với hơn 4.000 tình nguyện viên. “Thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực, các tình nguyện viên trở thành lực lượng quan trọng làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở cơ sở, giúp những người từng lầm lỡ hướng thiện”, ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội đánh giá.

Nâng cao chất lượng hoạt động

Nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong phòng, chống tệ nạn xã hội, ông Đặng Quyết Thắng, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì cho biết, hiện nay Ba Vì có 31 đội công tác xã hội tình nguyện với 200 tình nguyện viên, thành phần chủ yếu là lực lượng công an, đại diện các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương. Lực lượng này thường xuyên được kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động. Các tình nguyện viên tập trung tư vấn, tuyên truyền các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội; tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe, phòng chống tái nghiện ma túy, phòng chống HIV/AIDS. Ngoài ra, mỗi tình nguyện viên giúp đỡ ít nhất một người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý…

Còn tại quận Hà Đông, năm 2020, quận đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ phòng, chống tệ nạn xã hội cho đại diện các cơ quan chức năng và tình nguyện viên của 17 đội công tác xã hội tình nguyện trên địa bàn. Ông Trần Văn Viên, Đội trưởng Đội Công tác xã hội tình nguyện phường Yết Kiêu đánh giá, qua tập huấn, các tình nguyện viên nắm rõ hơn các loại hình điều trị nghiện ma túy, quy trình cai nghiện ma túy tại gia đình, những kỹ năng cơ bản để hỗ trợ đối tượng cai nghiện ma túy tại gia đình… Với những kỹ năng được trang bị, từ đầu năm 2020 đến nay, hơn 150 tình nguyện viên tham gia Đội Công tác hoạt động xã hội tình nguyện tại quận Hà Đông đã phối hợp tuyên truyền, vận động hơn 100 người nghiện ma túy tiếp tục điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế Methadone; duy trì không để tái hoạt động 2 tụ điểm mại dâm đã được triệt xóa tại khu vực Làng Việt kiều châu Âu (quận Hà Đông).

Cùng với sự chủ động của các địa phương, từ tháng 4-2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có văn bản đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động đội công tác xã hội tình nguyện. Trên tinh thần đó, năm 2020, các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực, thường xuyên củng cố, kiện toàn, bổ sung tình nguyện viên bảo đảm chất lượng. Các đội công tác xã hội tình nguyện đẩy mạnh phong trào “Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng”; triển khai sâu chuyên đề “Vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng có nguy cơ cao”, qua đó có biện pháp giúp đỡ phù hợp.

Hà Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/979275/nhip-cau-ket-noi-niem-tin