Nhìn về tương lai sau 20 năm chống tham nhũng

Ngày 17/6, Nhóm Các nước chống tham nhũng (GRECO) - cơ quan giám sát tham nhũng của Hội đồng châu Âu, tổ chức Hội nghị quốc tế tại Strasbourg (Pháp) nhân kỷ nhiệm 20 năm thành lập.

Ảnh: Council of Europe

Ảnh: Council of Europe

Hội nghị được tổ chức dưới sự bảo trợ của Chủ tịch Ủy ban Bộ trưởng Pháp, có nội dung thảo luận về những thành tựu của GRECO trong việc hỗ trợ các quốc gia cải thiện năng lực phòng ngừa và chống tham nhũng, đánh giá các thách thức hiện tại và lường trước những vấn đề mới nổi.

Một trong các phiên thảo luận tại Hội nghị tập trung giải quyết các thách thức để ngăn ngừa tham nhũng và thúc đẩy tính liêm chính của các cơ quan điều hành hàng đầu trong chính quyền trung ương - vấn đề mà GRECO đang tiến hành đánh giá trong quy trình đánh giá thứ 5 của mình.

Tổng Thư ký GRECO Thorbjorn Jagland, Bộ trưởng Tư pháp Pháp Nicole Belloubet và Chủ tịch Hội đồng Nghị viện châu Âu Liliane Maury Pasquier khai mạc sự kiện này cùng với Thea Tsulukiani - Bộ trưởng Tư pháp Georgia, Etilda Gjonaj - Bộ trưởng Tư pháp Albania, Laurent Anselm - Bộ trưởng Tư pháp Monaco, và Marin Mrcela - Chủ tịch GRECO. Tại đây, Frans Timmermans - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu có bài phát biểu khai mạc Hội nghị.

GRECO được thành lập tháng 5/1999 bởi 17 thành viên Hội đồng châu Âu nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên cải thiện năng lực chống tham nhũng thông qua theo dõi, giám sát chặt chẽ các quốc gia này trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn của Hội đồng châu Âu về chống tham nhũng dưới mọi hình thức. Kể từ đó đến nay, GRECO đã giúp các thành viên của mình xác định những thiếu sót trong chính sách chống tham nhũng quốc gia, thúc đẩy cải cách lập pháp, thể chế và thực tiễn cần thiết. Hiện, GRECO gồm 47 quốc gia thành viên của Hội đồng châu Âu, Belarus và Mỹ.

Sau Hội nghị, từ chiều 17 - 21/6, GRECO sẽ tổ chức một cuộc họp toàn thể để thảo luận các báo cáo đánh giá về phòng, chống tham nhũng đối với chính quyền trung ương, bao gồm cơ quan điều hành hàng đầu và thực thi pháp luật tại Đan Mạch, Tây Ban Nha, Slovakia.

Trong chương trình nghị sự cũng có các báo cáo tuân thủ - liên quan đến các quy trình đánh giá khác nhau - về Thụy Sỹ, Đan Mạch, Nga, Bồ Đào Nha, Bỉ, Tây Ban Nha, Đức, Litva, Malta, Iceland và Romania. GRECO cũng sẽ thảo luận về một đề xuất để thực hiện kế hoạch đánh giá khẩn cấp về Hy Lạp. Cuối cùng, GRECO sẽ ra quyết định liên quan yêu cầu của Liên minh châu Âu về tư cách quan sát viên.

Ngọc Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/nhin-ve-tuong-lai-sau-20-nam-chong-tham-nhung_t238c52n150085