Nhìn về các dự án mới nhất nhận được vốn vay ODA của Nhật Bản

(HNMO) – Đó là Dự án xây dựng công trình cảng Lạch Huyện; Dự án Xây dựng Đường cao tốc Bắc – Nam (đoạn Bến Lức – Long Thành); Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn; Chương trình hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu; và Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam (Dự án Ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai sử dụng công nghệ vệ tinh)… vừa được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) và Bộ Tài chính ký kết Hiệp định vay vốn ngày 2/11, có trị giá 92,6 tỷ Yên (tương đương 1,2 tỷ Đô la Mỹ).

Dự án xây dựng công trình cảng Lạch Huyện

Theo nhận định từ Jica: Dọc đường nối từ thành phố duyên hải phía Bắc (Hải Phòng) đến Hà Nội có rất nhiều nhà máy của công ty nước ngoài đang hoạt động góp phần phát triển khu vực. Cảng Hải Phòng và cảng Cái Lân là hai cảng chính hỗ trợ các hoạt động kinh doanh của các công ty này. Cả hai cảng này đều sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản để xây dựng và nâng cấp. Mặc dù đã có kế hoạch mở rộng và nâng cấp các cảng này trong tương lai nhưng các cảng này chỉ đáp ứng tổng lượng hàng hóa container là 40 triệu tấn. Trong khi đó, dự báo theo tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam, nhu cầu hàng hóa container thông qua các cảng ở khu vực phía Bắc Việt Nam sẽ đạt 42 triệu tấn vào năm 2015 và tiếp tục tăng lên 59 triệu tấn vào năm 2020. Do vậy hai cảng trên rất khó đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa ngày càng tăng.

Hơn nữa, xu hướng kinh doanh vận tải quốc tế của các công ty vận tải biển ngày càng sử dụng tàu container có trọng lượng lớn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và giảm chi phí. Để nâng cao năng lực của các cảng phía Bắc như là các cảng trung chuyển quốc tế, việc đầu tư cảng cảng nước sâu cho tàu container có trọng lượng lớn là rất cần thiết. Xét trên cả yếu tố kỹ thuật và xã hội, việc mở rộng cảng Hải Phòng và Cái Lân là khó thực hiện được. Do vậy, cần phải xây dựng mới một cảng nước sâu quốc tế để đáp ứng nhu cầu khai thác các tàu container có trọng lượng lớn.

Theo đó, với Dự án xây dựng công trình cảng Lạch Huyện, mục tiêu của dự án là xây dựng mới một cảng nước sâu và các hạ tầng liên quan ở khu vực Lạch Huyện nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa ngày càng tăng và phục vụ nhu cầu về sử dụng loại tàu trọng lượng lớn của dịch vụ vận tải biển góp phần phát triển kinh tế và nâng cao tính cạnh tranh quốc tế của Việt Nam trên thị trường quốc tế

Khoản vay để xây dựng cảng, các cơ sở hạ tầng trong cảng và các hạ tầng liên quan (bao gồm đường dẫn và cầu dẫn), mua sắm thiết bị, dịch vụ tư vấn và các công việc liên quan. Dự án sẽ áp dụng khoản vay theo điều khoản đặc biệt dành cho các đối tác kinh tế nhằm rút ngắn thời gian thực hiện và nâng cao an toàn bằng việc sử dụng công nghệ Nhật Bản Chủ đầu tư của dự án là Cục Hàng Hải Việt Nam và Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Thời gian hoàn thành dự án dự kiến vào tháng 2 năm 2016 (thời gian bắt đầu khai thác hai bến).

Mô hình dự án xây dựng Đường cao tốc Bắc – Nam (đoạn Bến Lức – Long Thành).

Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam (đoạn Bến Lức – Long Thành)

TP Hồ Chí Minh là một trung tâm thương mại và công nghiệp lớn ở miền Nam Việt Nam. Tại đây có rất nhiều khu công nghiệp với sự hiện diện của nhiều công ty Nhật Bản. Do tốc độ phát triển kinh tế nhanh trong những năm gần đây ở TP Hồ Chí Minh, lưu lượng vận chuyển hàng hóa đã gia tăng đáng kể dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trở nên nghiêm trọng. Trong tương lai, khi sân bay quốc tế và hệ thống cảng biển dự kiến sẽ được xây dựng sẽ làm tăng thêm nhu cầu giao thông hơn nữa. Hiện nay, các tuyến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 51 đang trong tình trạng quá tải. An toàn giao thông giảm do nhiều loại phương tiện tham gia giao thông, hệ thống đường bộ bất cập và xuống cấp là những vấn đề nhức nhối và cản trở chất lượng giao thông. Trong bối cảnh đó, việc nâng cấp các tuyến đường cao tốc để giảm bớt tắc nghẽn giao thông và tăng cường sự liên thông với các khu công nghiệp và sân bay/ cảng biển là thật sự cần thiết.

Mục tiêu của Dự án xây dựng Đường cao tốc Bắc – Nam (đoạn Bến Lức – Long Thành) là nhằm cải thiện dịch vụ cung ứng miền Nam Việt Nam và nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu lưu lượng giao thông ngày càng tăng ở TP Hồ Chí Minh bằng việc xây dựng một đường cao tốc mới từ Bến Lức đi Long Thành - một phần của tuyến đường cao tốc Bắc- Nam, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao tính cạnh tranh quốc tế của khu vực.

Khoản vay lần này sẽ được sử dụng cho việc xây dựng đường đạt tiêu chuẩn đường quốc lộ, mua sắm thiết bị, vật tư và dịch vụ tư vấn. Dự án sẽ áp dụng các điều khoản đặc biệt cho đối tác kinh tế (STEP) và sử dụng các công nghệ tiên tiến của Nhật Bản cho việc xây dựng cầu và đường tiêu chuẩn cao. Cơ quan thực hiện dự án là Tổng Công ty Đường Cao tốc Việt Nam (VEC). Thời gian hoàn thành dự án dự kiến vào tháng 4 năm 2016 khi công trình được đưa vào sử dụng.

Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn

Trong những năm gần đây, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng cao về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tính xấp xỉ 8%, và kèm theo đó là nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng trung bình hàng năm ước tính là 13,5% trong giai đoạn 2004-2009 và nhu cầu điện năng vào giờ cao điểm đã tăng 1,5 lần, từ 10,500 lên 15,386 MW. Xu hướng này đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và suy thoái kinh tế gần đây, mặc dù kỳ vọng trong trung và dài hạn sẽ hồi phục và trở lại tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Theo Qui hoạch tổng thể phát triển điện quốc gia lần thứ 6 của Việt Nam đã được phê duyệt năm 2007, nhu cầu tiêu thụ điện năng dự tính sẽ tăng hàng năm 17% đến năm 2015, tương ứng với đòi hỏi công suất tăng thêm trong giai đoạn 2008-2015 xấp xỉ 30.000 MW. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư phát triển điện được nêu ra trong qui hoạch tổng thể hầu như không được thực hiện đúng tiến độ đề ra, tạo ra sự căng thẳng làm mất cân bằng giữa cung và cầu về điện tại Việt Nam, dẫn đến không thể tránh được việc cắt điện luân phiên vào giờ cao điểm.

Trong khuôn khổ Dự án xây dựng nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu đốt than công nghệ ngưng hơi truyền thống với công suất 600 MW (300MWx2 tổ máy) và các công trình phụ trợ.sẽ được xây dựng tại khu kinh tế Nghi Sơn của tỉnh Thanh Hóa. Dự án nhằm cải thiên khả năng cấp điện tại miền Bắc, và qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế của khu vực này. Các khoản vay sẽ được phân bổ cho các hạng mục xây lắp, mua sắm vật liệu và thiết bị cần thiết cho viêc xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than (2 tổ máy công suất 300 MW/tổ) và dịch vụ tư vấn. Cơ quan thực hiện dự án là Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Thời điểm hoàn thành dự án dự kiến vào tháng 2/2014, khi công trình đi vào hoạt động.

Chương trình hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu

Phía Jica cho biết, vì mục tiêu là hỗ trợ Chính Phủ Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua đối thoại chính sách, chương trình sẽ góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thông qua hấp thụ và kiểm soát phát thải khí nhà kính; tăng cường năng lực thích nghi để đối phó với các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu; củng cố các giải pháp đối với những vấn đề liên ngành liên quan đến biến đổi khí hậu. Bằng cách đó, chương trình sẽ đóng góp cho sự phát triển kinh tế Việt Nam ổn định và bền vững thông qua việc giảm thảm họa và các hiểm họa khác do biến đổi khí hậu mang lại. Đồng thời, chương trình sẽ góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Giai đoạn 1 của chương trình này đã được thông qua vào tháng 6 năm 2010, và giai đoạn tiếp theo cũng đã được phê duyệt sau đánh giá rất khả quan về kết quả đạt được của các hành động chính sách giai đoạn 12/2009-1/2011.

Khoản vay ODA lần này sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính để thúc đẩy cải cách trong ba lĩnh vực then chốt như đã đề cập ở trên. Cơ quan thực hiện chương trình là Bộ Tài Nguyên và Môi Trường. Chương trình dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2011, đồng thời với việc hoàn thành giải ngân.

Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam

Mục đích của dự án là nâng cao khả năng của Việt Nam trong việc lập kế hoạch, giảm nhẹ và ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai thông qua việc cung cấp vệ tinh quan sát trái đất, các trang thiết bị để phát triển và đưa vệ tinh vào hoạt động. Dự án cũng giúp tăng cường khả năng vận hành và bảo dưỡng các trang thiết bị. Mục tiêu tổng quan của dự án là để đóng góp vào việc nâng cao các điều kiện xã hội và điều kiện sống ở Việt Nam.

Các khoản vay ODA sẽ được phân bổ cho việc mua sắm vệ tinh quan sát trái đất và cho việc xây dựng các trang thiết bị phụ trợ, lắp đặt thiết bị, đào tạo cán bộ kỹ sư và các dịch vụ tư vấn khác. Điều kiện đặc biệt cho hợp tác kinh tế (STEP) sẽ được áp dụng cho dự án này. Cơ quan thực hiện dự án là Trung tâm vệ tinh quốc gia. Dự án dự kiến hoàn vào tháng 3 năm 2021 (bằng việc hoàn thành việc thử nghiệm trên quĩ đạo vệ tinh thứ 2, được cung cấp trong khuôn khổ dự án).

Trong buổi họp báo diễn ra sáng 2/11, tại Văn phòng Jica ở Hà Nội, ông Nagase Toshio – Phó Đại diện cao cấp Văn phòng Jica ở Hà Nội cho biết: trong các dự án trên, trừ Dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn phải chịu khoản vốn vay ODA thông thường là 1,4% năm, còn lại các dự án khác đều được hưởng vốn vay ưu đãi 0,2% - 0,3%/năm. Việt Nam hiện đã trở thành nước thu nhập trung bình, theo thông lệ lãi suất vay ODA bình thường sẽ tăng cao (là 1,4%/năm) hơn so với nước có thu nhập thấp (là 1,2%/năm); tuy nhiên trong thời gian tới, với từng dự án cụ thể, phía Nhật Bản sẽ quyết định lãi suất vay phù hợp.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/bat-dong-san/528909/nhin-ve-cac-du-an-moi-nhat-nhan-duoc-von-vay-oda-cua-nhat-ban.htm/