Nhìn từ vụ pate Minh Chay, ai sẽ đòi công bằng cho người tiêu dùng?

Từ khi rộ lên thông tin các ca ngộ độc do ăn pate Minh Chay, dư luận phẫn nộ, hoang mang những mong chính quyền vào cuộc rốt ráo để đòi lại công bằng và quyền lợi cho người tiêu dùng.

Câu chuyện về pate Minh Chay thêm một hồi chuông cảnh báo về an toàn thực phẩm. (Nguồn: Website Nhà sản xuất)

Câu chuyện về pate Minh Chay thêm một hồi chuông cảnh báo về an toàn thực phẩm. (Nguồn: Website Nhà sản xuất)

Thi thoảng, đọc được những thông tin kiểu như nội tạng thối tuồn vào nhà hàng, hoa quả ngâm hóa chất… lại khiến tôi rùng mình bởi mình cũng là người tiêu dùng.

Mỗi người, hằng ngày đều phải ăn, phải mặc nên cần phải có trách nhiệm tuyên chiến với những thực phẩm nguy hại đến sức khỏe. Mỗi người phải là những nhà tiêu dùng thông minh trong chọn lọc thực phẩm cho gia đình và người thân của mình.

Nói thì rất dễ nhưng quả thực, trong sự trôi nổi thực phẩm trên thị trường, người ta rất khó để phân biệt được đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn, kém chất lượng. Hậu quả sẽ khó lường nếu như người tiêu dùng luôn e ngại, lo nơm nớp trước thực phẩm kém chất lượng, luôn phải làm bạn với thực phẩm nguy hại.

Thực sự đáng buồn bởi nhận thức, do chạy theo lợi nhuận của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cùng với trách nhiệm quản lý còn nhiều lỏng lẻo. Người dân đang bị bội thực với những lời khuyên về việc nên ăn cái nọ, không nên ăn cái kia. Nhưng ai dám chắc trong những thứ hàng hóa, thực phẩm, đồ ăn thức uống mang thương hiệu, có tên tuổi, có nhãn mác hẳn hoi thì sẽ chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm?

Cuối cùng, chịu thiệt thòi vẫn là người tiêu dùng, phải luôn sống trong nỗi lo về thực phẩm bẩn. Trước tình hình này, cơ quan chức năng cần giám sát và kiểm tra chặt chẽ hơn nữa.

Thực phẩm kém chất lượng dường như bủa vây thị trường và vì vậy, người tiêu dùng càng phải biết chọn lọc những thực phẩm đảm bảo theo đúng các tiêu chí của nó. Cụ thể, thực phẩm sạch, an toàn phải tươi ngon, không khô héo đối với rau quả. Đối với thịt gia cầm, gia xúc không bị nhiễm trùng, nhiễm độc do tồn lưu của chất bảo quản. Thứ hai là khâu quản lý, xuất xưởng của các nguồn thực phẩm cũng “trăm ngàn vạn mớ”, khó quản lý, nên càng đòi hỏi cơ quan chức năng kiểm tra sát sao, kỹ càng hơn nữa.

Đối với người tiêu dùng phải tỉnh táo, phải nắm được những tiêu chí, kể cả các thực phẩm khô và thực phẩm tươi, rau không bị phun thuốc kích thích, thịt cá không bị nhiễm độc, nhiễm trùng. Phải biết chọn thực phẩm nào là thực phẩm lành, nằm lòng những nguyên tắc lựa chọn thực phẩm đảm bảo để bảo vệ mình, bảo vệ người thân của mình.

Một điều tôi luôn trăn trở là thực phẩm kém chất lượng được tuồn vào nhà hàng, trường học vì ham rẻ, không chú trọng đến sức khỏe người tiêu dùng; vì lợi nhuận, không ít cá nhân bất chấp nguyên tắc an toàn thực phẩm, đánh cược cả sức khỏe của người tiêu dùng. Chính vì khâu quản lý chưa chặt chẽ, còn lỏng lẻo nên làm khổ người tiêu dùng.

Có thể nói, câu chuyện về pate Minh Chay thêm một hồi chuông cảnh báo về an toàn thực phẩm. Vấn đề ở đây là phải tăng cường khâu kiểm tra và tuyên truyền, để người tiêu dùng ai cũng có thể nhận thức được, chủ động, phòng tránh cho tốt.

Chúng ta xuất khẩu lương thực, thực phẩm sang nước ngoài cũng đều phải đảm bảo nghiêm ngặt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao của họ, nhưng tại sao ở trong nội bộ nước mình không kiểm tra nghiêm ngặt, khắt khe hơn? Khi chúng ta không tự cung tự cấp được thực phẩm sạch, an toàn, rất khó để giữ chân người Việt dùng hàng nước mình.

Tôi thấy mỗi dịp trung thu, người ta sẵn sàng xếp hàng dài chỉ để mua được một cặp bánh trung thu truyền thống. Vì sao vậy? Vì niềm tin họ dành cho sản phẩm. Thế mới thấy, khi xây dựng được niềm tin của người tiêu dùng đã khó, giữ được niềm tin ấy bền vững càng khó bội phần.

Cá nhân tôi cũng hoang mang bởi giờ ra chợ, giữa muôn trùng vây thực phẩm, đôi lúc mình cũng không biết đâu là sạch, đâu là bẩn. Tôi còn nghe nói, thời nay người tiêu dùng phải sống chung với thực phẩm bẩn như sống chung với lũ. Tại sao như vậy?

Theo tôi nghĩ, phía người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm trong việc tẩy chay những hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, nói không với thực phẩm bẩn, khi phát hiện ra thì phải cấp báo với cơ quan chức năng để họ giám sát, xử lý. Muốn người dân dùng hàng trong nước, Nhà nước phải tăng cường điều tra, cương quyết, xử lý nghiêm đối với những cơ sở sản xuất thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh.

Qua đó, từng bước trả lại niềm tin cho người tiêu dùng, tránh tình trạng cháy đến đâu chữa đến đó, cần phải phòng cháy nghiêm túc từ những khâu đầu tiên. Khi đã thành nề nếp, thành quy tắc thì phải thực hiện nghiêm những quy tắc ấy.

Thêm nữa, với thực trạng hàng hóa, thực phẩm sạch bẩn lẫn lộn như hiện nay, thiết nghĩ, mỗi chúng ta thay vì chỉ biết phẫn nộ qua những chia sẻ trên mạng xã hội, mỗi người hãy tự giải cứu mình, hãy có trách nhiệm đòi hỏi quyền lợi của chính mình trong việc lựa chọn thực phẩm.

Bác sĩ Hoàng Xuân Đại

Nguyên chuyên viên cao cấp của Bộ Y tế

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhin-tu-vu-pate-minh-chay-ai-se-doi-cong-bang-cho-nguoi-tieu-dung-123948.html