Nhìn từ Hà Nội: Ai làm chủ cuộc chơi?

Trong khi nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã tạm lắng thì sóng gió lại tiếp tục bủa vây quan hệ Mỹ-Trung.

Các nguồn tin mới đây khẳng định, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tính sẽ áp mức thuế 25%, thay vì 10% như dự kiến ban đầu, lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Trước thông tin này, Chính phủ Trung Quốc cũng thông báo kế hoạch áp thuế bổ sung từ 5% đến 25% đối với 5.207 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD, đồng thời cảnh báo nước này có thể đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn nữa trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Tính ra về lý thuyết, Mỹ có thể áp thuế đối với khối lượng hàng hóa Trung Quốc lên đến gần 506 tỷ USD, tương đương với tổng giá trị hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2017. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ nhập khẩu 130 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ, vì thế không có cách nào Bắc Kinh có thể đáp trả “một đổi một” với chiến thuật áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Có thể xuất phát từ lý thuyết này, ông chủ Nhà Trắng từng khá tự tin khi bước vào cuộc đấu thương mại cân não với “đối thủ” châu Á.

Song, thực tế đã chứng minh Trung Quốc chẳng phải đối thủ dễ chơi. Từ khi căng thẳng thương mại leo thang tới nay, Bắc Kinh không ngần ngại đánh thuế ngược lại với hàng hóa Mỹ mỗi khi chính quyền Donald Trump xuống tay với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài thuế quan, Bắc Kinh cũng không thiếu các con bài để đối phó với Washington. Nên nhớ, Trung Quốc là một trong những nước nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ nhiều nhất, khoảng 1.000 tỷ USD trái phiếu trong năm 2017 (theo số liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ-FED). Bắc Kinh có thể bán ra, hoặc thậm chí chỉ cần ngừng mua trái phiếu chính phủ Mỹ cũng đã đủ tạo ra tác động đáng kể đối với nền kinh tế số một thế giới. Hoặc giả, nếu muốn thực sự gây ra cú sốc cho Mỹ, Trung Quốc thậm chí có thể tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũ, nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vốn là “sân chơi” mà chính Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi. Khi đó, thuế quan giữa Trung Quốc với 11 nước thành viên CPTPP sẽ giảm hoặc bị loại bỏ hoàn toàn.

Vậy nhưng chưa cần tới hai biện pháp trên, riêng việc đồng Nhân dân tệ giảm giá đã đủ để Mỹ phải cuống cuồng tìm thêm biện pháp đối phó. Còn nhớ cách đây không lâu, nhiều cơ quan truyền thông-trong đó có tờ Zero Hedge-đã cảnh báo rằng nếu đồng Nhân dân tệ giảm giá 25% sẽ loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng tiêu cực từ việc Mỹ áp thuế trừng phạt 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện đồng Nhân dân tệ đang bị mất giá tới gần 20%. Nếu cứ tiếp tục đà này, cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Donald Trump khởi xướng nhằm vào Bắc Kinh có nguy cơ trở về vạch xuất phát. Đứng trước thực tế này, Mỹ chỉ có lựa chọn nâng mức thuế trừng phạt thì mới có thể đối phó được với việc đồng Nhân dân tệ giảm giá nhằm bảo đảm biện pháp thuế sẽ giáng đòn mạnh vào Trung Quốc, buộc nước này phải trở lại bàn đàm phán và nhượng bộ hơn trong vấn đề thương mại.

Bên cạnh dự định tăng thuế, phía Mỹ còn mở ra "chiến tuyến" mới trong chiến tranh thương mại với quốc gia châu Á này, khi đưa 44 doanh nghiệp, trong đó có không ít doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao của Trung Quốc, vào danh sách thực thể quản chế xuất khẩu. Mục tiêu của động thái này được cho là nhằm bao vây lĩnh vực khoa học công nghệ cao của Trung Quốc, hay nói cụ thể hơn là những ngành công nghiệp được xác định trong chiến lược “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc 2025)-một sáng kiến quốc gia nhằm thúc đẩy 10 lĩnh vực quan trọng về mặt chiến lược và công nghệ Trung Quốc vốn phần lớn đang bị các công ty của phương Tây thống lĩnh. Kìm hãm chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” kết hợp với khai hỏa chiến tranh thương mại sẽ giúp ngăn chặn khả năng Trung Quốc trở thành một mối đe dọa đối với vị thế thủ lĩnh công nghệ của Mỹ.

Nhưng có một thực tế không dễ thay đổi, đó là chiến tranh thương mại là cuộc chơi mà không có bên nào thắng cuộc, người khai hỏa cũng là người bị thương. Trung Quốc đã để vuột mất vị trí thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới vào tay Nhật Bản. Còn với Mỹ, phần được chẳng biết có bù nổi những mất mát mà nền kinh tế số một thế giới phải trải qua hay không, khi mà thâm hụt thương mại vẫn tiếp tục gia tăng bất chấp chính sách tăng thuế nhập khẩu.

NGỌC THƯ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nhin-tu-ha-noi-ai-lam-chu-cuoc-choi-546012