Nhìn từ cặp 'Song Lang' vàng

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI kết thúc với những đánh giá là thành công cả về lượng lẫn chất. Những đánh giá ấy không ngoa chút nào. Có thể nói, kỳ Liên hoan phim lần này thực sự rất thuyết phục khi giải thưởng cao quý nhất - giải Bông sen vàng - đã được trao cho 'Song Lang', một bộ phim xứng đáng.

Những ai đã từng xem “Song Lang” chắc chắn đều cho rằng đánh giá của Ban Giám khảo LHP Việt Nam XXI là chuẩn xác. Câu chuyện trong phim thực sự gần gũi với đời sống và cái cách tôn vinh văn hóa truyền thống (nghệ thuật cải lương) của phim không bị khiên cưỡng như rất nhiều phim gần đây.

Đặc biệt, đạo diễn Leon Quang Lê đã vượt qua được định kiến xưa nay của nhiều nhà phê bình khắt khe về cách mà các đạo diễn Việt kiều thể hiện nét văn hóa Việt trong phim. “Song Lang” không cần phải gồng lên để chứng tỏ nó là bộ phim đang ca ngợi nghệ thuật cải lương. Thay vào đó, “Song Lang” chọn hướng tiếp cận cải lương đời thường hơn, với đầy đủ các góc tối và cả các bi kịch xã hội.

Nhìn lại điện ảnh Việt khoảng hơn 20 năm trở lại đây, chúng ta sẽ thấy rõ một chặng đường rất chung của nhiều đạo diễn Việt kiều. Đó là con đường đi tìm lại bản sắc Việt, minh chứng bản sắc Việt trong tâm hồn, suy tư của những đạo diễn ấy. Nhưng bản sắc là một thứ vốn dĩ rất tự nhiên và một khi người ta cố gắng để thể hiện nó thì chính sự khiên cưỡng lại là thứ chống lại bản sắc ấy rõ rệt nhất.

Đã có nhiều tranh cãi xoay quanh các bộ phim của Trần Anh Hùng, của Lưu Huỳnh… là có đậm chất Việt hay không hay là chỉ cố gắng thể hiện “chúng tôi vẫn còn mang bản sắc Việt” của họ. Những tranh cãi ấy thậm chí có lúc còn gay gắt đến mức tạo nên vài mối quan hệ “không đội trời chung” trong giới phê bình phim và làm phim.

Nhưng “Song Lang” đã xuất sắc vượt qua được cái khiên cưỡng ấy. Cùng vài phim Việt gần đây, “Song Lang” đã ca ngợi vẻ đẹp Việt rất dung dị, đúng cách nhìn của những người Việt bình thường nhất. Cùng thời điểm, “Cô Ba Sài Gòn” cũng là một bộ phim ngợi ca tà áo dài Việt mà không cần phải biểu tượng hóa nó một cách quá mức.

Có lẽ, cách nhìn văn hóa Việt của lớp đạo diễn Việt kiều trẻ trung như Leon Quang Lê đã rất khác với lớp đạo diễn Việt kiều đi trước. Thời đại công nghệ thông tin đã cho phép họ tiếp cận với nhiều giá trị truyền thống của Việt Nam một cách thường nhật hơn trong suốt thời gian họ định cư ở nước ngoài.

Việc LHP Việt Nam XXI trao giải Bông sen Vàng cho “Song Lang” và giải đạo diễn xuất sắc nhất cho Leon Quang Lê là một ghi nhận kịp thời và xác đáng cho nỗ lực thay đổi phim Việt của những đạo diễn trẻ tuổi.

Giữa những ồn ào gần đây về Hội đồng duyệt phim nhà nước, giải thưởng cho “Song Lang” chính là một tín hiệu tích cực thực sự để khích lệ những người làm phim dấn thân hơn nữa với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt ở trong thời đại toàn cầu hóa có thể làm bão hòa rất nhiều thứ vốn dĩ đã là bản sắc riêng.

Văn Đoàn

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nhin-tu-cap-song-lang-vang-572719/