Nhìn từ bài toán quy hoạch

Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh hơn so với dự báo, đi cùng đó là lượng chất thải rắn, chất thải công nghiệp phát sinh tăng theo, đòi hỏi phải xây dựng, cũng như điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn, chất thải công nghiệp với tầm nhìn dài hạn.

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh.

Bất cập dai dẳng

Những ngày gần đây, vấn đề ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khánh Sơn, nhà máy thép và nước thải đổ ra biển tiếp tục trở thành câu chuyện “nóng” làm chính quyền Đà Nẵng đau đầu tìm hướng giải quyết. Ông Nguyễn Văn Sáu (quận Liên Chiểu) cho biết, người dân quá mỏi mệt và vô cùng bức xúc bởi tình trạng ô nhiễm môi trường ở bãi rác Khánh Sơn, dù vấn đề này được người dân kiến nghị không biết bao nhiêu lần ở các kỳ họp HĐND thành phố, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, khiến người dân phải sống chung với ô nhiễm.

Đề cập vấn đề trên, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, bãi rác Khánh Sơn hiện đã thu hẹp diện tích chôn lấp dưới 2.000 m2 như cam kết, quy hoạch vị trí để chôn lấp chất thải công nghiệp cũng như bùn bể phốt phía tây bãi rác. Trong khi đó, theo lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng, vấn đề di dời và xử lý rác thải đang là câu chuyện hết sức nan giải, thành phố đang mời một đơn vị quốc tế tư vấn lập dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải hiện đại ở huyện Hòa Vang để di dời bãi rác Khánh Sơn. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy xử lý rác mới nhanh nhất cũng phải đến năm 2022 mới hoàn thành. Do đó, hiện thành phố đang chỉ đạo ngành môi trường triển khai các biện pháp để xử lý nước rỉ rác đạt tiêu chuẩn khí thải ra môi trường, đồng thời có chính sách an sinh xã hội, khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng.

Bất cập trong xử lý rác thải không chỉ là câu chuyện ở Khánh Sơn, mà tồn tại ở nhiều địa phương, thậm chí dai dẳng khiến người dân bất bình. Thống kê của Bộ Xây dựng, tính tới đầu năm 2018, cả nước đã có 57/63 địa phương phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn. Tuy nhiên, điều đáng nói nhiều địa phương hiện nay (kể cả đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh) vẫn chưa có nhà máy xử lý tái chế rác thải công nghiệp và rác thải xây dựng, hầu hết những loại rác này lâu nay đang được gom chung với rác sinh hoạt. Đến nay, phần lớn các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa xây dựng các trạm, hoặc điểm thu gom, trung chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại. Công tác phân loại chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại được thực hiện tại từng doanh nghiệp, nhưng trên địa bàn toàn khu công nghiệp và rộng hơn là toàn tỉnh/TP (ngoài Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, Hà Nội - mỗi năm xử lý được khoảng từ 5-10% số lượng rác thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn) lại không có trung tâm tồn trữ, xử lý chuyên dụng.

Quy hoạch quản lý chất thải rắn dài hạn

Trước những bất cập trong vấn đề xử lý rác thải, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng, cần lên kế hoạch hướng dẫn các địa phương tổ chức rà soát, lập và điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn phù hợp. Cụ thể là quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng và phải hoàn thành giữa năm 2019. Phía Cục Hạ tầng kỹ thuật cũng cho rằng, Bộ Xây dựng chỉ đóng vai trò tham mưu cho Chính phủ để xây dựng chiến lược, phương án xử lý. Còn công nghệ xử lý và xử lý thế nào phải do Bộ Khoa học và Công nghệ đảm nhận.

Theo các chuyên gia, tại nhiều tỉnh, thành phố đang có tỷ lệ đô thị hóa liên tục tăng qua các năm. Như vậy, có thể thấy lượng chất thải rắn, trong đó có chất thải công nghiệp phát sinh khá lớn trong quá trình phát triển chung của các tỉnh, thành phố này. Chính vì vậy, cần xây dựng một chiến lược lâu dài về phát triển cơ sở vật chất phục vụ công tác xử lý chất thải rắn, chất thải công nghiệp, lập và điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn, chất thải công nghiệp trên địa bàn, có tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn. Cùng đó, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra quản lý chất thải rắn, chất thải công nghiệp không độc hại, không thu gom chất thải rắn công nghiệp lẫn với chất thải sinh hoạt.

Thiết nghĩ, việc lập và điều chỉnh hay xây dựng quy hoạch cần công khai, lấy ý kiến cộng đồng đối với nội dung lập nhiệm vụ quy hoạch và lập đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn, chất thải công nghiệp. Đồ án quy hoạch cần hướng tới các giải pháp giảm thiểu chất thải rắn phát sinh tại nguồn, tăng cường tái sử dụng, tái chế. Trong quy hoạch, cần quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển chất thải rắn bảo đảm phục vụ mang tính liên quận/huyện với công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm các yêu cầu về môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu của từng quận, huyện và toàn tỉnh, thành phố theo từng giai đoạn… Có chính sách khuyến khích công nghiệp tái chế và việc tái sử dụng chất thải rắn và sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải rắn. Điều quan trọng nữa là, thiết lập các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, tài chính và nguồn nhân lực cho quản lý chất thải rắn làm cơ sở pháp lý để triển khai công tác quy hoạch chi tiết, xây dựng dự án, chuẩn bị đầu tư và quản lý xây dựng theo quy hoạch.

Dương Khánh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/cuoituan/chuyen-de/item/38203702-nhin-tu-bai-toan-quy-hoach.html