Nhìn từ APEC: Cơ hội phát triển bền vững cho doanh nghiệp

Phát biểu tại buổi tọa đàm 'Nhìn từ APEC: Cơ hội phát triển bền vững cho doanh nghiệp' bà Phạm Chi Lan cho rằng: Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Cách mạng công nghệ 4.0 mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, nguồn vốn các doanh nghiệp đầu tư cho cuộc đại cách mạng này, đặc biệt là công nghệ sinh học và y dược học chủ yếu đến từ chính các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Theo ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm khoa học tư duy thuộc Bộ Khoa học công nghệ, Chủ tịch Hội tri thức 3.0: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại những cơ hội chưa từng thấy cho các doanh nghiệp Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng cho mình một chiến lược phát triển bền vững và những bước đi cụ thể, vững chắc để bước vào cuộc cách mạng này.”

Trong khi đó, ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia, WWF-Việt Nam lại cho rằng: “Trên thế giới, nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên thiên phục vụ phát triển ngày càng cao và Việt Nam không nằm ngoài quy luật đó. Ngay thời điểm hiện tại chúng ra đang phải gánh chịu hệ lụy của những quyết định phát triển không bền vững, những thảm họa môi trường như nước biển dâng, mất rừng, lũ lụt và biến đổi khí hậu…

Chúng ta cũng đang phải đối mặt với những mất mát lớn về đa dạng sinh học, với nguy cơ cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 có thể xảy ra và lấy đi vĩnh viễn 75% số loài và để lại hậu quả nghiêm trọng chưa từng có đối với loài người. Thế giới sẽ thiếu hụt trầm trọng nguồn vốn từ tài nguyên thiên cho sự phát triển,”

Theo vị Giám đốc Quốc gia WWF Việt Nam thì nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã trong đó có sừng tê giác tại các quốc gia như Việt Nam là một ví dụ điển hình, nó đẩy nhanh cuộc đại tuyệt chủng các loài hoang dã trên toàn cầu. Vì vậy mà chúng tôi đánh giá cao sự chung tay và cam kết quí báu ngày hôm nay của cộng đồng doanh nghiệp đến từ Việt Nam và CHLB Đức.

Hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra nhiều thách thức

Là người có nhiều năm gắn với lĩnh vực thương mại, bà Phạm Chi Lan, thành viên Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao Năng lực Cạnh tranh cho biết: Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên bà Chi Lan cũng cho rằng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp gia tăng lợi thế cạnh tranh trong môi trường hội nhập khi đối tác quốc tế và các nhà nhập khẩu đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ các chuẩn mực toàn cầu về lao động và bảo vệ môi trường trong đó bao gồm sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên có trách nhiệm và bền vững. Như vây, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đã không còn là một sự cam kết tự nguyện mà chính là một yêu cầu tất yếu và tiên quyết cho sư cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Tài Chính B.Braun Việt Nam chia sẻ: Tính bền vững là nguyên tắc định hướng quan trọng cho các hoạt động doanh nghiệp của B. Braun Việt Nam. Việc tạo ra các giá trị bền vững cho nhân viên, xã hội và môi trường là rất quan trọng. B. Braun Việt Nam luôn hướng tới các hoạt động bảo vệ môi trường và các loài hoang dã thông qua việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên có trách nhiệm và hợp pháp, đặc biệt không sử dụng các nguồn nguyên liệu từ động, thực vật hoang dã nguy cấp để sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ y tế có tác dụng chữa bệnh nhưng vẫn thân thiện với môi trường.

Ngày 6/12, tại Hà Nội diễn ra tọa đàm Nhìn từ APEC 2017: Cơ hội phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Tọa đàm do Hội nghiệp trẻ Hà Nội và WWF-Việt Nam phối hợp tổ chức. Tham dự diễn đàn cácnhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam và CHLB Đức đã cam kết cùng nhau hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài, sử dụng có trách nhiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Điều này thể hiện nỗ lực và cam kết khuyến khích các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đến từ CHLB Đức đang hoạt động tại Việt Nam quan tâm và tiến tới thực hiện các chính sách trách nhiệm xã hội về môi trường trong đó có bảo tồn các loài hoang dã, quý, hiếm bằng việc không sử dụng các sản phẩm của chúng.

Huyền Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nhin-tu-apec-co-hoi-phat-trien-ben-vung-cho-doanh-nghiep-post247986.info