Nhìn thấu trở ngại nội tại

Phiên giao dịch ngày cuối tuần qua cho thấy, vượt lên trên xu hướng chung của thị trường, một số cổ phiếu lớn vượt đỉnh giá cao đã thiết lập trước đó.

Theo phân tích kỹ thuật, khi các cổ phiếu vượt đỉnh cũ sẽ hướng đến ngưỡng giá cao hơn. Như vậy, có thể kỳ vọng, khi ngày càng có nhiều cổ phiếu, nhất là các cổ phiếu của doanh nghiệp lớn vượt đỉnh giá theo phân tích kỹ thuật thì chỉ số chung toàn thị trường chắc chắn sẽ vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm, mốc điểm được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây.

Rất nhiều ý kiến cho rằng, cho đến bây giờ, trên thế giới, có lẽ chỉ có thị trường chứng khoán Việt Nam là chưa vượt qua đỉnh lịch sử đã thiết lập trong quá khứ. Kể từ sau đợt điều chỉnh rất mạnh và phục hồi của thị trường ngay trước Tết Âm lịch cho đến giờ, dòng tiền đã chọn lọc cổ phiếu phục vụ cho chu kỳ đầu tư năm mới 2021.

Sau những phiên giá cổ phiếu phục hồi theo quán tính, trong khi thị trường có xu hướng giảm gần đây thì lần lượt nhiều mã cổ phiếu đã nhanh chóng vượt đỉnh giá cũ như ACB, TCB, VPB, DGW, GIL, TDC, IJC, BMP...

Trong phiên thứ Sáu, khi nhà đầu tư hồi hộp lo ngại diễn biến của thị trường trong nước chịu tác động tâm lý khi Dow Jones giảm gần 560 điểm do lo ngại lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, phản ánh lo ngại lạm phát, thì VN-Index vẫn có mức tăng nhẹ, một số phiếu có thông tin tốt vẫn tiếp tục xác nhận vượt đỉnh.

Giữa những thông tin biến động của nền kinh tế lớn và áp lực trong giao dịch do năng lực hạn chế của hệ thống, nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn và lựa chọn những danh mục đầu tư theo định giá cơ bản thay vì cuống cuồng chạy theo các diễn biến ngắn hạn như giai đoạn trước đó. Khi dòng tiền tập trung hơn thì các cổ phiếu cơ bản định giá rẻ càng dễ tăng giá và giá càng ổn định hơn trước các biến động bên ngoài.

Với xu hướng lần lượt vượt đỉnh này, dự báo sớm hay muộn VN-Index sẽ vượt qua ngưỡng lịch sử 1.200 điểm và kỳ vọng hướng tới các mức điểm cao hơn, nhất là khi doanh nghiệp lớn còn nhiều thông tin tốt nhiều kế hoạch hay để công bố trong mùa ĐHCĐ này.

Trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán cuối tuần qua, ông Andy Ho, Tổng giám đốc Vinacapital cho rằng, nếu gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của chính quyền Mỹ được giải ngân thì tiền sẽ chảy khắp nơi và khi cơ hội đầu tư tại thị trường Mỹ trở nên khó khăn hơn tiền đầu tư sẽ tìm đến các thị trường tiềm năng. Thị trường Việt Nam có thể được hưởng lợi từ điều này.

Hầu hết các doanh nghiêp niêm yết Việt Nam đều được định giá theo phương pháp P/E, tức dựa trên lợi nhuận hàng năm chứ không thiên về định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền nên giá cổ phiếu sẽ phụ thuộc chính vào sức khỏe và tăng trưởng của doanh nghiệp.

Do đó, theo phân tích, thị trường Việt Nam có khả năng không bị ảnh hưởng giống như thị trường Mỹ từ lo ngại tăng lợi suất trái phiếu chính phủ.

Một thông tin về nhóm cổ phiếu rất cụ thể nhưng có thể có tác động lan tỏa là ngày 20/2/2021 vừa qua, JP Morgan đưa ra báo cáo đánh giá các cổ phiếu ngân hàng Việt nam hấp dẫn để đầu tư nhất khu vực và tăng giá mục tiêu với 3 ngân hàng ACB, TCB, VPB trong một năm lên thêm 22 - 25% nhờ tăng trưởng lợi nhuận.

Do đó, 1.200 điểm hay các mốc cao hơn của VN-Index cũng chỉ là những con số và việc thị trường “dập dình” trước các mốc này mang áp lực tâm lý nhiều hơn.

Điều mà Đầu tư Chứng khoán muốn đề cập là sức cầu đầu tư còn rất lớn và sẽ còn lớn hơn trên nền tảng sáng sủa của nền kinh tế, vấn đề của nhà đầu tư là chọn cổ phiếu nào, còn vấn đề của nhà điều hành thị trường là nhìn thấu những trở ngại nội tại để thị trường tăng trưởng mạnh về lượng, từ đó có đột phá về chất.

Người quan sát

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-chung-khoan-viet-nam-nhin-thau-tro-ngai-noi-tai-post263063.html