Nhìn thẳng vào sự thật để sửa đổi pháp luật kinh doanh

Luật Doanh nghiệp đã giúp mở ra con đường tự do kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Nhưng sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật vẫn là điều đáng phải bàn, để sao cho phù hợp với thực tiễn cũng như thông lệ quốc tế. Chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các nhà làm luật phải lắng nghe doanh nghiệp, phải đi vào thực tế để tạo ra hệ thống pháp luật đủ chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo mọi hoạt động kinh tế được thông thoáng.

Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi của hoạt động kinh doanh qua những lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp?

Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi của hoạt động kinh doanh qua những lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp?

- Trước khi Luật Doanh nghiệp được ban hành, để doanh nghiệp được thành lập, phải có 35 chữ ký 30 con dấu khác nhau nên thời gian và chi phí thành lập doanh nghiệp cực lớn. Đến khi Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty 1991 được ban hành thì mới tạo ra một loạt vấn đề phải qua điều tra thực tế mới thấy. Bởi khi luật có hiệu lực nhưng các địa phương lại không hề có động tĩnh, nguyên nhân là các địa phương chưa hiểu, thậm chí chưa biết về Luật này. Vì thế, điều này dẫn đến một tình huống là lãnh đạo một địa phương cho biết, Chủ tịch tỉnh có quyền cho phép người nào lập, người nào không được lập doanh nghiệp. Tương tự, một vị chủ tịch tỉnh Khánh Hòa thấy địa phương nhiều khách sạn quá nên tự ra quyết định cấm xây mới khách sạn. Nhưng sau khi nghe phân tích là nếu cấm xây khách sạn, các khách sạn cũ liên kết tăng giá, ảnh hưởng đến du lịch thì vị này mới bỏ quy định đó…

Kể lại những câu chuyện cũ để cho thấy, Luật Doanh nghiệp mới là đóng góp rất lớn cho cải cách thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh ở nước ta. Chính Luật Doanh nghiệp đã khởi xướng, cắt giảm giấy phép con, xem xét về sự quản lý của bộ máy nhà nước. Nhưng việc sửa đổi Luật này cũng là cuộc đấu tranh gay gắt, giữa một bên là bảo vệ quyền tự do kinh doanh theo pháp luật, thực thi pháp luật nghiêm túc, với một bên là bảo vệ lợi ích nhóm cho các bộ, ngành. Cho đến hiện nay, công tác đấu tranh này vẫn cần được đẩy mạnh để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

Dù đã có nhiều thay đổi, nhưng Luật Doanh nghiệp hiện nay vẫn còn những vướng mắc ra sao, thưa ông?

- Luật Doanh nghiệp hiện nay vẫn phải sửa, phải bổ sung, ví dụ như các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh doanh mới, công nghệ mới như về thương mại điện tử, hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử, hộ kinh doanh… phải bổ sung vào luật này. Nhưng sửa Luật Doanh nghiệp đồng nghĩa với việc phải sửa các luật khác liên quan, nhất là các quy định đang bảo vệ lợi ích nhóm của các bộ, ngành. Hiện quy trình từ luật tới nghị định, tới thông tư hướng dẫn… là miếng đất màu mỡ tạo ra rủi ro, lạm dụng, tạo ra hậu kiểm, thanh tra, chi phí ngoài pháp luật… Vì thế, các cơ quan soạn thảo cần tạo điều kiện để các luật khác cũng được sửa đổi tương thích để thực thi hiệu quả quyền tự do kinh doanh.

Việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là vấn đề đang gây nhiều tranh cãi, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

- Trước hết, cần phải nói, quy chế quản lý giữa doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh là khác nhau. Hộ kinh doanh không phải tuân thủ chặt chẽ về luật kế toán, chứng từ, thuế… Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn nhưng vẫn đăng ký là hộ kinh doanh, không muốn lên doanh nghiệp vì chúng ta kiểm soát, giám sát doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp chặt chẽ hơn. Vì thế, việc đưa những doanh nghiệp trá hình hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp là rất cần thiết, để tạo sự công bằng, bình đẳng; nhưng không nên đưa hộ kinh doanh cá thể quá nhỏ thành doanh nghiệp vì họ khó có thể đáp ứng tất cả yêu cầu của kế toán, thống kê. Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ này cần quy chế quản lý thích hợp hơn.

Kinh nghiệm tại Đức cho thấy, họ không thúc các hộ kinh doanh này chuyển đổi lên thành doanh nghiệp, mà có những hỗ trợ để các hộ kinh doanh thực thi pháp luật tốt hơn rồi mới tính đến chuyện thu thuế. Theo đó, Chính phủ Đức tặng cho mỗi hộ kinh doanh một bộ máy tính, có kết nối với các cơ quan thuế, kế toán… để họ thực thi đúng luật về thuế, kế toán, chứng từ và cơ quan nhà nước có thể quản lý được. Còn tại Việt Nam hiện nay, với sự ra đời của thương mại điện tử, nhiều hộ kinh doanh vẫn đang tìm cách lách luật, trốn thuế nên phải có sự kiểm soát cũng như tìm giải pháp khuyến khích các hộ kinh doanh làm theo luật.

Từ những vấn đề nêu trên, theo ông, nhìn chung, Luật Doanh nghiệp phải có những sửa đổi như thế nào?

- Luật Doanh nghiệp phải góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như cải thiện môi trường kinh doanh, vì thế, các cơ quan soạn thảo phải lắng nghe doanh nghiệp, phải nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật và làm rõ sự thật. Điều này sẽ giúp Luật Doanh nghiệp mới có được những điều khoản sát với thực tiễn doanh nghiệp, đưa ra những giải pháp cụ thể để thúc các doanh nghiệp phát triển. Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp cũng phải tương thích với tiêu chuẩn quốc tế, giảm thời gian và chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, qua đó thu hút đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Phải thay đổi, tăng cườngnội lực

Sau 20 năm có Luật Doanh nghiệp, đất nước có sự thay đổi to lớn về sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Từ chỗ doanh nghiệp chỉ hoạt động với thủ tục rườm rà, tốn kém, làm nhụt hết ý chí kinh doanh thì tại Luật Doanh nghiệp 1999, doanh nghiệp đã được tự do kinh doanh, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh. Chỉ riêng năm đầu 2000 khi có Luật đã có tới 20.000 doanh nghiệp mới thành lập, trong khi 10 năm trước đó chỉ có 40.000 doanh nghiệp. Những năm sau này, doanh nghiệp càng tăng lên mạnh mẽ, tính đến cuối năm 2018, cả nước có 714.755 DN đang hoạt động. Chính vì thế, Nghị quyết của Đảng đã coi khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Như vậy, nhận thức của xã hội, của cơ quan quản lý với doanh nghiệp tư nhân đã tăng dần lên. Nhưng đẩy Việt Nam vào việc lệ thuộc quá nhiều vào các nguồn lực bên ngoài, khối FDI hiện đóng góp hơn 50% giá trị sản lượng công nghiệp hay 70% giá trị xuất khẩu. Do đó, chúng ta phải thay đổi, tăng cường nội lực, tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân Việt Nam thực hiện quyền kinh doanh, làm ăn của mình.

Về việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, theo tôi phải có sự tính toán kỹ lưỡng. Bởi hiện có tới 5 triệu hộ kinh doanh, gấp 8 lần số doanh nghiệp hiện nay, nếu đưa vào số lượng lớn như thế thì nền kinh tế có “tiêu hóa” được không, hay luật có đủ thiết kế để bao trùm, thực hiện được với tất cả đối tượng… Bài học từ Luật Doanh nghiệp 2005 khi đưa doanh nghiệp nhà nước vào Luật Doanh nghiệp đã thấy khó như thế nào. Do vậy, nếu có đưa các hộ kinh doanh vào thì nên tạo môi trường kinh doanh, khuyến khích hộ kinh doanh có thể chuyển thành doanh nghiệp, hoặc có nghị định riêng với hộ kinh doanh để hộ kinh doanh phát triển được.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Dùng một luật sửa nhiều luật

Qua rà soát, VCCI thấy rằng, có rất nhiều xung đột pháp luật, đặc biệt nếu đi đến các địa phương sẽ gặp rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đất đai, xây dựng bất động sản gặp những vấn đề rất phức tạp. Việc chồng chéo luật sẽ dẫn đến nhiều hệ quả, khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp; mất thời gian đi lại, nộp nhiều hồ sơ; chi phí giao dịch tốn kém; tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra; đình trệ hoạt động; rủi ro nguy cơ vi phạm pháp luật… Vì thế, giải pháp là phải có sự phối hợp, thống nhất giữa các ban soạn thảo luật, dùng một luật sửa nhiều luật.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn VABIS: Lo ngại về cách vận hành pháp luật kinh doanh

Cơ chế vận hành của pháp luật kinh doanh Việt Nam có vấn đề. Ở Australia, hệ thống luật pháp luật chia làm 2 vế, Quốc hội chỉ lo về luật, là tổng thể chiến lược, còn các bộ, ngành vận hành quy trình quy phạm trên cơ sở luật pháp. Tôi có trường đua chó ở Vũng Tàu rồi xây thêm trường đua chó ở Hà Tĩnh, việc xây dựng chỉ mất 2 năm là xong. Sau 3 năm Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế ra đời khiến tôi tắc, dù có cả giấy phép đầu tư, giấy phép kinh doanh tuy nhiên trong nghị định có chữ cá cược thì tôi không có. Mà từ thời điểm trước xin giấy phép đầu tư thì không có chữ cá cược. Giờ xét theo Nghị định mới thì chúng tôi không có trong quy hoạch, phải xin lại quy hoạch của Thủ tướng. Tôi có 900 con chó và 100 con ngựa, sáng ăn, trưa ăn, chiều ăn. Tốn kém rất nhiều mà bây giờ bỏ đi thì không nỡ. M.Chi (thực hiện)

Minh Chi (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nhin-thang-vao-su-that-de-sua-doi-phap-luat-kinh-doanh-115711-115711.html