Nhìn ra thế giới: Cuộc đua tiến vào kỷ nguyên của nền kinh tế vũ trụ

Khi vũ trụ trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các doanh nghiệp tư nhân. Rất nhiều công ty đang mong muốn khiến cho việc phóng các vật thể lên quỹ đạo, không chỉ trở nên khả thi, mà còn thân thiện với túi tiền. Hiện nay, một công ty khởi nghiệp có tên là Astra đã tiến gần đến việc phóng một tên lửa với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với các đối thủ cạnh tranh...

PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ VŨ TRỤ - Xu hướng mới định hình tương lai

Ông CHRIS KEMP, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Astra: "Tôi tên là Chris Kemp, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Astra. Chúng ta đang có mặt trong nhà máy tên lửa, đặt ngay phía bên kia cây cầu tại San Francisco, Alameda California. Tôi nghĩ rằng Astra thực sự cung cấp một dịch vụ độc nhất. Không một nơi nào khác trên trái đất này có khả năng phóng bất cứ thứ gì vào vũ trụ chỉ trong một vài ngày, chỉ với sự tham gia của một vài nhân lực. Vào những ngày đầu tiên, chúng tôi đã bắt đầu với việc bàn luận về cách xây dựng nên một nhà máy sản xuất tên lửa. Và ý tưởng này bắt nguồn từ suy nghĩ rằng, khi bạn có thể sản xuất ra thứ gì đó với số lượng lớn, thì giá thành sẽ giảm đáng kể. Chúng tôi đang xây dựng nên những ngôi nhà, chứ không phải là tạo ra những chiếc xe Ferrari. Chúng tôi không sử dụng các nguyên liệu kỳ lạ như hỗn hợp sợi carbon hay các máy in 3D, vốn là những thứ mà các công ty khác nói đến rất nhiều. Thực chất các nguyên liệu này rất đắt đỏ và khó để mở rộng quy mô sản xuất. Vì vậy, chúng tôi tạo ra các tên lửa từ nhôm. Chúng tôi uốn cong, chúng tôi hàn, chúng tôi đóng, chúng tôi cắt nhôm. Và triết lý của chúng tôi là, chúng ta có thể tạo ra các tên lửa, cũng giống như cách mà ta tạo ra máy bay, hay ô tô vậy. Chúng tôi có thể tạo ra mô hình kinh tế phù hợp để sản xuất ra các tên lửa cỡ lớn.”

Vũ trụ mà Astra bước chân vào khá đông đúc, và được đầu tư hào phóng. Thủ lĩnh cuộc đua, rõ ràng là SpaceX. Với các tên lửa Falcon 9, Falcon Heavy và Falcon Super Heavy. Một người dẫn đầu khác là công ty Rocket Lab, có trụ sở tại New Zealand, với các tên lửa Electron và Neutron. Astra đã công bố 2 mẫu tên lửa khác nhau, một nhỏ và một lớn, và tuyên bố rằng các tên lửa này đều được tạo nên với chi phí rẻ hơn, và thời gian nhanh hơn so với các đối thủ khác.

Ông ASHLEE VANCE, Phóng viên Bloomberg Businessweek: “Trong khoảng 100 năm, các quốc gia như Mỹ, Đức, Nga và Trung Quốc đã tạo nên các tên lửa kích thước nhỏ, sử dụng nhiên liệu lỏng. Công ty tư nhân đầu tiên thực sự thành công trong việc chế tạo tên lửa là trường hợp của SpaceX vào năm 2008. Từ bàn tay trắng, SpaceX mất 7 năm để phóng thành công tên lửa đầu tiên. Mục tiêu của Astra là cắt giảm khoảng thời gian chờ đợi này một cách nhiều nhất có thể, phát triển và sản xuất tên lửa với tốc độ nhanh hơn mọi đối thủ cạnh tranh trong lịch sử.”

“Trong một vài năm tới, tại cơ sở sản xuất này, chúng tôi sẽ nâng cao sản lượng của mình, từ sản xuất hàng tháng, lên sản xuất hàng tuần vào năm 2023, nửa tuần vào năm 2024, tiến tới năng suất hàng ngày vào năm 2025. Và bằng việc phóng một tên lửa mỗi ngày, chúng tôi có thể hạ chi phí xuống còn nửa triệu đô la. Chúng tôi sẽ bán dịch vụ phóng tên lửa với giá vài triệu đô la. Tên lửa có khả năng mang theo đồ vật nặng từ 3 – 500 kg tới vùng quỹ đạo thấp.”

Tham vọng của Astra nảy sinh từ nhu cầu khổng lồ đối với việc phóng các vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo tầm thấp của trái đất. Các công ty khởi nghiệp đang xếp hàng để được quá giang trên những tên lửa lớn hơn. Họ thường phải chờ vài tháng, đến vài năm mới đến lượt.

“Khoảng 5 năm trước đây, một trong những người bạn thân của tôi đã lập nên Planet – công ty tiên phong trong chế tạo các vệ tinh cỡ nhỏ. Họ gặp rất nhiều khó khăn để phóng vệ tinh lên quỹ đạo. Sau khi dành nhiều tháng gặp gỡ với các công ty tên lửa, anh ấy nhận ra rõ ràng rằng, anh ấy cần phải đạt được khả năng phóng vệ tinh từ bất cứ nơi nào trên trái đất, tới bất cứ nơi đâu ngoài không gian, theo chính lịch trình của anh ấy, chứ không phải phụ thuộc vào lịch trình của một vệ tinh lớn.”

“Nếu bạn là một nhà sản xuất vệ tinh nhỏ, ví dụ như bạn muốn lên một tên lửa SpaceX. Chi phí cho một lần phóng tên lửa SpaceX rơi vào khoảng 60 triệu đô la Mỹ. Thường sẽ có 1 hoặc 2 vệ tinh lớn trên tên lửa đó. Và chúng là phần trọng tải gánh phần lớn chi phí. Tất cả các công ty khởi nghiệp muốn trở thành thứ mà họ thường gọi là trọng tải thứ cấp. Họ sẽ đính kèm với các vệ tinh lớn. Có thể hiểu rằng, họ trả tiền để trở thành “công dân hạng hai” trên chiếc tên lửa đó. Các vệ tinh lớn sẽ trả tiền để trang trải chi phí cho vụ phóng tên lửa. Họ sẽ được thả chính xác vào các quỹ đạo mà họ mong muốn. Sau đó, các vệ tinh “thứ cấp” sẽ được thả xuống. Thông thường, các vệ tinh này sẽ phải sử dụng các máy đẩy tí hon của mình để di chuyển trong không gian, tự đẩy mình vào đúng quỹ đạo mong muốn. Hầu như không có đảm bảo nào được đưa ra, rằng các vệ tinh này sẽ được đưa đến đúng vị trí.”

Các công ty như Planet Labs hướng đến mục tiêu phóng các vệ tinh có kích thước nhỏ ra không gian xung quanh trái đất, tạo thành vị trí như một chòm sao. Các vệ tinh có thể thực hiện một loạt nhiệm vụ được tính toán, sử dụng các dữ liệu được thu thập quanh trái đất. Vì các vệ tinh này có kích thước rất nhỏ, và ở quỹ đạo tầm thấp của trái đất, nên chúng sẽ bốc cháy ngay trong bầu khí quyển sau một khoảng thời gian nhất định, chứ không góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề rác thải vũ trụ.

Khi ngày càng có nhiều công ty nỗ lực xây dựng một hệ thống như vậy, nhu cầu tiến vào vũ trụ một cách dễ dàng trở nên ngày càng lớn hơn. Đó là bối cảnh Astra được hình thành.

“Ý tưởng về những tên lửa cỡ nhỏ bắt nguồn từ việc bạn muốn có một tên lửa cho riêng mình để tiến vào vũ trụ, đưa vệ tinh của bạn lên quỹ đạo chính xác mà bạn mong muốn. Và điều quan trọng hơn thế, là bạn sẽ không phải chờ đợi hàng tháng, hàng tháng trời để tìm kiếm một tên lửa được phóng đi. Tất cả các ý tưởng này có thể được hiện thực hóa bởi Astra. Bạn chỉ cần vào một trang web, đặt một cuộc phóng tên lửa, gửi vệ tinh của bạn cho họ, và hy vọng rằng, trong một vài tuần thôi, vệ tinh của bạn sẽ được phóng lên quỹ đạo. Chúng ta chưa bao giờ chứng kiến việc tiến vào không gian ở tốc độ nhanh đến như vậy.”

“Điều đó cũng tương tự như: Amazon sở hữu những nhà kho rộng lớn và xe tải chở hàng. Bạn sẽ không bao giờ có thể hạ cánh một chiếc máy bay Airbus 380 trên một con phố đông đúc để giao một gói hàng đến tận tay cho tôi. Thay vào đó, sẽ có một chiếc xe tải nhỏ đỗ trước cửa nhà bạn, một nhân viên sẽ bước ra từ đó và giao hàng đến cho bạn. Chúng ta hãy nhìn lại 10 năm vừa qua. Đã có khoảng 400 công ty được thành lập để giải quyết các vấn đề mới phát sinh mà theo tôi là rất thú vị. Xem xét cách trái đất vận hành, theo dõi mùa màng. Giúp chúng ta nhìn thấy hoạt động đánh bắt cá được triển khai như thế nào. Giúp chúng ta tìm ra cách thức ngăn cản các rạn san hô bị hâm nóng quá mức. Giúp chúng ta hiểu được cách thức vận hành của thời tiết. Tôi không thể tưởng tượng được hết những ứng dụng của vệ tinh trong thời đại ngày nay.”

Trong bối cảnh các chuyến bay vào vũ trụ đang ngày càng trở nên chật chội. Thì trên thực tế, tỉ lệ thành công lại ở mức cực kỳ thấp. Hơn 20 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tên lửa đã thất bại. Và có ít nhất 80 công ty khác đang nỗ lực để tiến vào vũ trụ. Chỉ có 2 công ty tư nhân là SpaceX và Rocket Lab có thể thường xuyên thực hiện các chuyến bay vào vũ trụ. Và Asrta đang dần tiến tới việc trở thành công ty thứ 3 trong lĩnh vực này.

“Astra đã hoạt động được khoảng 4-5 năm. Và họ thực tế đã làm rất tốt, theo nhiều nghĩa. Họ đã tới được Alaska và thực hiện cuộc phóng tên lửa đầu tiên chỉ trong vòng 2 năm. Đó thực sự là một vụ phóng lịch sử. Nhược điểm của vụ phóng đó là tên lửa đã bị nổ tung. Họ đã thử thêm một vài lần nữa. Và sau đó, vào cuối năm 2020, họ đã đạt được một thành công rất lớn. Tên lửa của họ đã chạm tới rìa của vùng quỹ đạo thấp của trái đất, chỉ cách một vài mét. Giờ chúng ta biết được rằng, tên lửa của họ có thể hoạt động được.”

Công ty này cũng kế hoạch phóng một tên lửa khác vào cuối năm 2021, song song với đó là nỗ lực đạt tới khả năng vận hành các chuyến bay thương mại. Mục tiêu cuối cùng mà họ mong muốn là có khả năng phóng 1 tên lửa mỗi ngày. Điều này được kỳ vọng có thể giúp số lượng các vệ tinh được đẩy lên quỹ đạo tăng theo cấp số nhân.

“Đây là một thời điểm vô cùng thú vị. Có lẽ nhiều người không để ý rằng, vào thời điểm khởi đầu năm 2021, có khoảng 22.200 vệ tinh hoạt động xung quanh trái đất. Nếu bạn theo dõi các vụ phóng được thực hiện bởi hàng loạt công ty tên lửa và vệ tinh, thì có thể dự đoán rằng, số vệ tinh quanh trái đất có thể tăng lên 50.000 – 100.000 chiếc trong vòng 5-10 năm tới. Đây là câu chuyện công nghệ sẽ định hình thế giới. Đây là câu chuyện về hạ tầng máy tính. Những điều này đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta, và chỉ trong vòng 1 vài năm tới, các công ty sản xuất tên lửa và vệ tinh sẽ ngày càng hoạt động mạnh mẽ hơn nữa, ở mức khó có thể tin được. Các cường quốc trên thế giới đều hiểu rõ các luật lệ mới để bước chân vào kỷ nguyên mới này. Các chính quyền không thể quản lý được nguồn tài nguyên ngoài vũ trụ, vốn là nguồn tài nguyên được đánh giá cao nhất ở thời điểm hiện tại. Bất cử ai có đủ tiềm lực về tài chính, với tên tuổi được công nhận, sẽ đều có thể tiến vào không gian và làm những điều thú vị tại đó."

“Khách hàng của chúng tôi sẽ hiện thực hóa được ước mơ vươn tới những vì sao của mình, để từ đó có thể nâng cao chất lượng cuốc sống trên trái đất, chỉ trong vòng vài tháng, thay vì phải tốn hàng năm trời. Và đó cũng chính là mục đích của chúng tôi. Chỉ trong một vài năm tới, mọi người sẽ thấy, chúng tôi sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn để biến vũ trụ trở thành một nền tảng cho các doanh nhân trên toàn thế giới.”

KHẲNG ĐỊNH TIỀM LỰC QUỐC GIA

Chinh phục vũ trụ từ lâu đã là mơ ước của con người. Tiến vào vũ trụ, cũng chính là mở ra tiềm năng và các cơ hội vô hạn. Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ là những quốc gia tiên phong trên toàn cầu trong cuộc đua vào không gian.

Và mới nhất, Hàn Quốc cũng đã bày tỏ tham vọng hòa mình vào cuộc chơi, với việc phóng tàu thăm dò mặt trăng đầu tiên của nước này.

Tàu thăm dò Danuri (có nghĩa là “Thưởng trăng”), được phóng lên từ Mỹ bằng tên lửa Falcon 9 do công ty hàng không vũ trụ SpaceX phát triển, dự kiến sẽ tới quỹ đạo của Mặt Trăng vào giữa tháng 12 trong sứ mệnh nghiên cứu dữ liệu kéo dài một năm.

Vụ phóng nếu thành công sẽ đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới, và là quốc gia thứ 4 ở châu Á (sau Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ), có các hoạt động nghiên cứu Mặt Trăng từ vũ trụ. Đây cũng là bước tiến đầu tiên để Hàn Quốc có thể tham gia vào nền kinh tế vũ trụ.

Bay vòng quanh Mặt trăng 100km, tàu Danuri sẽ thực hiện các sứ mệnh khoa học, hỗ trợ việc đánh giá các nguồn tài nguyên trên Mặt trăng như băng nước, uranium, helium-3, silicon và nhôm, tìm địa điểm hạ cánh cho tàu vũ trụ trên Mặt trăng, đo từ trường và tia gamma đồng thời thử nghiệm giao tiếp internet trên không gian.

Ngoài việc hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu liên quan đến không gian, Chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ mở ra kỷ nguyên của nền kinh tế vũ trụ, đồng thời giúp các khu vực công và tư nhân tạo ra lợi ích kinh tế thông qua nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp vũ trụ, các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến không gian.

Kinh tế vũ trụ bao gồm các ngành công nghiệp sản xuất liên quan đến hàng không vũ trụ, khai thác các nguồn tài nguyên quý hiếm trên không gian và dịch vụ khai thác du lịch không gian. Năm 2017, Công ty dịch vụ tài chính Morgan Stanley dự đoán ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu sẽ tăng quy mô từ 348 tỷ USD ở thời điểm đó lên khoảng 1.000 tỷ USD vào năm 2040. Ngân hàng đa quốc gia Bank of America từng dự đoán rằng ngành này sẽ tăng trưởng quy mô lên 1.400 tỷ USD vào năm 2030. Dự đoán, ngành kinh tế này sẽ tiếp tục phát triển sôi động, với sự chạy đua của không chỉ các cường quốc, mà còn thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và các công ty khởi nghiệp năng động.

Thực hiện : Kim Ngọc

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nhin-ra-the-gioi-cuoc-dua-tien-vao-ky-nguyen-cua-nen-kinh-te-vu-tru