Nhìn ra các nước

Không ít quốc gia trên thế giới đề cao môn Giáo dục thể chất (GDTC) trong nhà trường. Theo các chuyên gia, học sinh nên được dạy để có tình yêu với giáo dục thể chất, thay vì trở nên giỏi hơn trong môn học này.

HS tại một trường ở San Francisco (Mỹ) nhảy dây trong giờ thể dục.

HS tại một trường ở San Francisco (Mỹ) nhảy dây trong giờ thể dục.

Tầm quan trọng của môn học

Nhận thức được tầm quan trọng của GDTC, không ít quốc gia phát triển đã hướng HS tham gia các trò chơi thể thao từ rất sớm. Tại Nhật Bản, bên cạnh hoạt động học tập, vui chơi, các trường mầm non nước này luôn chú trọng đến việc phát triển thể chất cho trẻ. Các bé chưa đến 1 tuổi đã tham gia thi đấu thể thao, dù chỉ mới biết bò hoặc chập chững đi. Bên cạnh đó, HS mầm non được tham gia lớp học nhảy hay thậm chí là đá bóng.

Mỗi năm, HS Nhật Bản đều được tham gia ngày hội thể thao. Để chuẩn bị cho ngày này, các em phải tập luyện với cường độ cao và nghiêm túc ở các môn như thể dục nhịp điệu, chạy, múa… Những hoạt động như vậy giúp trẻ có được tinh thần đồng đội, tính kỷ luật, sức chịu đựng, kiên trì và có sức khỏe tốt.

Tại Mỹ, hầu hết trường học đều sử dụng Bộ Tiêu chuẩn Quốc gia (National Standards) để phát triển hoặc sửa đổi các quy chuẩn, khuôn khổ và chương trình giảng dạy hiện hành. Trong đó, tiêu chuẩn đầu tiên và quan trọng nhất là HS phải thể hiện được các kỹ năng vận động, kiểu chuyển động đa dạng; vận dụng lý thuyết về khái niệm, nguyên tắc, chiến lược, chiến thuật trong chuyển động và phương thức thực hiện.

Bên cạnh đó, người học cũng phải thể hiện kiến thức và kỹ năng cần thiết để duy trì hoạt động thể dục thể thao ở cấp độ tăng cường sức khỏe. Từ những hoạt động thể chất này, HS sẽ được rèn giũa để có thái độ đúng mực với cá nhân và cộng đồng, biết tôn trọng bản thân và những người xung quanh, tăng cường khả năng thể hiện bản thân và tương tác xã hội.

Cần chương trình phù hợp

Tại Canada, hơn 95% trẻ em không hoạt động đủ nhiều. Ngoài ra, hơn 65% dân số nước này rơi vào tình trạng thừa cân. Vào thời điểm trẻ em cần GDTC hơn bao giờ hết, có vẻ như các giáo viên dạy môn học này ngày càng ít hơn khi các trường học tại Canada thực hiện giảm chương trình môn học này.

Một nghiên cứu dài hạn của Australia đã chỉ ra rằng, các lớp học GD thể chất do những giáo viên được đào tạo đặc biệt sẽ mang lại kết quả đáng kể về sức khỏe và thành tích học tập ở người học.

Tuy nhiên, đối với nhiều HS, GD thể chất là môn học đáng sợ. Tại Texas (Mỹ), chính phủ đã đưa ra Chương trình Thể hình Texas trị giá 37 triệu USD nhằm cải thiện thể lực, thành tích học tập và hành vi của HS, bằng cách yêu cầu họ tham gia GDTC mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu kết luận, phương pháp này không có tác động tích cực đến kết quả GD và sức khỏe của trẻ em.

Chương trình cũng yêu cầu HS tham gia ít nhất 30 phút học thể dục/ngày. Các trường tham gia được nhận tài trợ trung bình 10.000 USD để mở thêm các lớp thể dục, hoặc thuê huấn luyện viên. Khoản tiền này còn được sử dụng để mua các thiết bị như đồng hồ bấm giờ, dây nhảy và tạ. Tuy nhiên, kết quả từ một nghiên cứu cho thấy, chương trình đã dẫn đến sự gia tăng khoảng 16% hành động kỷ luật đối với mỗi HS và tỷ lệ HS cư xử không đúng mực đã tăng hơn 7%.

Analisa Packham, Giáo sư kinh tế tại ĐH Miami ở Ohio (Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu cho rằng, nhiều khả năng HS sẽ bị bắt nạt trong giờ GDTC ở trường. Đặc biệt, những HS thừa cân hoặc không giỏi trong GD thể chất sẽ bị trêu chọc khi sử dụng phòng thay đồ - nơi sự giám sát của người lớn bị hạn chế.

Làm sao để hiệu quả?

Theo ông Harold Kohl, Giáo sư về GD sức khỏe tại ĐH Texas ở Austin, để có hiệu quả, một chương trình GDTC cần phải đa dạng và toàn diện. Môn học có thể liên quan đến các lớp về dinh dưỡng và sống lành mạnh, GD cha mẹ, thay vì chỉ là các lớp thể dục thông thường.

Ông Justin Cahill, cựu giáo viên GDTC tại một trường tư thục ở Atlanta, nhấn mạnh rằng, môn học này có xu hướng tập trung vào việc trẻ em đạt được các kỹ năng, như rê bóng và thực hiện các tiêu chuẩn chung, chẳng hạn như khả năng chạy quanh đường đua 3 lần trong một khoảng thời gian cụ thể. Tuy nhiên, kết quả tích cực phụ thuộc vào một thiết kế toàn diện và truyền cảm hứng cho trẻ em tập thể dục. Ngoài ra, ông Cahill nhấn mạnh, giáo viên sẽ là những người cần thay đổi chương trình giảng dạy GD thể chất để đáp ứng nhu cầu của HS.

Chia sẻ với truyền thông, Tiến sĩ Richard Telford, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu LOOK khẳng định, GDTC không phải là để trẻ em chơi thể thao tốt hơn, mà là phát triển tình yêu hoạt động thể chất.

Theo ghi nhận của ông Chris Jones, Giám đốc Điều hành GD thể chất và sức khỏe (PHE) Canada, giáo viên thể dục không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn phải quen thuộc với các kỹ năng vận động cơ bản để có thể nhận ra hình thức phù hợp và giúp HS xây dựng các kỹ năng này trong một môi trường vui vẻ, tích cực. Nếu HS không phát triển kiến thức cơ bản về thể chất, họ có nhiều khả năng sẽ có một lối sống ít vận động và không lành mạnh.

Ông Jones cũng cho biết, các bang tại Canada như: Manitoba, Quebec, Nova Scotia, Đảo Hoàng tử Edward và New Brunswick đều thuê các chuyên gia để dạy GDTC.

Giá trị mà GDTC có thể mang lại là khi trẻ được dạy bởi một giáo viên nhiệt tình, được học những kỹ năng cơ bản cho phép chúng tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau, được nâng cao sự tự tin.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/nhin-ra-cac-nuoc-3835425.html