Nhìn lại vết nhơ thi cử ở Hà Giang theo tiến trình thời gian

Chỉ vẻn vẹn 1 tuần từ ngày 11/7 đến ngày 18/7 chuyện vết nhơ thi cử ở Hà Giang đã khiến người dân cả nước hết sức ngỡ ngàng, đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

114 thí sinh với 330 bài thi có tổng điểm sai lệch, không biết đây là cú lừa ngoạn mục nhất của năm hay bấy lâu nay chúng ta đã quá ngây thơ?

“Không có lửa làm sao có khói”

Chuyện điểm thi ở Hà Giang bắt đầu làm cả nước xôn xao từ khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia 2018. Ngay khi biết điểm thi, dư luận đã đặt ra nghi vấn trong khi mặt bằng chung điểm thi cả nước năm nay khá thấp thì tỉnh Hà Giang lại chẳng thiếu những thí sinh đạt điểm cao.

Đây cũng sẽ không phải là nghịch lý nếu Hà Giang không thuộc nhóm những tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất nước (cụ thể là 89,35% trong khi cả nước là 97,57%). Không chỉ có tỷ lệ tốt nghiệp thấp, điểm thi thử của các thí sinh ở Hà Giang cũng chẳng khả quan là mấy, vậy mà đây là tỉnh có 3 thí sinh lọt top những em đạt điểm cao nhất trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay.

Sau khi nhìn lại tổng quát kết quả điểm thi THPT quốc gia ở Hà Giang năm nay, không khó để nhận ra những điểm bất thường như sau:

Theo kết quả điểm môn Vật lý, trong tổng số 961 thí sinh có 65 em đạt từ 9 trở lên; 28 thí sinh đạt từ 8 điểm đến dưới 9.

Với môn Toán, trong tổng số 5433 thí sinh những em có mức điểm 8-9 là 70 em; số thí sinh có điểm từ 9 trở lên là 37 em.

Ông Vũ Khắc Ngọc (giáo viên ở Hà Nội) đặt vấn đề điểm thi của Sở GD&ĐT Hà Giang "có bất thường". Giáo viên này cho rằng mức điểm càng cao, số lượng thí sinh đạt được càng ít, nhất là năm nay đề thi khó. Xét trên bình diện chung, số thí sinh đạt 9-10 điểm chỉ bằng 1/8-1/6 số đạt 8-9 điểm mới hợp lý.

Với riêng môn Vật lý, tỉnh Hà Giang có 65 điểm 9 đến 10, và có 28 bài đạt mức 8 đến 9 điểm. Tức là, số thí sinh đạt 9 đến 10 điểm gấp đôi số thí sinh đạt 8 đến 9 điểm.

Biểu đồ so sánh mức điểm liệt và điểm cao của Hà Giang và hai thành phố lớn

Đây quả là mức điểm đáng “ngưỡng mộ” so với mặt bằng trung của cả nước năm nay, nhưng cũng vì số điểm cao đến bất ngờ này mà cộng đồng mạng đã không khỏi nghi ngờ và muốn làm rõ về những kết quả này.

Vậy nhưng ngày 12/7, ông Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang - cho hay ông đã biết thông tin vụ việc qua tổ nắm bắt dư luận xã hội của sở. Ông Sử khẳng định mọi khâu về coi thi, chấm thi của Sở GD&ĐT Hà Giang đều được thực hiện nghiêm ngặt.

Hành trình khám phá sự thật

Sau khi dấy lên nghi ngờ trong lòng công chúng, Bộ GD&ĐT đã ngay lập tức vào cuộc để làm rõ về vấn đề điểm thi THPT quốc gia ở Hà Giang năm nay.

Kết quả không nằm ngoài dự đoán nhưng vẫn khiến mọi người không khỏi sửng sốt trước những con số “khổng lồ”.

Theo kết quả rà soát về điểm thi ở Hà Giang, có tổng cộng 114 thí sinh với 330 bài thi đã được
“hack điểm” một cách thần kỳ.

Riêng với các bài thi tự luận môn Ngữ văn, đã đối chiếu điểm thi ở trên bài thi của tất cả các thí sinh với biên bản thống nhất điểm. Đối chiếu kết quả thi trên biên bản thống nhất điểm với kết quả đã công bố, kết quả cho thấy hoàn toàn chính xác, trùng khớp.

Tuy nhiên, điều đáng nói là các bài thi trắc nghiệm, qua xác minh cho thấy những bài thi này có dấu hiệu được nâng cao kết quả một cách bất thường.

Cụ thể, có 102 bài thi Toán đã chênh lệch từ 1,0 điểm đến 8 điểm (Nghĩa là điểm chấm thẩm định là 1,0 điểm; đã công bố là 9,0 điểm).

Có 85 bài thi Vật lý đã chênh lệch lên từ 1,0 điểm đến 7,75 điểm (Nghĩa là điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 8, 75 điểm).

Có 56 bài thi Hóa đã chênh lệch từ 1,0 điểm đến 8,75 điểm (Nghĩa là điểm chấm thẩm định là 0,75 điểm; điểm đã công bố là 9,5 điểm).

Có 8 bài thi môn Sinh đã chênh lệch lên từ 1,0 điểm đến 4,25 điểm (Nghĩa là điểm chấm thẩm định là 4,25 điểm; điểm đã công bố là 9,0 điểm).

Có 9 bài thi Lịch sử đã chênh lệch lên từ 1,0 điểm đến 7,25 điểm (Nghĩa là điểm chấm thẩm định là 2,5 điểm; điểm đã công bố là 9,75 điểm).

Có 3 bài thi Địa lý đã chênh lệch từ 1, 25 điểm đến 3,0 điểm (Nghĩa là điểm chấm thẩm định là 6,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm).

Có 52 bài thi Tiếng Anh đã chênh lệch từ 1,4 điểm đến 7,8 điểm (Nghĩa là điểm chấm thẩm định là 1,2 điểm; điểm đã công bố là 9,0 điểm).

Qua chấm thẩm định có một số bài thi có điểm tăng hơn đã công bố từ 0,2 đến 1 điểm. Cá biệt, có 3 bài thi môn GDCD có điểm chấm thẩm định chênh hơn 5,75 điểm so với đã công bố.

Như vậy, có tổng cộng tất cả 114 thí sinh, với 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lệch hơn 1 điểm so với điểm thẩm định. Trong đó, không ít thí sinh có tổng điểm chênh lệch lên đến hơn 20 điểm so với điểm ban đầu.

Cá biệt là có những thí sinh mà tổng điểm bị lệch đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm ban đầu.

Đau lòng câu chuyện “Học thật, thi thật mà điểm lại giả”

Sau vụ bê bối điểm thi ở Hà Giang bị phanh phui, những câu hỏi được mọi người quan tâm nhất là sai phạm do đâu? ai phải chịu trách nhiệm trong câu chuyện này? và làm thể nào với hàng trăm bài thi được khống điểm kia?

Cụ thể, qua công tác kiểm tra, bước đầu, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác minh ông Vũ Trọng Lương - Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh.

Ông Nguyễn Cao Khương, Phó trưởng phòng 4, A83 Bộ Công An, thành viên tổ công tác, cho biết ông Vũ Trọng Lương được Sở GD&ĐT Hà Giang phân công sử dụng máy tính quét bài thi trắc nghiệm hàng năm. Tuy nhiên, cán bộ này đã tải toàn bộ dữ liệu về máy, có nhiều số điện thoại gửi về và nhập điểm theo số.

Ảnh: Dương Tâm - Ông Nguyễn Cao Khương.

Theo Bộ GD&ĐT, kết quả chấm thẩm định được sử dụng để thay thế cho toàn bộ kết quả chấm bài thi trắc nghiệm do Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hà Giang công bố ngày 11/7. Trách nhiệm trước hết thuộc về Ban chỉ đạo và Hội đồng thi Hà Giang, sai đến đâu sẽ xử lý đến đó.

Vũ Vũ

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/nhin-lai-vet-nho-thi-cu-o-ha-giang-theo-tien-trinh-thoi-gian-511649.htm