Nhìn lại tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc

Đến với triển lãm, người xem thấm thía sâu sắc rằng hòa bình, tự do, hạnh phúc ngày hôm nay được đánh đổi bằng bao ước mơ, hoài bão, thậm chí là máu xương của lớp thanh niên đi trước.

Sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tham qua triển lãm để hiểu hơn về truyền thống Cách mạng của dân tộc. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tham qua triển lãm để hiểu hơn về truyền thống Cách mạng của dân tộc. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày “Một thời sôi nổi.”

Trưng bày kể câu chuyện về ký ức một thời sôi nổi của lứa thanh niên Việt Nam sinh ra trong thời chiến và giai đoạn hiện nay. Với bầu máu nóng và trái tim rực lửa, bao thế hệ thanh niên đã dũng cảm xông pha nơi chiến trường ác liệt; rèn luyện bản lĩnh trong các nhà tù thực dân, đế quốc hay dấn thân vượt mọi thử thách trong thời đại mới, để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc thân yêu. Một thời sôi nổi của lớp lớp thanh niên “đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép” đã trở thành niềm tự hào của cả dân tộc.

Trưng bày được chia làm hai nội dung: “Ánh lửa từ trái tim” và “Ước vọng xây đời.”

Phần thứ nhất là câu chuyện của tuổi trẻ Việt Nam trên chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

Mùa xuân năm 1931, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương với 8 hạt nhân Đoàn viên đầu tiên, đã phát huy vai trò xung kích với trận thử lửa là đỉnh cao Xô Viết-Nghệ Tĩnh. Trong trận thử lửa này, lịch sử đã để lại tấm gương oanh liệt của người đoàn viên thanh niên cộng sản Lý Tự Trọng với câu nói bất hủ: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng chứ không thể có con đường nào khác.” Câu nói đã trở thành phương châm hành động của tuổi trẻ Việt Nam.

Triển lãm kể lại câu chuyện của cựu chiến binh Nguyễn Xuân Mai đã giấu thêm mấy cục sắt vào người cho đủ cân nặng để được nhập ngũ; câu chuyện Anh hùng Cao Xuân Thọ vừa chỉ huy, vừa trực tiếp phá hơn 100 quả bom các loại. Đơn vị đã 4 lần làm lễ truy điệu sống trước khi ông ra trận.

“Những người kháng chiến trẻ tuổi” là lực lượng học sinh, sinh viên ở lại trong lòng thành phố nơi địch tạm chiếm đã tổ chức các hoạt động bãi khóa, biểu diễn văn nghệ, xuất bản báo… khiến Hà Nội thời tạm chiếm luôn biến động, kẻ thù luôn nhức nhối, tìm mọi cách đàn áp.

Đến với triển lãm, người xem thấm thía sâu sắc rằng hòa bình, tự do, hạnh phúc ngày hôm nay được đánh đổi bằng bao hy sinh của lớp thanh niên đi trước. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Phần thứ hai của triển lãm là những hoạt động của tuổi trẻ Việt Nam góp phần nối dài thêm những chiến công, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của dân tộc. Những thanh niên trẻ thế hệ mới đã biến ngọn lửa nhiệt huyết, rực cháy trong tim mình thành những hành động, việc làm thực tế, sáng tạo, hiệu quả.

Phong trào “Thanh niên lập nghiệp” do Trung ương Đoàn triển khai đã tròn 28 năm (1993-2021), nhiều gương thanh niên dám nghĩ, dám làm, đã góp sức xây dựng quê hương. Với sức trẻ, hoài bão lớn, tuổi trẻ Việt Nam hôm nay đã và đang cống hiến trí tuệ của mình để làm giàu cho quê hương, đất nước.

Những người trẻ sinh ra và lớn lên trong hòa bình, khi đất nước đã trải qua chiến tranh và những nhọc nhằn thời bao cấp. Chẳng còn đạn bom nhưng vẫn có những liệt sỹ hy sinh trong thời bình vì cứu một em nhỏ giữa dòng nước lũ, xả thân truy bắt tội phạm hay quên mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc...

Trong năm 2020, một lần nữa tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên Việt Nam lại ngời sáng trong các hoạt động khắc phục hậu quả mưa lũ và Chung tay phòng chống dịch COVID-19./.

Minh Thu (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhin-lai-tuoi-tre-viet-nam-trong-cuoc-dau-tranh-giai-phong-dan-toc/700179.vnp