Nhìn lại thị trường thương mại điện tử Việt Nam Q1/2019: doanh nghiệp nội địa trỗi dậy

Ngành thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng phát triển cực kỳ to lớn, đồng nghĩa với việc đó là một cuộc cạnh tranh không khoan nhượng. Trước khả năng tài chính mạnh mẽ của những tập đoàn đa quốc gia như Shopee và Lazada, đã có ít nhiều lo ngại cho các sàn thương mại điện tử nội địa. Tuy nhiên, các số liệu mới nhất từ Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam của công ty so sánh giá iPrice, một công cụ tìm kiếm sản phẩm và so sánh giá tại thị trường Đông Nam Á, lại cho thấy các doanh nghiệp thương mại điện tử (TMĐT) nội hoàn toàn có lý do để tự tin.

Sau khi Thegiodidong đóng cửa sàn TMĐT Vuivui hồi cuối năm ngoái, tưởng như thị trường sẽ có một quý mới yên ả nhưng đến tháng 3 năm nay, Robins.vn (tiền thân là Zalora Vietnam) cũng bất ngờ “dứt áo ra đi”. So với Vuivui trước đó thì quyết định này của Robins.vn gây nhiều xôn xao hơn bởi cho đến tận thời điểm Q4 năm 2018, sàn TMĐT này vẫn cho thấy kết quả kinh doanh tương đối tốt. Nếu chỉ tính riêng trong ngành hàng thời trang thì Robins chính là nơi có lượng truy cập web trung bình hàng tháng cao nhất và công ty này còn cho thấy sự tăng trưởng về traffic trong hai quý liên tiếp. Thế nhưng có lẽ từng đó là vẫn chưa đủ để thuyết phục các nhà đầu tư tiếp tục đốt tiền cùng trang web này.

Kết cục của Robins.vn một lần nữa cho thấy sự khốc liệt và khó đoán của TMĐT Việt Nam. Trước đó, người tiêu dùng cũng từng ‘tiễn’ những website mua sắm trực tuyến như Beyeu.com, Deca.vn, Lingo.vn… Thậm chí, trên trang web của mình, Beyeu.com còn ngậm ngùi để lại lời nhắn: “Kinh doanh thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều doanh nghiệp sẽ quyết định ngưng đốt tiền. Chúc may mắn cho những ai còn đang cố gắng”.

Tăng trưởng tích cực

Tạm bỏ qua những tin không vui, Q1 năm nay tiếp tục đánh dấu những dấu hiệu tích cực dành cho các doanh nghiệp TMĐT nội địa, đặc biệt là Tiki, Sendo và Adayroi. Theo đó, mặc dù 3 tháng đầu năm có bao gồm Tết Âm Lịch, vốn là thời gian thấp điểm cho các trang TMĐT, nhưng cả ba sàn này đều giữ vững được số lượng truy cập từ quý trước, đánh dấu sự tăng trưởng đều đặn cho cả ba tính trong vòng 4 quý gần nhất.

Lượng truy cập vào 3 sàn TMĐT Tiki, Sendo và Adayro ính từ Q2/2018 đên Q1/2019. Nguồn: iPrice

So với hai sàn còn lại, Tiki đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhất. Giống với quý trước, mức truy cập vào trang web tiki.vn trung bình trên 35 triệu lượt, đứng thứ hai toàn quốc. Lượng truy cập vào Tiki bất ngờ cao hơn cả “ngoại binh” Lazada và chỉ cách người đứng đầu là Shopee một khoảng cách hẹp. Tiki cũng đồng thời đạt mức tăng trưởng về lượng truy cập lên đến 23% bình quân mỗi quý tính từ quý 2 năm 2018 đến nay. Những dấu hiệu này đều chứng tỏ cho quyết tâm cao cộng với hướng đi đúng đắn của Tiki trong thời gian gần đây, sau khi nhận đầu tư từ tập đoàn JD vào đầu năm 2018.

Bên cạnh Tiki, hai công ty nội địa khác là Sendo và Adayroi cũng đang dần thể hiện được tiềm năng phát triển của mình. Trung bình trong 4 quý gần nhất, cả hai công ty đều đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 16%/quý về lượng truy cập web. Trong bài trả lời phỏng vấn với tờ Tech in Asia mới đây, CEO Trần Hải Linh của Sendo còn tự tin dự đoán rằng công ty mình sẽ vượt mức 1 tỷ USD tổng giá trị giao dịch sớm hơn nhiều so với mục tiêu 2020.

Cơ hội mở cho doanh nghiệp nội

CEO Trần Hải Linh cũng đưa ra nhận định rằng 2019 sẽ là một năm bản lề cho thị trường TMĐT Việt Nam mà trong đó, các công ty nội địa sẽ có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng hơn với các đối thủ trong khu vực.

10 sàn TMĐT có lượng truy cập cao nhất Đông Nam Á năm 2018. Nguồn: iPrice

10 sàn TMĐT có lượng truy cập cao nhất Đông Nam Á năm 2018. Nguồn: iPrice

Năm ngoái, Sendo, Tiki và cả Thegioididong đã lọt vào top 10 sàn thương mại điện tử có lượt truy cập web trung bình cao nhất khu vực Đông Nam Á. Kết quả xếp hạng này một mặt chứng minh nhu cầu mua sắm online khổng lồ của người tiêu dùng Việt Nam, mặt khác cho thấy các doanh nghiệp nội địa hoàn toàn có khả năng “sống khỏe” trước sự cạnh tranh của các đối thủ quốc tế.

Giải thích thêm về cơ hội của các công ty TMĐT nội, ông Jeremy Chew – chuyên viên về thị trường Đông Nam Á của iPrice, cho biết do đặc thù của ngành, các sàn TMĐT luôn phải hiểu rõ nhu cầu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng ở từng quốc gia và đó chính là một lợi thế cạnh tranh của các sàn nội địa như Tiki và Sendo. Ví dụ như trong dịp Tết vừa qua, chiến dịch kích cầu Chợ Tết của Sendo được công ty nghiên cứu thị trường Buzzmetric xếp vào top 10 chiến dịch mạng xã hội nổi bật nhất tháng 1/2019. Trong khi đó, theo số liệu từ Google, chiến dịch video Tết 2019 của Tiki cũng được cộng đồng mạng đón nhận tích cực, thu về hơn 16 triệu lượt xem.

Với thế mạnh này, một khi các công ty Việt Nam tiếp cận được các nguồn tài chính tốt thì họ sẽ hoàn toàn có khả năng chiến thắng trong cuộc chiến thương mại điện tử đầy khốc liệt.

Công nghệ và 5G – Lời giải cho sự bứt phá các sàn TMĐT?

Trang theo dõi thông tin và thị trường Statista ước tính tới năm 2024, sẽ có khoảng 8 tỷ người hoạt động trực tuyến, chủ yếu dựa trên nền tảng công nghệ 5G. Theo công ty kỹ thuật số quản lý nội dung CoreDNA, nếu tận dụng được tốt các ứng dụng và tính năng của 5G, các trang TMĐT sẽ có được rất nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

1. Nhiều khách hàng hơn, nhiều doanh thu hơn

Adobe Digital Insights dự báo 5G sẽ giúp tăng doanh số các sàn TMĐT lên 12 tỷ USD năm 2021. Cơ chế để nền tảng công nghệ mới này hỗ trợ TMĐT khá đơn giản và dễ hiểu: 5G khiến việc lên mạng Internet ngày một dễ dàng hơn, kể cả trên các thiết bị di động, giúp các khách hàng mua sắm trực tuyến nhanh hơn, hiệu quả hơn, và đem lại nhiều lợi nhuận cho các công ty kinh doanh trực tuyến hơn.

2. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp sử dụng VR và AR

Theo Goldman Sachs, nhờ 5G, thị trường thực tế ảo và thực tế tăng cường sẽ có mức tăng trưởng đột biến, đạt 80 tỷ USD vào năm 2025.

Trên thế giới, IKEA đã áp dụng VR vào những chiến lược quảng cáo từ năm 2016 nhưng mãi gần đây, công ty đồ nội thất Thụy Điển này mới khai trương chương trình cửa hàng ảo đầu tiên tại Úc, giúp khách hàng có thể mua sắm dễ dàng thông qua thiết bị VR cầm tay mà không cần bước chân ra khỏi căn nhà thoải mái của mình.

5G đương nhiên sẽ giúp khách hàng trải nghiệm VR mượt mà hơn mà không bị ảnh hưởng bởi nhiễu động đường truyền hay kết nối. Chất lượng hình ảnh ảo cũng trở nên rõ nét hơn. Tại Nhật Bản, công ty công nghệ viễn thông NTT DoCoMo đã bắt đầu thử nghiệm phát video chất lượng 8K trên các thiết bị 5G của Nokia.

3. Khả năng học tập của AI tốt hơn

Các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo hiện nay như chatbot và trợ lý cá nhân ảo đã và đang giúp cải thiện dịch vụ khách hàng, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ. Ví dụ như chuỗi cửa hàng quần áo giá rẻ toàn cầu H&M hiện sử dụng chatbot để gợi ý quần áo dựa trên sở thích người dùng. Với 5G, khách hàng có thể kết nối và tải thông tin từ các trợ lý ảo này với tốc độ cực nhanh và ngược lại, 5G cũng sẽ giúp các nhà bán lẻ thu thập dữ liệu khách hàng nhiều hơn và toàn diện hơn, quay trở lại tối ưu hóa các đề xuất hàng hóa cho khách hàng hơn.

Hà Phan

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/nhin-lai-thi-truong-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-q1-2019-doanh-nghiep-noi-dia-troi-day/