Nhìn lại sức ảnh hưởng của IS từ vụ khủng bố ở Sri Lanka

Vụ đánh bom liên hoàn đẫm máu tại Sri Lanka cho thấy dù bị đánh bại ở Syria và Iraq, nhưng sức ảnh hưởng từ tư tưởng của khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn còn rất lớn.

Cách đây 5 năm, IS chiếm đóng hơn 88.000km diện tích lãnh thổ ở Iraq và Syria, bỏ túi hàng tỷ đô la Mỹ từ thu thuế của dân, bán dầu và cướp bóc ngân hàng.

Ngày nay, cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” mà IS tự tuyên bố đã không còn. Tuy vậy, ảnh hưởng tư tưởng của IS vẫn rõ ràng và mạnh mẽ, được thấy rõ nhất qua vụ tấn công khủng bố khiến 359 người chết ở Sri Lanka ngày 21/4. Vụ khủng bố này thuộc hàng đẫm máu nhất kể từ vụ 11/9/2001 ở Mỹ.

Hiện trường vụ nổ tại nhà thờ St. Anthony ở Kochchikade, Colombo, Sri Lanka ngày 21/4/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện trường vụ nổ tại nhà thờ St. Anthony ở Kochchikade, Colombo, Sri Lanka ngày 21/4/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 23/4, giới chức Sri Lanka cáo buộc nhóm khủng bố Hồi giáo trong nước là National Tawheed Jamath thực hiện loạt vụ đánh bom tại các nhà thờ Thiên chúa giáo và khách sạn nhiều người nước ngoài qua lại.

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho rằng vụ việc không thể chỉ được thực hiện trong nước. Một số tên khủng bố đã ra nước ngoài, có mối liên hệ với nước ngoài.

Một quan chức Mỹ nói với kênh CNN rằng chính IS đã khuyến khích nhóm National Tawheed Jamath thực hiện các vụ tấn công ở Sri Lanka.

Theo CNN, một nghi can IS đã khai với quan chức Ấn Độ rằng anh ta huấn luyện một phiến quân Sri Lanka có liên hệ với nhóm National Tawheed Jamath.

Tư tưởng IS

Khủng bố IS. Ảnh: AP

Theo ông Peter Bergen, Phó chủ tịch Tổ chức New America và là giáo sư tại Đại học Arizona, Mỹ, vụ khủng bố ở Sri Lanka là lời nhắc nhở cho thấy tư tưởng của IS không bị tiêu diệt cùng thời điểm “Vương quốc Hồi giáo” đã sụp đổ ở Iraq và Syria. Tư tưởng đó là coi những người theo tôn giáo khác và những người Hồi giáo không có chung suy nghĩ như người Hồi giáo Sunni cực đoan là những người “vô đạo”.

Tư tưởng đó ủng hộ các vụ tấn công người Thiên chúa giáo tại nơi họ cầu nguyện. Một số vụ điển hình gần đây có thể kể tới như:

IS đã giết 20 người theo đạo tại một nhà thờ Thiên chúa giáo ở Philippines hồi tháng 1.

Tháng 5/2018, IS đã tấn công ba nhà thờ Thiên chúa giáo ở Indonesia, giết chết 12 người và làm nhiều người bị thương.

IS cũng giết 49 người đang làm lễ mi xa tại hai nhà thờ Thiên chúa giáo ở Ai Cập năm 2017.

Ngày 21/4 vừa qua, chúng ta lại chứng kiến tư tưởng chết người của IS trỗi dậy trong các vụ tấn công 3 nhà thờ Thiên chúa giáo ở Sri Lanka..

Ngay ngày hôm sau, kênh tin tức Amaq của IS tuyên bố nhóm này đứng đằng sau vụ tấn công ở Sri Lanka nhưng không cung cấp bằng chứng liên quan trực tiếp.

Dù IS có liên quan trực tiếp tới vụ tấn công ở Sri Lanka hay chỉ đơn giản là truyền cảm hứng cho những kẻ thực hiện thì điều đó cũng không khác gì với các nạn nhân loạt vụ đánh bom và gia đình họ. 359 người đã chết và nỗi đau còn kéo dài với người còn sống.

Tư tưởng khủng bố của Awlaki

Anwar al Awlaki. Ảnh: AFP

Rõ ràng là tiêu diệt “Vương quốc Hồi giáo” của IS về mặt địa lý đã không thể tiêu diệt tư tưởng của IS, thứ tư tưởng độc hại đã truyền cảm hứng giết người cho phiến quân khắp thế giới.

Mỹ từng chứng kiến một hiện tương tương tự với tư tưởng của tên Anwar al Awlaki. Hắn là giáo sĩ sinh ra ở Mỹ và sau này thành thủ lĩnh Al-qaeda ở Bán đảo Arab tại Yemen.

Awlaki bị tiêu diệt trong một cuộc không khích bằng máy bay không người lái của Mỹ tại Yemen năm 2011. Tuy nhiên, ngay cả khi chết, tư tưởng của Awlaki về sự cần thiết của bạo lực nhân danh Chúa vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng.

Viện nghiên cứu New America phát hiện ra rằng từ khi Awlaki chết, các video của hắn đã gây ảnh hưởng tới trên 80 tên khủng bố ở Mỹ.

Chúng ta cần làm gì

Xem video khủng bố IS thề trung thành trước vụ tấn công ở Sri Lanka (nguồn: Dailymail):

Tất nhiên không có câu trả lời dễ dàng cho vấn đề bạo lực – thường được gieo rắc từ những cuộc tuyên truyền thù hằn trên internet.

Một cách tiếp cận là tiếp tục gây sức ép với các công ty mạng xã hội để giảm càng nhiều càng tốt các hình thức tuyên truyền của những kẻ cực đoan bạo lực như Awlaki hay IS.

Đây không phải là nhiệm vụ đơn giản khi cứ mỗi phút lại có một lượng video với tổng thời lượng lên tới 400 giờ được tải lên YouTube.

Chắc chắn, các công ty mạng xã hội đã có những bước đi chủ động hơn trong gỡ các video hay bài viết kích động bạo lực.

Ví dụ như Facebook đã lên kế hoạch thuê 20.000 người điều phối nội dung vào cuối năm 2018.

Tuy nhiên, vẫn còn phải làm nhiều hơn, ví dụ như ứng dụng trí tuệ nhân tạo để gỡ nội dung kích động bạo lực càng nhanh càng tốt.

Giới lãnh đạo các nước cũng phải nhận ra rằng một phần quan trọng trong công việc của họ là giảm nhẹ chứ không phải gia tăng căng thẳng giáo phái.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nhin-lai-suc-anh-huong-cua-is-tu-vu-khung-bo-o-sri-lanka-20190424112549381.htm