Nhìn lại sự hỗ trợ giữa 'Hà Nội tỉnh' và 'Hà Nội quê'

Theo số liệu thống kê mới nhất, dân số trên địa bàn TP Hà Nội là 7.654,8 nghìn người trong đó dân số thành thị là 3.764,1 nghìn người, chiếm 49,2% và dân số nông thôn là 3.890,7 nghìn người, chiếm 50,8%.

Một trường học ở vùng ngoại thành Hà Nội

Hà Nội là một thực thể không thể tách rời giữa các quận và huyện, ở đó người dân sống tại đô thị cũng như người dân sống tại nông thôn đều có quyền được hưởng sự phát triển, lớn mạnh của Thủ đô, đều có quyền được nâng cao chất lượng mọi mặt của đời sống.

Xác định chương trình xây dựng NTM sẽ mang lại bộ mặt mới cho nông thôn, một chất lượng sống mới cho người nông dân, thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, Hà Nội đã định hướng các quận với nguồn lực kinh tế dồi dào nhập cuộc giúp đỡ các huyện còn nghèo khó hơn để cùng thực hiện mục tiêu chung này.

Ngay từ cuối năm 2014, UBND TP Hà Nội đã ra văn bản vận động các quận nội thành hỗ trợ cho các huyện khoản kinh phí đầu tư xây dựng công trình nhà văn hóa thôn cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn.

Rồi tiến tới, Hà Nội lại mở rộng thêm, cụ thể thêm cho các quận phải có trách nhiệm, góp sức cùng các huyện xây dựng NTM để thu hẹp khoảng cách về đời sống vật chất cũng như tinh thần giữa thành thị và nông thôn. Các công trình hỗ trợ được hướng tới đa dạng hơn hẳn thời kỳ đầu của cuộc vận động, có thể là nhà văn hóa, là trường học, là hệ thống cơ sở hạ tầng…

Theo thống kê mới nhất của Ban chỉ đạo chương trình 02, từ năm 2016 đến nay toàn bộ 12 quận thuộc TP đã hỗ trợ các huyện xây dựng NTM với tổng kinh phí là 379,9 tỷ đồng, tăng 145,9 tỷ đồng so với cuối năm 2017.

Trong đó quận Thanh Xuân đã bố trí hỗ trợ 4 huyện (Ba Vì, Đông Anh, Thanh Oai, Sóc Sơn) với tổng kinh phí là 181 tỷ đồng, tiếp đến là các quận Ba Đình (35 tỷ đồng), Nam Từ Liêm (31,8 tỷ đồng), Hoàng Mai (27,2 tỷ đồng), Đống Đa (20 tỷ đồng)...

Điểm đặc biệt nhất phải kể đến trường hợp của quận Thanh Xuân. Đây không phải là quận thuộc vùng lõi của nội thành cũng không phải là quận có tiềm lực kinh tế mạnh nhất của Hà Nội nhưng lại có những đóng góp rất lớn cho các huyện trong việc xây dựng NTM.

Như đối với huyện Ba Vì, quận đã hỗ trợ tổng kinh phí là hơn 78 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2015, quận đã hỗ trợ 13,6 tỷ đồng giúp xây dựng 7 công trình văn hóa. Năm 2017, quận hỗ trợ 35 tỷ đồng giúp xây dựng 8 nhà văn hóa cùng 1 trường mầm non. Năm 2018, quận lại hỗ trợ tiếp 35 tỷ đồng để huyện này xây dựng 2 trường học.

Hay mới đây nhất, từ ngày 1/8, trường Mầm non Thanh Văn (xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai) đã khánh thành, chào đón gần 500 các cháu về học trong niềm vui vô bờ bến của người dân địa phương. Với cơ sở hạ tầng đạt chuẩn quốc gia, trường có 14 phòng học tiêu chuẩn với đầy đủ công trình phụ, 2 phòng chức năng, khu vui chơi, khu bếp ăn...

Công trình này là món quà hỗ trợ của quận Thanh Xuân với kinh phí xây mới lên tới 36 tỷ đồng giúp cho xã Thanh Văn có thể hoàn thành một trong những tiêu chí khó nhất trong việc xây dựng NTM để cán đích trong năm 2018.

Ngược lại với sự giúp đỡ khá nhiệt tình của một số quận, nhiều quận có tiềm lực kinh tế lớn như Hoàn Kiếm lại chỉ hỗ trợ cho các huyện khá khiêm tốn được 12,3 tỉ, Bắc Từ Liêm 5 tỉ, Cầu Giấy 3 tỉ...Trong khi đó, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM của TP chỉ tính riêng từ năm đầu năm 2016 đến hết quý III năm 2018 đã là 26.804,4 tỷ đồng- một con số khổng lồ.

Khi khu vực nông thôn của Hà Nội có điều kiện phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, bà con yên tâm sản xuất, làm giàu tại chỗ thì tình trạng di dân ra TP sẽ được giảm thiểu, bớt đi nhiều sức ép lên vùng lõi nội thành.

NGUYỄN THỊ THẮM

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nhin-lai-su-ho-tro-giua-ha-noi-tinh-va-ha-noi-que-post231428.html