Nhìn lại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều đầu tiên

Đúng 2 thập kỷ trước, ngày 13-6-2000, Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất đã được tổ chức, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực hòa giải hai miền và kiến tạo nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il (trái) đón Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung tại sân bay quốc tế Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng (Triều Tiên) vào ngày 13-6-2000. Ảnh: Korea Times.

Sáng 13-6-2000, phi cơ chở Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung hạ cánh xuống sân bay quốc tế Sunan của Bình Nhưỡng trong sự chào đón của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Cái nắm tay đầy hữu nghị giữa hai nhà lãnh đạo là hình ảnh biểu trưng cho sự bắt đầu của Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều đầu tiên trong lịch sử, kéo dài trong 3 ngày tại thủ đô của Triều Tiên. Ước tính, 600.000 người đã đổ ra đường phố Bình Nhưỡng và vẫy hoa giấy để chào đón vị khách quý tới từ phương Nam.

Tại sự kiện được cả thế giới dõi theo này, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã thảo luận nhiều vấn đề để thu về những thỏa thuận giúp giảm căng thẳng và kết thúc bằng việc ra Tuyên bố chung ngày 15-6. Đây được xem như bước tiến đầu tiên tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, chấm dứt sự đối đầu Nam - Bắc, cũng như theo đuổi hòa bình và hợp tác.

Một kỷ nguyên hợp tác mới mở ra với nhiều cuộc đoàn tụ của các gia đình ly tán bởi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), cũng như sự ra mắt của Khu công nghiệp chung Kaesong và Khu du lịch núi Kumgang.

Đánh giá cao sự kiện lịch sử này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc khi đó là ông Kofi Annan đã ca ngợi tầm nhìn của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il và Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung trong việc tổ chức đối thoại ở cấp cao nhất. Quan chức Liên hợp quốc hy vọng hội nghị đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới về hợp tác giữa hai miền Triều Tiên, đồng thời tạo ra kết quả thực chất, là bước ngoặt hướng tới hòa bình và ổn định lâu dài tại khu vực.

Hãng tin AP của Mỹ đã bình chọn hội nghị này là một trong 10 sự kiện quốc tế tiêu biểu của năm 2000. Tổng thống Kim Dae-jung sau đó còn được nhận giải Nobel Hòa bình cho nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều nhờ kiến tạo và thực thi Chính sách Ánh dương - chủ trương làm dịu quan điểm của Triều Tiên với Hàn Quốc thông qua khuyến khích tương tác và hỗ trợ kinh tế.

Trong suốt 2 thập kỷ qua, Bình Nhưỡng và Seoul đã tổ chức tổng cộng 5 hội nghị thượng đỉnh, lần lượt vào các năm 2000, 2007, tháng 4-2018, tháng 5-2018 và tháng 9-2018. Với ý nghĩa to lớn của một cuộc gặp mang dấu ấn lịch sử, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tổ chức các sự kiện chung để kỷ niệm ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều đầu tiên từ năm 2001 đến 2008, ngoại trừ năm 2003 do dịch viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARS) bùng phát.

Sau đó, hai bên đã tổ chức các sự kiện kỷ niệm riêng biệt kể từ năm 2009. Tháng 5 vừa qua, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, nước này đã lên kế hoạch tổ chức một loạt hoạt động kỷ niệm 20 năm Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên như hòa nhạc, tọa đàm...

Trước đó, vào tháng 4, bộ này tuyên bố sẽ hợp tác với các tổ chức phi chính phủ để tổ chức một lễ kỷ niệm chung với Triều Tiên. Các tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc đã đưa ra các đề xuất, song phía Triều Tiên chưa có câu trả lời. Tuy nhiên, một quan chức giấu tên của cơ quan trên cho rằng, việc tổ chức một sự kiện chung là khó có thể xảy ra do những bế tắc trong quan hệ liên Triều và tình hình dịch Covid-19 hiện nay.

Thời gian qua, nỗ lực cứu vãn và hàn gắn quan hệ liên Triều đã gặp nhiều trở ngại trong bối cảnh các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ rơi vào bế tắc, kể từ khi cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 2-2019 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.

Gần đây, quan hệ hai bên tiếp tục có chiều hướng đi xuống sau khi Bình Nhưỡng thông báo ngừng hoạt động của các đường dây liên lạc quân sự và chính trị với Seoul, để phản đối việc Hàn Quốc không ngăn chặn hành động rải truyền đơn chống Triều Tiên tại khu vực biên giới. Sau 2 thập kỷ kể từ khi tia hy vọng được mở ra, khát khao về hòa bình của nhân dân hai miền Triều Tiên vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Minh Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/969982/nhin-lai-hoi%C2%A0nghi-thuong-dinh-lien-trieu-dau-tien