Nhìn lại hành trình 8 ngày đưa 'Nước Mỹ trở lại' của Tổng thống Biden

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên kéo dài 8 ngày (9 - 16/6) của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện rõ chính sách ngoại giao và phong cách đàm phán của ông.

Nhà lãnh đạo Mỹ cố gắng tập hợp các đồng minh truyền thống của Mỹ để đối phó với những thách thức cũ và mới, đồng thời để ngỏ khả năng hợp tác với Tổng thống Nga Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ ngày 16/6.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels hôm 14/6. Ảnh: AP.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels hôm 14/6. Ảnh: AP.

Đánh giá lại quan hệ Nga-Mỹ

Tổng thống Putin và Tổng thống Biden không sử dụng từ “thiết lập lại” để mô tả trạng thái quan hệ song phương sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Geneva (Thụy Sỹ). Nhưng hai bên đã cố gắng xác định rõ những lĩnh vực bất đồng và đề cập khả năng hợp tác trong một số vấn đề như an ninh mạng hay kiểm soát vũ khí. Hai nhà lãnh đạo vừa thể hiện sự tôn trọng lại vừa cho thấy sự hoài nghi lẫn nhau. Giới phân tích cho rằng, đây là sự trở lại của mô hình truyền thống trong quan hệ Nga-Mỹ sau những thay đổi dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump – người từng khen ngợi Tổng thống Nga Putin và thể hiện mong muốn hai bên có thể trở thành đối tác ở một mức độ nào đó.

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo rời bàn đàm phán với sự hiểu biết rằng một số quy tắc cũ vẫn được duy trì. Nga trở lại vị trí là “một đối thủ xứng tầm” như nhận xét ông Biden đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp, thay vì trở thành một cộng sự. Những vấn đề gây căng thẳng kéo dài giữa hai bên như cáo buộc tấn công mạng hay can thiệp bầu cử vẫn còn đó.

Vấn đề tấn công mạng được ưu tiên hàng đầu

Trong cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ, lần đầu tiên vấn đề tấn công mạng được đưa lên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Ông Biden cảnh báo ông Putin về những vụ tấn công mã độc tống tiền từ Nga, tuyên bố trả đũa nếu cơ sở hạ tầng của Mỹ tiếp tục bị tấn công.

Danh sách thảo luận về an ninh mạng mà phía Mỹ đưa ra bao gồm các cuộc tấn công hoặc cố xâm nhập vào lưới điện, hệ thống bầu cử, đường ống dẫn nước và năng lượng, nhà máy điện hạt nhân, và đặc biệt là hệ thống chỉ huy và kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Biden cho biết, ông đã thảo luận với Tổng thống Putin về khả năng xảy ra một cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống ống dẫn dầu của Nga và hậu quả tàn khốc mà vụ việc có thể gây ra đối với nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

"Tôi nói với ông ấy rằng chúng tôi có năng lực tác chiến mạng rất mạnh, ông ấy thừa biết điều đó", ông Biden nói. "Nếu họ vi phạm quy tắc cơ bản, chúng tôi sẽ đáp trả".

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 16/6. Ảnh: AFP.

Nghệ thuật xây dựng hình ảnh

Sau cuộc gặp kéo dài 3 tiếng đồng hồ, Tổng thống Biden đã thể hiện thái độ cởi mở, có phần đối lập với vẻ trầm mặc và nghiêm nghị của Tổng thống Putin. Ông Putin đã tỏ ra không thoải mái khi các phóng viên hỏi về vụ bắt giữ lãnh đạo phe đối ập Nga Alexei Navalny và cuộc khủng hoảng Ukraine.

Mặc dù vậy Tổng thống Biden thừa nhận sự lạc quan của ông phần nhiều nằm ở suy nghĩ hơn là bối cảnh thực tế. Phát biểu với báo chí trước khi bước lên chiếc Không Lực Một để trở về nước, ông Biden nói: “Tôi sẽ khiến các bạn thất vọng vì tôi biết các bạn muốn tôi đưa ra nhận xét tiêu cực về mọi thứ, đặc biệt là trước công chúng. Nhưng các bạn phải biết rằng điều đó sẽ không xảy ra”.

Tuyên bố này làm nổi bật phong cách đàm phán của Tổng thống Biden, cho dù đó là cuộc đàm phán với nhà lãnh đạo Nga hay các thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện, ông Biden vẫn thể hiện sự tin tưởng các bên có thể đạt được một thỏa thuận cho dù trên thực tế khả năng thành công là rất ít.

Đề cao quan hệ cá nhân

Chuyến công du nước ngoài kéo dài 8 ngày đến 3 quốc gia của Tổng thống Biden cho thấy ông luôn đề các mối quan hệ cá nhân. “Không có gì thay thế được cuộc đối thoại trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo”, ông Biden nói và nhấn mạnh, sở dĩ thượng đỉnh Nga – Mỹ thành công là bởi hai bên đã có cuộc tiếp xúc trực tiếp.

Trong chuyến công du này, hầu hết các cuộc họp của Tổng thống đều là cuộc họp kín, không có sự tham gia của báo chí và có rất ít khoảnh khắc được công bố trên truyền thông. Điều đó nêu bật niềm tin của Biden rằng, những mối quan hệ cá nhân có thể thúc đẩy các chính sách đối nội lẫn đối ngoại.

Mỹ không thể chiến thắng nếu đi một mình

Trước khi rời Washington, Tổng thống Biden tái khẳng định quan điểm rằng, các nền dân chủ trên thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn và Mỹ không thể chiến thắng nếu đi một mình. Với suy nghĩ này, ông đã nỗ lực gắn kết các đồng minh tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 và Hội nghị Thượng đỉnh NATO, trước cuộc gặp Tổng thống Nga Putin.

Trình tự các hội nghị vừa mang tính biểu tượng lại vừa có tính chiến lược, giúp củng thế quan điểm của Tổng thống Biden với Nga, đồng thời tạo động lực cho Mỹ trong cuộc đối đầu gay gắt với Trung Quốc về chính sách thương mại, an ninh và y tế. Cả thông cáo chung của G7 và tuyên bố chung của NATO đều đưa ra những lời lẽ cứng rắn với Trung Quốc.

Căng thẳng trong nước phủ bóng các cuộc đối thoại quốc tế

Sau 4 năm chính quyền cựu Tổng thống Trump thúc đẩy chính sách “nước Mỹ trên hết”, giờ đây, chính quyền Biden đang chứng minh cho thế giới thấy rằng “nước Mỹ đã trở lại”, nhưng những bất ổn kéo dài trong lòng nước Mỹ đã phủ bóng lên chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông.

Chính sách xa rời chủ nghĩa đa phương cùng nỗ lực gây sức ép với đồng minh của cựu Tổng thống Trump, những cáo buộc gian lận bầu cử và cuộc tấn công trụ sở tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1 chắc chắn vẫn hiển hiện rõ nét trong tâm trí các đồng minh và đối thủ của Mỹ.

Tổng thống Biden cần phải dùng lời nói và hành động để trấn an các đồng minh rằng Mỹ vẫn là một quốc gia dẫn đầu đáng tin cậy trên trường quốc tế.

“Những gì đã xảy ra khiến họ bị sốc và bị bất ngờ. Nhưng tôi nghĩ họ, cũng như tôi đều tin rằng người Mỹ sẽ không tiếp tục những kiểu hành vi đó”, Tổng thống Biden cho biết.

Dù ông Biden có thể thuyết phục các đồng minh của Mỹ nhưng ông không thể tránh được sự công kích từ đối thủ. Trong cuộc họp báo sau thượng đỉnh Nga-Mỹ, Tổng thống Putin đã nhắc đến vụ bạo loạn ở Điện Capitol và cuộc biểu tình của Phong trào Black Lives Matter (Mạng sống của người da đen cũng đáng giá) chống lại sự phân biệt chủng tộc và hành động vũ lực của cảnh sát năm 2020. Tổng thống Biden đã gọi đây là “một sự so sánh khập khiễng”./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo AP

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nhin-lai-hanh-trinh-8-ngay-dua-nuoc-my-tro-lai-cua-tong-thong-biden-866912.vov