Nhìn lại gần 4 thập kỷ cầm quyền của vị Tổng thống Zimbabwe 93 tuổi

Việc ông Robert Mugabe chính thức chấp thuận từ chức Tổng thống Zimbabwe dưới sức ép từ người dân, Quốc hội và quân đội, đã đặt dấu chấm hết cho sự cầm quyền gần 4 thập kỷ, từ anh một hùng dân tộc tới nhà lãnh đạo bị luận tội của ông Mugabe.

Ông Robert Mugabe (sinh năm 1924) từng tốt nghiệp trường Đại học Fort Hare, nơi mà cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela từng theo học.

Làm việc tại Ghana, năm 1961, ông làm quen và sau đó kết hôn với bà Sally Hafron, người cũng tham gia rất nhiều hoạt động chính trị. Ông Mugabe sau đó được kết nạp vào phong trào yêu nước của những người da màu. Với sự trợ giúp của người vợ, ông đã trở thành nhà lãnh đạo của quốc gia châu Phi này từ năm 1980.

Mặc dù vậy, trước khi đưa Zimbabwe giành độc lập từ Anh. Ông bị bắt giam và được thả vào năm 1974 và được coi là anh hùng đấu tranh cho độc lập cũng như là một lãnh đạo có học vấn cao.

Ông Mugabe với vai trò là lãnh đạo của đảng Zanu-PF bên cạnh vị Tổng thống đầu tiên của Zimbabwe sau khi nước này giành độc lập từ Anh vào năm 1980. Ông Mugabe làm Thủ tướng Zimbabwe từ năm 1980 đến năm 1987.

Ông Mugabe khi đó đã cam đoan và thuyết phục 200.000 người da trắng ở lại đất nước vừa độc lập của ông. Nền nông nghiêp của Zimbawe khi ấy là niềm mơ ước của toàn châu Phi và nằm trong tay các ông chủ da trắng.

Tuy nhiên, dường như những kế hoạch của ông Mugabe không có tác dụng. Zimbabwe trong những năm sau đó ngày càng tụt hậu hơn so với phần còn lại của thế giới.

Năm 1996, vài năm sau khi người vợ đầu qua đời, ông kết hôn với nữ thư ký Grace Marufu. Họ có 1 người con chung và 2 người con riêng của bà Grace. Cũng trong khoảng thời gian này, nền kinh tế Zimbabwe ngày càng đi xuống do các hoạt động quân sự ở Congo.

Cùng thời điểm này, ông Mugabe đã nhen nhóm ý tướng về một cuộc cải cách đất đai, mà theo đó, những người da trắng tại Zimbabwe phải chia sẻ với những người bản địa.

Năm 1997, Chính phủ của Thủ tướng Anh Tony Blair đã rút khỏi các cuộc đàm phán tài trợ cho chương trình cải cách đất đai gây tranh cãi ở Zimbabwe.

Tới năm 2000, ông Mugabe thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp. Sau đó, các lực lượng vũ trang thân chính quyền Mugabe bắt đầu chiếm các điền trang của người da trắng.

Vào năm 2003, ông đã đưa Zimbabwe ra khỏi khối Thịnh vượng chung vì các lệnh trừng phạt. Nền kinh tế Zimbabwe chính thức đi vào quãng thời gian lụn bại từ khoảng thời gian này.

Tại một thời điểm trong năm 2008, tỷ lệ lạm phát lên tới 231.000.000%. Một tờ 100 nghìn tỷ đôla Zimbabwe chưa đổi được nửa USD và chỉ đủ mua 1-2 ổ bánh mỳ.

Vì điều hành kinh tế không thành công, đảng Zanu-PF của ông Mugabe lần đầu tiên không đạt đa số phiếu bầu vào năm 2008. Tuy nhiên, bất chấp tất cả, ông Mugabe tuyên bố "chỉ có Chúa" mới có thể hạ bệ ông…

Trong các cuộc bầu cử tiếp theo, ông Mugabe đã dùng sức ép từ nhiều phía để buộc đối thủ phải từ bỏ ý định tranh cử. Kết quả là, vào năm 2016, ông Mugabe đã tái đắc cử Tổng thống khi đã 92 tuổi..

Dù vậy, các lực lượng vũ trang tại Zimbabwe vẫn trung thành tuyệt đối với ông Mugabe cho tới khi vợ ông là bà Mugabe lộ rõ tham vọng quyền lực. Bà này muốn kế nhiệm chồng trong cuộc bầu cử vào năm sau.

Tham vọng này đã khiến ông Mugabe phế truất Phó Tổng thống Mnangagwa (trái), người được cho là sẽ kế nhiệm ông Mugabe khi ông qua đời hoặc rút lui. Tuy nhiên, quân đội đã phản ứng mạnh bằng cách giam lỏng ông Mugabe, đồng thời yêu cầu ông từ chức.

Bên cạnh quân đội, Quốc hội và người dân Zimbabwe cũng đồng loạt tỏ ý muốn ông Mugabe rút lui. Tới ngày 21-11, ông Mugabe chính thức đệ đơn từ chức, chấm dứt 37 năm cầm quyền.

Thiện Nhân (Ảnh: AP, Reuters)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tu-lieu-quoc-te/nhin-lai-gan-4-thap-ky-cam-quyen-cua-vi-tong-thong-zimbabwe-93-tuoi-467444/